Quốc hội quyết định đầu tư thêm một dự án quan trọng quốc gia
Chủ trương đầu tư dự án Hồ chứa nước Ka Pét tại huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận vừa được Quốc hội thông qua chiều 26/11
Chủ trương đầu tư dự án Hồ chứa nước Ka Pét tại huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận vừa được Quốc hội thông qua chiều 26/11.
Mục tiêu của dự án là cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, cấp nước thô cho khu công nghiệp và sinh hoạt của người dân, phòng, chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận.
Quy mô của dự án, gồm: hồ điều tiết dung tích toàn bộ 51,21 triệu m3, dung tích hữu ích 47,41 triệu m3, dung tích chết 3,8 triệu m3; hệ thống kênh và các công trình phụ trợ khác.
Tổng diện tích sử dụng đất của dự án là 693,31 ha, trong đó diện tích có rừng 680,41 ha, bao gồm chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đặc dụng 162,55 ha (đây là tiêu chí của dự án quan trọng quốc gia cần Quốc hội quyết định - PV) rừng phòng hộ 0,91 ha; rừng sản xuất: 471,09 ha; rừng nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng: 45,85 ha và diện tích đất sản xuất nông nghiệp: 12,9 ha.
Tổng mức đầu tư của dự án là 585,647 tỷ đồng. Về nguồn vốn, nghị quyết ghi rõ, giai đoạn 2016 - 2020 là186,502 tỷ đồng, bao gồm: nguồn vốn dự phòng ngân sách trung ương năm 2016 là 50 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ theo Chương trình ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020 là 136,502 tỷ đồng.
Giai đoạn sau năm 2020 là 399,145 tỷ đồng, được cân đối từ nguồn ngân sách tỉnh Bình Thuận từ năm 2021 đến năm 2025 và nguồn trung ương hỗ trợ cho địa phương giai đoạn 2021 - 2025. Thời gian thực hiện dự án từ 2019 – 2024.
Báo cáo giải trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phản ánh ý kiến đại biểu cho rằng hồ sơ dự án trình Quốc hội còn chậm, chưa tuân thủ quy định về thời gian của Luật Đầu tư công.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì ý kiến này là xác đáng, đề nghị Chính phủ cần nghiêm túc rút kinh nghiệm.
Tuy nhiên, do tính cấp thiết của dự án đối với cấp nước phục vụ đời sống, sản xuất, an sinh xã hội của một bộ phận lớn người dân khu vực thường xuyên bị hạn hán nhất của đất nước, đồng thời xét thấy hồ sơ dự án cũng đã được chuẩn bị khá kỹ, mặc dù chậm nhưng các nội dung khác tuân thủ đúng các quy định của pháp luật nên Uỷ ban Thường vụ Quốc hôih vẫn đề nghị Quốc hội cho phép xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án tại kỳ họp này.
Kết quả có 448/449 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành thông qua, 1 đại biểu không biểu quyết.