Quảng Ninh, 4 năm và 48 nghìn tỷ vốn xã hội hóa làm giao thông
Cách làm của Quảng Ninh là vừa cải cách thủ tục hành chính vừa "mở toang cánh cửa"
48.000 tỷ đồng đã được Quảng Ninh huy động từ nguồn vốn tư nhân để đầu tư cho hạ tầng giao thông sau 4 năm.
Những cao tốc hiện đại nối liền Hạ Long - Hải Phòng, Hạ Long với Vân Đồn, Móng Cái, Cẩm Phả… đã thành hình và đang hoàn thiện, đảm bảo việc khớp nối giữa các khu vực trong nội bộ Quảng Ninh cũng như trong vùng, đặc biệt tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Ngoài ra, một cảng hành khách quốc tế Vân Đồn sắp đi vào vận hành cuối quý 2/2018; cảng hành khách quốc tế Hòn Gai với công năng lớn; cầu Bạch Đằng đang khẩn trương xây dựng, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng trước 30/6 tới và sẽ là cây cầu lớn nhất miền Bắc…
Tuyến cao tốc kết nối Quảng Ninh với tuyến đường kéo dài từ Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai cũng sẽ trở thành tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam, đồng thời là hành lang đường bộ đầu tiên kết nối các tỉnh phía Bắc Việt Nam với các nước trong khu vực.
Tất cả đều là những dự án mới đầu tư vài ba năm trở lại đây.
Cách làm của Quảng Ninh là vừa cải cách thủ tục hành chính vừa "mở toang cánh cửa", kêu gọi các doanh nghiệp lớn vào đầu tư. Sân bay Vân Đồn, cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, Hạ Long - Vân Đồn, cầu Bạch Đằng, dự án cải tạo và nâng cấp quốc lộ 18 đoạn Hạ Long - Mông Dương… đều được đầu tư dưới các hình thức đối tác công tư (PPP), xây dựng - vận hành chuyển giao (BOT).
Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trong bài phỏng vấn báo chí mới đây cho rằng: PPP hay các BOT hiện vẫn là hình thức huy động vốn ưu việt để phát triển cơ sở hạ tầng, trong bối cảnh ngân sách Nhà nước vẫn rất hạn hẹp.
48.000 tỷ đồng đã được Quảng Ninh huy động từ nguồn vốn tư nhân để đầu tư cho hạ tầng giao thông sau 3-4 năm. Nếu so với con số hơn 171.000 tỷ đồng vốn đầu tư ngoài Nhà nước mà Bộ Giao thông Vận tải huy động trong 5 năm 2011-2016, thì chỉ riêng Quảng Ninh huy động vốn BOT đã gần bằng 1/3.
Nhờ hạ tầng phát triển vượt bậc, Quảng Ninh đã đạt được các con số tăng trưởng "thần kỳ" về cả kinh tế, xã hội, du lịch.
Năm 2017, tỉnh này có thu ngân sách lớn thứ 5 cả nước với hơn 38.500 tỷ đồng. Hàng loạt nhà đầu tư lớn đã xuất hiện như Sun Group, Vingroup… với những dự án tầm cỡ tạo nên sự bứt phá mạnh mẽ chưa từng có của ngành du lịch.
Gần 10 triệu lượt khách đã đến Quảng Ninh năm 2017, tăng gần 20% so với năm 2016, riêng khách quốc tế là 4,3 triệu lượt. Tổng doanh thu từ khách du lịch đạt 17.800 tỷ đồng, tăng 34% so với so với năm trước.
Trong buổi làm việc với Quảng Ninh ngày 22/2 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể bình luận, từ điển hình Quảng Ninh có thể thấy, Nhà nước chỉ cần bỏ ra khoảng 25% vốn, còn nhà đầu tư bỏ ra 75% là có thể hình thành những công trình "để đời" như sân bay, cầu lớn, đường quốc lộ...
"Qua buổi làm việc ở Quảng Ninh, chúng tôi thấy mô hình này rất hay, đặc biệt là đối tác công tư (PPP) thế nào cho hiệu quả. Phần nào Nhà nước, phần nào nhà đầu tư làm, phân biệt rõ trách nhiệm…", ông Thể nói.