16:17 27/04/2024

Rạng Đông nỗ lực bắt kịp các xu hướng công nghệ mới

Hoàng Hà

Lãnh đạo Rạng Đông khẳng định công nghệ ánh sáng tích hợp với Internet vạn vật (IoT) và Trí tuệ Nhân tạo (AI) mở ra những cơ hội và tiềm năng to lớn ...

Ông Nguyễn Đoàn Kết, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng giám đốc và Trưởng ban Chuyển đổi số của Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông, đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của công nghệ ánh sáng tích hợp với Internet vạn vật (IoT) và Trí tuệ Nhân tạo (AI) trong buổi hội thảo "Từ nhà máy thông minh đến ngôi nhà thông minh" diễn ra vào chiều ngày 26/4.

Lãnh đạo Rạng Đông khẳng định sự kết hợp này mở ra những cơ hội và tiềm năng to lớn trong nhiều lĩnh vực, đóng vai trò then chốt thúc đẩy sự phát triển của các hệ thống và ứng dụng thông minh, đồng thời mở ra cánh cửa cho một thế giới kết nối, thông minh và tự động hóa.

RẠNG ĐÔNG LUÔN NỖ LỰC BẮT KỊP CÁC XU HƯỚNG MỚI, TỐI ƯU HÓA SẢN XUẤT

"Sự kết hợp giữa các công nghệ này tạo nên một hệ thống linh hoạt và thông minh, mang đến khả năng cải thiện hiệu quả và tiết kiệm năng lượng đáng kể, đồng thời nâng cao trải nghiệm người dùng và thúc đẩy sự phát triển bền vững", ông Kết nhấn mạnh.

Theo Statista, đơn vị nghiên cứu thị trường và dữ liệu người dùng hàng đầu trên thế giới, trong năm 2023, thị trường smarthome Việt Nam đã đạt 275 triệu USD. Dự kiến đến năm 2028, con số này đạt hơn 500 triệu USD, tốc độ phát triển của toàn thị trường này được đánh giá ở mức nhanh với khoảng 12,3 % một năm.

Xu hướng của các thiết bị smarthome là thông minh hơn, kết nối nhanh chóng và tốn ít năng lượng. Thời đại công nghiệp 4.0 phát triển, việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến hiện đại như AI, để xử lý các vấn đề trong cuộc sống, đang được các hãng công nghệ trên thế giới chú trọng đầu tư.

Trao đổi bên lề sự kiện với phóng viên Tạp chí Kinh tế Việt Nam / VnEconomy, ông Lê Ngọc Tuấn, CEO Rogo Solutions, cho rằng Rạng Đông, dù là một doanh nghiệp lâu đời, vẫn luôn theo kịp những xu hướng công nghệ mới nhất trong lĩnh vực nhà thông  minh và sản xuất thông minh. Điều này thể hiện sự tiến bộ và nỗ lực của Rạng Đông trong việc bắt kịp các xu hướng mới.

Mô hình sản xuất thông minh make in Việt Nam của Rạng Đông trưng bày tại Triển lãm các thành tựu chuyển đổi số của công ty
Mô hình sản xuất thông minh make in Việt Nam của Rạng Đông trưng bày tại Triển lãm các thành tựu chuyển đổi số của công ty

“Công ty Rạng Đông đang nỗ lực bắt kịp các xu hướng mới, tối ưu hóa sản xuất, đặc biệt là ứng dụng điện toán biên (Edge AI). Rạng Đông cũng chú trọng đến Tiny Machine Learning (TinyML), một công nghệ liên quan đến nghiên cứu học máy để tối ưu hóa và nén các mô hình AI. Những mô hình này có thể chạy trên các thiết bị nhúng nhỏ, yếu, và hạn chế về tài nguyên tính toán và lưu trữ như vi điều khiển. Xu hướng này cho phép các mô hình học máy nhỏ chạy trên các chip giá dưới 1 USD, mở ra tương lai mà mọi thiết bị nhỏ và rẻ có khả năng tự ra quyết định”, ông Lê Ngọc Tuấn nói.

CÔNG NGHỆ VÀ THẾ GIỚI THAY ĐỔI KHÔNG NGỪNG, KHÔNG AI CÓ THỂ HOẠT ĐỘNG ĐƠN ĐỘC

Một hệ sinh thái đầy đủ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đất nước phát triển và ứng dụng những xu hướng công nghệ mới. Bằng cách tạo ra môi trường hợp tác và kết nối giữa các doanh nghiệp, tổ chức giáo dục và cơ quan chính phủ, hệ sinh thái sẽ thúc đẩy sự đổi mới, khuyến khích chia sẻ kiến thức và nguồn lực, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án nghiên cứu và phát triển. 

