Quảng Nam đưa Bảo tàng đa dạng sinh học cấp tỉnh đầu tiên của cả nước đi vào hoạt động
Bảo tàng đa dạng sinh học tỉnh Quảng Nam là công trình Bảo tàng đa dạng sinh học cấp tỉnh đầu tiên trong cả nước chính thức đi vào hoạt động, sau một số Bảo tàng thiên nhiên và đa dạng sinh học cấp quốc gia và vùng như: Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, các Bảo tàng thiên nhiên vùng Nam Bộ, Tây nguyên, Tây Bắc, duyên hải miền Trung; Bảo tàng hải dương học Nha Trang, Bảo tàng Hải dương học Đồ Sơn; …
Sáng ngày 15/5, tỉnh Quảng Nam chính thức ra mắt Bảo tàng đa dạng sinh học tỉnh Quảng Nam - một trong những hoạt động nhằm triển khai thực hiện Đề án tổ chức Năm phục hồi đa dạng sinh học Quốc gia - Quảng Nam 2024 – “Chung sống hài hòa với thiên nhiên”; đồng thời hưởng ứng Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học 2024 – “Hãy là một phần của Kế hoạch đa dạng sinh học” và Ngày Quốc tế Bảo tàng 2024 – “Bảo tàng vì giáo dục và nghiên cứu”.
Báo cáo về quá trình hình thành, định hướng phát triển của Bảo tàng đa dạng sinh học tỉnh Quảng Nam, cho biết đây là kết quả của Dự án xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học tỉnh Quảng Nam, được thực hiện từ năm 2015 đến năm 2021.
Sau nhiều năm sưu tầm, bảo quản và xây dựng cơ sở dữ liệu, Bảo tàng đa dạng sinh học tỉnh Quảng Nam hình thành và được bố trí thành các không gian trưng bày: khu vực giới thiệu chung; khu trưng bày ngành thực vật (thực vật bậc cao); khu trưng bày ngành động vật (chim, thú, bò sát, lưỡng cư, côn trùng, cá, động vật đáy); khu vực tương tác; phòng tư liệu; phòng nghiên cứu và khu vực lưu giữ - xử lý – bảo quản mẫu...
Đến nay, Bảo tàng đa dạng sinh học Quảng Nam hiện đã sưu tập, lưu giữ hơn 3.700 bức ảnh; hơn 1.200 mẫu vật, tiêu bản động, thực vật (bao gồm thực vật bậc cao; các loài chim, thú, bò sát, lưỡng cư, côn trùng, cá và động vật đáy thuộc 719 loài, 274 họ trên địa bàn tỉnh). Và bộ dữ liệu, tài liệu, bản đồ số và các báo cáo khoa học.
Bên cạnh các sản phẩm thu thập từ dự án xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học tỉnh Quảng Nam; Bảo tàng đã tiếp nhận các sản phẩm, mẫu vật từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh của đề tài “Xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống quản lý thông minh đa dạng sinh học hệ thực vật các khu rừng đặc dụng tỉnh Quảng Nam”; Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (tiêu bản đồi mồi dứa); và từ UBND xã Tam Mỹ Tây (bộ xương con vọoc chà vá chân xám).
Bảo tàng cũng bước đầu xây dựng mối hợp tác, chia sẻ chuyên môn với các bảo tàng, đơn vị như Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam; Bảo tàng thiên nhiên duyên hải miền Trung; Trung tâm Green Việt; ...
Theo bà Lê Thủy Trinh, Phó giám đốc Tài nguyên Môi trường tỉnh Quảng Nam, với hệ thống cơ sở dữ liệu và bộ sưu tập các mẫu vật, tiêu bản hiện có liên quan đến đa dạng sinh học tỉnh Quảng Nam, việc giới thiệu và trưng bày ra mắt giới thiệu Bảo tàng nhằm quảng bá các giá trị tài nguyên đa dạng sinh học, sự phong phú của các loài động thực vật quý hiếm, đặc hữu, đặc trưng của thiên nhiên ban tặng trong không gian sinh tồn trên địa bàn tỉnh; kết nối với các tổ chức, các nhà khoa học nhằm phát triển phong phú thêm về các mẫu vật cho Bảo tàng; góp phần khơi dậy ý thức và trách nhiệm của mỗi cán bộ và người dân, tầng lớp học sinh các cấp trong việc giữ gìn, bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh Quảng Nam.
Với chức năng nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ, bảo quản, trưng bày, xây dựng, quản lý và khai thác cơ sở dữ liệu, tư liệu, mẫu vật về tài nguyên đa dạng sinh học của tỉnh; phục vụ công tác quản lý, nghiên cứu, giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức về đa dạng sinh học...
Bà Trinh cho rằng: “Việc giới thiệu và khởi động tham quan đưa Bảo tàng đa dạng sinh học tỉnh Quảng Nam đi vào hoạt động nhằm góp phần khơi gợi, lan tỏa ý thức và trách nhiệm của các cấp và toàn xã hội cùng tham gia hành trình bảo vệ, phục hồi và giữ gìn các giá trị vô cùng đặc biệt của đa dạng sinh học của Quảng Nam nói riêng, Việt Nam nói chung”.