Quốc hội sẽ dành trọn ngày bàn sửa Luật Phòng chống tham nhũng
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa quyết định triệu tập kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khoá 14, khai mạc vào ngày 21/5 tới đây
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa quyết định triệu tập kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khoá 14, khai mạc vào ngày 21/5 và dự kiến bế mạc vào ngày 15/6/2018.
Tại công văn mời các vị đại biểu Quốc hội về dự họp, Tổng thư ký Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cho phép điều chỉnh một số dự án so với nghị quyết của Quốc hội về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018.
Theo đó, rút 5 trong số 9 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến để có thêm thời gian tiếp tục hoàn thiện: Luật Hành chính công; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường; Luật Dân số; Luật Quản lý phát triển đô thị.
Bổ sung Luật Sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến Luật Quy hoạch trình Quốc hội xem xét, thông qua và Luật Công an nhân dân (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến.
Các vị đại biểu cũng được đề nghị sớm gửi câu hỏi chất vấn, đề xuất nhóm vấn đề cần được Quốc hội tiến hành chất vấn tại kỳ họp thứ 5 đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cùng với công văn triệu tập, dự kiến nội dung và chương trình kỳ họp thứ 5 cũng được gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội.
Với thời gian dự kiến là 20 ngày làm việc, đây được cho là kỳ họp ngắn nhất trong nhiều nhiệm kỳ Quốc hội gần đây.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 8 dự án luật và cho ý kiến 8 dự án luật khác.
Toàn bộ công việc này chỉ chiếm hơn 10 ngày, song riêng Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) đã được dành một ngày rưỡi.
Sau một buổi thảo luận ở tổ, Quốc hội sẽ dành cả ngày 13/6 để thảo luận tại hội trường về dự án luật này, phiên họp được truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước có thể theo dõi.
Phòng chống tham nhũng là vấn đề luôn luôn nóng trong ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi về các kỳ họp Quốc hội trong những khoá gần đây.
Việc sửa Luật Phòng chống tham nhũng cũng được cho là rất khó, vì thế Quốc hội đã thống nhất xem xét thông qua tại ba kỳ họp, thay vì hai kỳ như hầu hết các luật khác.
Một trong những vấn đề nan giải nhất của dự án luật là quy định về xử lý tài sản, thu nhập thực tế lớn hơn tài sản, thu nhập đã kê khai hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà người kê khai không giải trình được một cách hợp lý về phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm.
Phương án được Chính phủ chọn là cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập yêu cầu cơ quan thuế thực hiện việc thu thuế thu nhập cá nhân. Đồng thời, dự thảo luật sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân, quy định mức thuế suất 45% đối với thu nhập chịu thuế do vi phạm quy định của Luật Phòng chống tham nhũng.
Cơ quan thẩm tra dự án luật, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cũng có ý kiến đồng tình với phương án này, nhưng cũng có những ý kiến không đồng tình.
Mức thuế 45% theo đề xuất của Chính phủ cũng chưa thuyết phục được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Bên cạnh đó còn là băn khoăn về kê khai, thẩm tra, xác minh tài sản... dù dự thảo mới nhất cũng đã tiếp thu nhiều ý kiến của các vị đại biểu.
Vì thế, việc dành thời gian nhiều hơn cho dự án luật cũng dễ hiểu.
Lần này, chất vấn và trả lời chất vấn tại nghị trường cũng sẽ có những đổi mới.
Để giảm áp lực cho người trả lời thì cách thức hỏi nhanh đáp gọn sẽ thay bằng sau 3 câu hỏi (mỗi câu 1 phút, mỗi người 1 câu) thì người được chất vấn sẽ trả lời trong 9 phút.
Phương án này sẽ được trình Quốc hội quyết định tại phiên trù bị kỳ họp.