10:19 28/05/2018

Qatar mạnh tay trả đũa lệnh trừng phạt của 4 nước láng giềng

Diệp Vũ

Qatar tuyên bố cấm tất cả các sản phẩm nhập khẩu từ 4 nước láng giềng vùng Vịnh cô lập nước này

Dù bị láng giềng cấm vận, Qatar vẫn đảm bảo được nguồn cung hàng hóa phục vụ cho đời sống của người dân - Nguồn: Alamy/Financial Times.
Dù bị láng giềng cấm vận, Qatar vẫn đảm bảo được nguồn cung hàng hóa phục vụ cho đời sống của người dân - Nguồn: Alamy/Financial Times.

Qatar tuyên bố cấm tất cả các sản phẩm nhập khẩu từ 4 nước láng giềng vùng Vịnh cách đây một năm đã áp lệnh trừng phạt lênh nước này - tờ Financial Times cho hay. 

Đây được xem là một động thái trả đũa mạnh tay của Qatar đối với Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập.

Một công văn từ Bộ Kinh tế Qatar đã yêu cầu tất cả các cửa hiệu ở nước này dừng bán mọi sản phẩm nhập khẩu từ 4 quốc gia nói trên.

Một tuyên bố ra hôm thứ Bảy của Chính phủ Qatar nói lệnh cấm này nhằm "đảm bảo sự an toàn cho người tiêu dùng Qatar và chống lại hoạt động buôn lậu hàng hóa".

Tháng 6 năm ngoái, nhóm 4 quốc gia Arab nói trên áp lệnh cấm vận thương mại và đi lại đối với Qatar, đóng cửa không phận và cảng biển đối với hàng hóa và hành khách từ Qatar, với lý do Doha tài trợ chủ nghĩa khủng bố - một cáo buộc mà Qatar một mực bác bỏ.

Trong những tuần đầu tiên sau khi bị cấm vận, nhập khẩu của Qatar từ 4 nước nói trên giảm 40%. Hãng hàng không Qatar Airways, vốn có nhiều tuyến bay đến và đi từ 4 quốc gia này, cũng chịu sức ép lớn.

Trong khi nhập khẩu trực tiếp hàng hóa từ 4 nước láng giềng này sụt mạnh, Qatar đã "nhắm mắt làm ngơ" trước tình trạng hàng hóa từ 4 nước được nhập khẩu và Qatar thông qua nước thứ ba vì chưa tìm được đủ nguồn cung thay thế. Sau gần 1 năm, khi tình hình đã ổn định, Doha quyết định tung đòn trả đũa.

Lập trường cứng rắn của Qatar phản ánh sự rạn nứt gia tăng trong quan hệ giữa các nước vùng Vịnh vốn là đồng minh thân cận của Mỹ. Mối bất hòa này xuất hiện giữa lúc Washington muốn xây dựng một liên minh chặt chẽ hơn trong khu vực nhằm chống lại sự nổi lên của Iran và chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Qatar là nơi đặt trụ sở cho các hoạt động quân sự của Mỹ ở Trung Đông.

Đến nay, nhóm 4 nước tẩy chay Qatar vẫn bác bỏ những nỗ lực của Mỹ nhằm giảm căng thẳng và đưa 4 nước này cùng Qatar quay trở lại bàn đàm phán.

Trong suốt gần 1 năm qua, Qatar đã vận dụng nhiều biện pháp nhằm duy trì dòng chảy hàng hóa trong nền kinh tế, bao gồm sử dụng các kho dự trữ chiến lược hàng hóa, mở thêm các tuyễn vận tải biển mới từ cả Hamad mới được khai trương. Ngoài ra, nước này cũng đẩy mạnh kế hoạch đầu tư hạ tầng trị giá 200 tỷ USD để chuẩn bị cho Cúp bóng đá Thế giới (World Cup) 2022.

Chính phủ Qatar đã khuyến khích người dân tăng cường làm nông nghiệp, sản xuất rau, sữa và các thực phẩm khác. Các doanh nghiệp ở Qatar cũng gia tăng sản xuất những hàng hóa cơ bản như thuốc men để bảo vệ nền kinh tế khỏi những cú sốc từ bên ngoài.

Các nước vùng Vịnh với quan điểm trung lập như Oman và Kuwait đã tăng cường quan hệ thương mại với Qatar. Ngoài ra, Iran - đối thủ của nhóm 4 nước tẩy chay Qatar - cũng hỗ trợ cung cấp hàng hóa cho nước này.

Nhằm khuyến khích dòng vốn đầu tư nước ngoài, Qatar gần đây đã mở cửa toàn bộ thị trường bất động sản nước này cho khách mua là người nước ngoài. Tuần trước, Qatar tuyên bố sẽ cho phép nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu toàn bộ công ty ở nước này, thay vì chỉ được giữ cổ phần thiểu số trong liên doanh với đối tác trong nước.

Hãng tin Reuters cho biết, nền kinh tế của Qatar - quốc gia xuất khẩu khí hóa lỏng lớn nhất thế giới - dự kiến sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 2,6% trong năm nay và tăng gần 3% trong năm 2019. Mức tăng trưởng này thậm chí còn lớn hơn mức tăng 2,2% mà kinh tế Qatar đã đạt được vào năm 2016 - năm trước khi bị "bộ tứ" láng giềng cô lập.