Tại sự kiện, Ban lãnh đạo Công ty Cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông đã tiến hành ký kết hợp tác chiến lược với 5 đơn vị đối tác: Trường Quốc Tế - Đại học Quốc Gia Hà Nội (chia sẻ hợp tác khoa học công nghệ, đào tạo và hỗ trợ sinh viên trong việc tìm kiếm cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp); Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội (hợp tác trong việc nghiên cứu, khảo sát và tối ưu hóa quá trình sản xuất); Cổng Thông tin hỗ trợ doanh nghiệp FTU (hợp tác tham gia triển khai các dự án đào tạo và sự kiện, cùng nhau tạo ra những cơ hội mới và phát triển bền vững); Tổng Công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel - Chi nhánh Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội; Ngân Hàng TMCP Quân Đội - MB Bank (tối ưu các sản phẩm/dịch vụ và các nguồn lực sẵn có của hai bên để tối đa hoá hiệu quả hợp tác).

Phó giáo sư, Tiến sĩ Đào Ngọc Tiến, Phó hiệu trưởng kiêm Trưởng ban chỉ đạo thông tin hỗ trợ doanh nghiệp của trường Đại học Ngoại thương, cho biết Trường Đại học Ngoại thương đã hợp tác với Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông từ khá lâu. Từ năm 2016, nhà trường đã cử những nhóm chuyên gia đầu tiên đến làm việc với công ty. Sau đó, hai bên đã ký các thỏa thuận hợp tác.

"Và hôm nay, Cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp của Trường Đại học Ngoại thương tiếp tục ký một thỏa thuận hợp tác mới với Rạng Đông. Mục tiêu của thỏa thuận này là mở rộng mô hình hợp tác giữa nhà trường và công ty, đồng thời nhân rộng mô hình hợp tác với các doanh nghiệp khác để xây dựng một hệ sinh thái chung".

“Hệ sinh thái này sẽ thu hút nhiều công ty Việt Nam, từ doanh nghiệp thương mại đến công ty công nghệ, cùng nhau tạo ra một môi trường phát triển và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam”, PGS-TS Đào Ngọc Tiến nói.

Khách tham quan tìm hiểu về các sản phẩm Rạng Đông
Khách tham quan tìm hiểu về các sản phẩm Rạng Đông

Rạng Đông và Trường Đại học Ngoại thương cùng chia sẻ triết lý lấy con người và nguồn nhân lực làm nền tảng vững chắc cho sự phát triển tổ chức. Theo PGS-TS Đào Ngọc Tiến, trong thời đại công nghệ phát triển nhanh chóng và thế giới thay đổi không ngừng, không ai có thể hoạt động đơn độc. Do đó, hợp tác là chìa khóa để giải quyết các vấn đề phức tạp.

“Mỗi doanh nghiệp, trường đại học và tổ chức có thể nhìn nhận từ các khía cạnh khác nhau. Doanh nghiệp công nghệ tập trung vào công nghệ, trong khi các trường kinh tế chú trọng vào kinh doanh. Vì thế, để cung cấp giải pháp hoàn chỉnh cho các tổ chức và doanh nghiệp, cần có sự phối hợp giữa các bên”, PGS-TS Đào Ngọc Tiến nói.

Đồng quan điểm, ông Lê Ngọc Tuấn, CEO Rogo Solutions cho rằng mặc dù có nhiều tiềm năng phát triển trong lĩnh vực công nghệ cao cũng như thúc đẩy thị trường các thiết bị thông minh, song Việt Nam vẫn đang đối mặt không ít khó khăn.

Theo ông Tuấn, một trong những thách thức lớn nhất là số lượng doanh nghiệp Việt Nam phát triển các giải pháp thông minh "Make in Vietnam" vẫn còn hạn chế, trong khi các thiết bị từ các quốc gia lân cận như Trung Quốc đang tràn vào thị trường với số lượng lớn. Thách thức tiếp theo là những người hiểu rõ về các thiết bị này vẫn còn ít, do đó cần có sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước để tạo ra một hệ sinh thái chung, nơi mọi người có thể cùng nhau đào tạo và chia sẻ kiến thức với cộng đồng.

“Việt Nam cần xây dựng không chỉ sức mạnh về các doanh nghiệp phần mềm mà còn phải phát triển một cộng đồng, một hệ sinh thái gồm các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm IoT và thiết bị thông minh. Đây sẽ là một điểm tựa quan trọng cho Việt Nam trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt khi Việt Nam đang tập trung nâng cao hệ sinh thái về chip. Đó sẽ là một điểm nhấn cho Việt Nam trong kỷ nguyên 4.0 này”, ông Lê Ngọc Tuấn nói.