Quyết định lịch sử ở Bộ Công Thương: Hứa cắt là sẽ cắt
Lãnh đạo Bộ Công Thương lên tiếng về quyết định cắt giảm 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh ban hành mới đây
"Những điều kiện Bộ Công Thương đã cam kết bãi bỏ là chắc chắn sẽ bãi bỏ", Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khẳng định tại một cuộc toạ đàm diễn ra ngày 22/11 ở Hà Nội.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ban hành phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ giai đoạn 2017-2018, một quyết định được xem là "chưa từng có" trong lịch sử ngành công thương.
"Chủ động và tự nguyện"
Theo quyết định này, 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh được cắt giảm. Con số này nhiều hơn khoảng 60 điều kiện so với dự kiến ban đầu và chiếm khoảng 55,5% tổng số điều kiện kinh doanh của 27 nhóm ngành hàng.
Thời gian qua cũng có những ý kiến cho rằng việc cắt giảm nói trên là "chạy đua lấy thành tích", "có nhiều điều kiện trùng lặp", "không có thẩm quyền"...
Tuy nhiên, người đứng đầu ngành công thương khẳng định: "Việc rà soát, cắt giảm 675 điều kiện lần này chỉ là mở đầu cho công tác cải cách của Bộ Công Thương. Đây sẽ là việc làm thường xuyên, liên tục, không phải việc làm theo năm theo tháng".
Tại cuộc toạ đàm nói trên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh trong diện cắt giảm tập trung chủ yếu ở 16 ngành nghề, trong đó trong đó nhiều ngành nghề thường dư luận quan tâm như xăng dầu, khí hóa lỏng, hóa chất, thuốc lá, rượu, logistics…
Chẳng hạn, lĩnh vực xăng dầu từ trước đến nay là đầu vào quan trọng cho nhiều ngành sản xuất. Thứ trưởng Khánh cho rằng, việc cắt giảm điều kiện sẽ giúp có thêm nhiều doanh nghiệp tham gia vào hệ thống kinh doanh xăng dầu, từ đó tăng tính cạnh tranh, giá xăng dầu sẽ được cải thiện.
Riêng về thị trường điện, Bộ Công Thương cắt giảm 18 khoản, 3 điều. "Việc cắt giảm các điều kiện sẽ khiến thị trường điện có nhiều thành phần kinh tế tham gia vào hơn gồm cả sản xuất, truyền tải và phân phối điện", Thứ trưởng Khánh nói.
Đánh giá cao sự chủ động của Bộ Công Thương trong việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nói: "Tôi chưa thấy bộ, ngành nào chủ động và tự nguyện cắt giảm điều kiện kinh doanh như Bộ Công Thương".
"Chúng ta cắt giảm điều kiện để giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp. Như vậy, nếu doanh nghiệp có thua lỗ thì cũng mất ít hơn, khả năng hồi phục lại cũng nhanh hơn. Chưa kể đến việc chi phí kinh doanh giảm đi thì giá cả mặt hàng đó cũng giảm xuống. Điều này tác động lan toả tới nền kinh tế và là yêu cầu rất quan trọng mà lâu nay ta ít suy nghĩ đến", ông Cung nhìn nhận.
"Cắt chỗ này, mọc chỗ khác?"
Dẫn chứng những nghi ngại về khả năng vẫn mọc thêm các giấy phép con, ông Cung đặc biệt nhấn mạnh đến tư duy và cách thức quản lý.
Đó là, nếu tư duy không thay đổi, chưa đặt niềm tin vào doanh nghiệp thì khả năng mọc thêm các giấy phép con sẽ rất cao, nhất là khi một sự việc nào đó vấp phải những phản ứng của dư luận.
Vị chuyên gia này còn lo sợ một xu hướng đi ngược lại hoặc cố tình gây ra thất bại, của một số cán bộ mất quyền lợi do thay đổi phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
Tức là sau khi chuyển sang hậu kiểm, họ có thể cố tình để xảy ra một số vụ việc "bê bối" và khiến dư luận nghi ngại hiệu quả của việc hậu kiểm.
Giải đáp thắc mắc của TS. Nguyễn Đình Cung, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh, phải thay đổi được tư duy quản lý. Khi điều kiện kinh doanh xóa bỏ thì không một nơi nào có thể đòi hỏi thêm các giấy phép con, việc kiểm tra phải dựa trên các quy chuẩn và tiêu chuẩn đã được lượng hóa bằng các quy định của pháp luật một cách công khai, minh bạch và hơn nữa là giúp loại bỏ được một số công chức có thể gây khó dễ cho doanh nghiệp.
Đối với ý kiến phản ánh rằng trong số 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh được loại bỏ có không ít điều kiện bị trùng lắp, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, trong quá trình rà soát và thực hiện, có 18 điều kiện bị trùng lắp, và đây là lỗi của các đơn vị trong Bộ Công Thương.
"Những điều kiện Bộ Công Thương cam kết bãi bỏ là chắc chắn sẽ bãi bỏ", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Ông cho biết, chậm nhất là 30/11 tới, các văn bản sửa đổi điều kiện kinh doanh sẽ được cơ quan chức năng trình Chính phủ để thông qua, từ đó tạo sức lan tỏa lớn hơn cho người dân, doanh nghiệp trong việc cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư.