Quốc gia biển không thể mãi đi thuê, đi mua tàu
Thất bại trong việc xây dựng ngành công nghiệp đóng tàu là do mô hình các loại doanh nghiệp như Vinashin, Vinalines chưa phù hợp
Đã xác định là một quốc gia biển, không thể mãi đi mượn, đi thuê, đi mua tàu ở bên ngoài mà cần đóng được tàu để sử dụng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Sáng 28/9, tại cuộc họp báo trước thềm hội nghị Trung ương 8 dự kiến khai mạc ngày 2/10 tới, Bộ trưởng Hà đã trình bày hướng điều chỉnh, bổ sung Chiến lược biển Việt Nam đến 2020 sau khi tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về vấn đề này.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, trên cơ sở tổng kết thực tiễn, Bộ đã chuẩn bị rất kỹ một số nội dung để đề xuất cụ thể. Công việc được thực hiện bài bản, Trung ương lập hẳn một ban chỉ đạo để nghiên cứu, chuẩn bị.
Ban chỉ đạo đã đánh giá toàn diện, từ vấn đề kinh tế, an ninh quốc phòng, môi trường cho tới tư duy, quan điểm. 10 năm qua, Chiến lược biển đã mang lại sự thay đổi căn bản. Việt Nam chuyển hẳn định hướng trở thành một quốc gia biển, hướng ra biển, coi biển là cửa ngõ, là bậc thềm để Việt Nam vươn ra thế giới, Bộ trưởng nói.
Đánh giá chung về chỉ số GDP của các tỉnh ven biển, kết quả phát triển kinh tế xã hội khu vực ven biển, cuộc sống người dân ven viển… đều cho thấy các vùng ven biển đã trở thành những khu vực phát triển hết sức năng động. Các vùng này trở thành trung tâm kinh tế và động lực kinh tế, tạo động lực rất lớn về đầu tư và phát triển cho cả nước. Tính chung GDP cả nước, khu vực ven biển chiếm tới 60-70%, Bộ trưởng thông tin.
Nhưng, theo Bộ trưởng thì thu nhập đầu người của người dân vùng biển vẫn thấp hơn mức trung bình cả nước. Những mục tiêu kỳ vọng khác cũng không đạt, như phát triển ngành công nghiệp đóng tàu, khai thác dầu khí, công nghiệp hàng hải.
Với thất bại trong việc xây dựng ngành công nghiệp đóng tàu, Bộ trưởng đề cập nguyên nhân từ mô hình các loại doanh nghiệp như Vinashin, Vinalines đến phương thức quản lý, mức đầu tư khoa học công nghệ… chưa phù hợp. Các cơ quan lãnh đạo cũng còn nóng vội, duy ý chí nên để xảy ra những sai phạm, thiệt hại như đã thấy trong thời gian qua.
Đến thời điểm này, công nghiệp đóng tàu không còn được xác định là một ngành mũi nhọn nữa, đã qua những cơ hội để tranh thủ phát triển ngành này thành chỗ dựa của quốc gia khi hướng ra biển, ông Hà nhấn mạnh.
Song, theo Bộ trưởng, dự thảo nghị quyết điều chỉnh chiến lược biển trình hội nghị Trung ương 8 ngành công nghiệp đóng tàu vẫn sẽ rất quan trọng. Vì đã xác định là một quốc gia biển, không thể mãi đi mượn, đi thuê, đi mua tàu ở bên ngoài mà cần đóng được tàu để sử dụng.
Ngành công nghiệp đóng tàu buộc phải tái cấu trúc, từ quản trị cho tới chất lượng tăng trưởng trên cơ sở ứng dụng công nghệ tiên tiến, đầu tư nguồn nhân lực chất lượng cao để làm ra những sản phẩm có sức cạnh tranh với quốc tế về kinh tế cũng như mặt kỹ thuật, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cũng đề cập đến hướng phát triển ngành hàng hải để đáp ứng yêu cầu vươn ra, giao lưu với thế giới. Dự báo thời gian tới, nhu cầu về giao dịch giữa các khu vực kinh tế thế giới cũng tăng lên nhiều lần, theo đó, hàng hải tiếp tục là lợi thế kinh tế của Việt Nam, cần phải thúc đẩy, Bộ trưởng nói.
Với ngành thủy sản, theo Bộ trưởng là đã có xu hướng chuyển từ khai thác truyền thống gần bờ sang diện xa bờ hơn, bền vững hơn. Từ đó, một định hướng đưa ra là công nghiệp hóa ngành khai thác tài sản, tính đến sự an toàn bền vững của hệ sinh vật biển, chuyển từ khai thác truyền thống sang nuôi trồng trên biển (nuôi trồng ở các vùng biển xa hoặc ở quanh các đảo).
"Căn bản nhất phải xác định chuyển đổi mô hình kinh tế xanh, các lĩnh vực kinh tế phải dựa trên ứng dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến, lấy môi trường, hệ sinh thái tự nhiên làm nền tảng đầu vào cho phát triển. Kinh tế xanh chính là ngành kinh tế mới tạo ra công ăn việc làm, phúc lợi xã hội, hiệu quả kinh tế cho đất nước trong lương lai", Bộ trưởng nhấn mạnh.