Quận Bắc Từ Liêm đầu tư xây dựng 4 công viên
UBND TP.Hà Nội vừa quyết định điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch sử dụng đất năm 2024 của quận Bắc Từ Liêm. Trong đó, sẽ đầu tư xây dựng 4 dự án công viên…
Theo kế hoạch, TP. Hà Nội thực hiện điều chỉnh diện tích các loại đất phân bổ trong năm 2024 của Bắc Từ Liêm khoảng 4.534,84 ha. Trong đó, đất nông nghiệp 532,21 ha; đất phi nông nghiệp 3.889,31 ha; đất chưa sử dụng 113,31 ha. Thu hồi bổ sung đối với đất nông nghiệp 281,55 ha; đất phi nông nghiệp 22,84 ha và đất chưa sử dụng 0,8 ha.
Ngoài ra cũng quyết định điều chỉnh, bổ sung danh mục Kế hoạch sử dụng đất năm 2024 các dự án: Khu tổ hợp Phú Diễn – Ecity Phú Diễn (8,69ha); Cải tạo, nâng cấp tuyến mương thoát nước đô thị kết hợp làm đường giao thông theo quy hoạch, phường Đức Thắng (0,90ha); Xây dựng hạ tầng kỹ thuật để đấu giá quyền sử dụng đất khu đất xen kẹt, nhỏ lẻ phường Thụy Phương (0,09ha).
Mở rộng, cải tạo đài tưởng niệm liệt sỹ kết hợp vườn hoa cây xanh phường Thụy Phương (0,42ha); Xây dựng tuyến đường phía tây dự án Goldmark City nối ra đường Hồ Tùng Mậu, phường Phú Diễn (0,18ha); Xây dựng tuyến đường kết nối Trường TH Cổ Nhuế 1, THCS Cổ Nhuế 1 và khu đô thị Tây Hồ Tây (0,90ha).
Dự án thành phần gồm: Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thực hiện giải phóng mặt bằng trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm, thuộc dự án Đầu tư xây dựng cụm công trình đầu mối Liên Mạc (29,10ha); Xây dựng tuyến đường vào khu công nghiệp Nam Thăng Long đến đường Vành đai 3,5 (16ha); Xây dựng tuyến đường từ đường Tây Thăng Long đến đường từ Đại học mỏ địa chất đi đường Phạm Văn Đồng (3ha); Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất dịch vụ tại các ô quy hoạch DV07, DV10 (1,79ha).
Dự án Khu văn hóa giải trí đa chức năng công cộng đô thị (3,76ha); Công viên văn hóa giải trí kết hợp cải tạo, bảo tồn vườn quả Từ Liêm và du lịch sinh thái nông nghiệp (84,20ha); Công viên văn hóa nghỉ ngơi (82,68ha); Công viên thực vật (53,87ha); Công viên khoa học công nghệ cao (33,80).
Theo thống kê của TP. Hà Nội, trên địa bàn Thủ đô có 63 công viên, vườn hoa phục vụ công ích do thành phố và UBND cấp huyện quản lý theo phân cấp. Bên cạnh đó, còn một số công viên, vườn hoa khác do chủ đầu tư dự án tại các khu đô thị tự quản lý. Hiện nay, Thành phố đang tiến hành cải tạo 45 công viên, vườn hoa tại 10 quận; hoàn thành xây dựng mới 6 công viên trong giai đoạn 2021-2025...
Vì vậy, tới đây, thành phố tiếp tục tập trung nguồn lực, khẩn trương thực hiện nâng cấp đồng bộ các công viên, vườn hoa theo kế hoạch, để phục vụ nhân dân theo hướng tạo công viên mở, phù hợp với hiện trạng công viên và khu vực liền kề.
Nhiều chuyên gia về quy hoạch cho rằng Hà Nội cần khẩn trương khắc phục nghịch lý thiếu không gian xanh, nhưng công viên lại bị bỏ hoang, xuống cấp và người dân đô thị vẫn thiếu không gian vui chơi, sinh hoạt. Tuy nhiên, để tạo lập không gian xanh cần nguồn lực rất lớn, không chỉ từ ngân sách thành phố mà còn huy động từ xã hội, doanh nghiệp, đặc biệt là từ cộng đồng dân cư tham gia cùng. Bởi cộng đồng là một chủ thể sẽ góp phần bảo vệ, chăm sóc không gian xanh, đồng thời là người đóng góp trực tiếp. Nhưng lưu ý cơ chế giám sát đầu tư các dự án công viên của Hà Nội phải thật chặt chẽ, đảm bảo không xảy ra việc cắt xén không gian xanh để đầu tư hạng mục kinh doanh khác.
Trước đó, tại một hội nghị giao ban, lãnh đạo Hà Nội đã yêu cầu phải đẩy mạnh xã hội hóa phát triển công viên và phân cấp mạnh cho địa phương quản lý, khai thác; thúc đẩy tiến độ các dự án và có giải pháp xử lý nghiêm đối với dự án chậm triển khai.