Sai phạm hàng nghìn tỷ tại TKV, đề nghị Bộ Công an vào cuộc
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ xem xét, điều tra, xử lý trách nhiệm đối với các vụ việc có dấu hiệu vi phạm tại TKV
Thanh tra Chính phủ vừa hoàn tất kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh tại Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và một số đơn vị thành viên, thời kỳ từ 2010 đến tháng 6/2015.
Theo kết luận thanh tra do Phó tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh vừa ký ban hành, cơ quan thanh tra đã phát hiện hàng loạt vi phạm của ban lãnh đạo TKV và các đơn vị thành viên trong việc quản lý tài chính, đầu tư góp vốn cũng như quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên với giá trị sai phạm lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Thất thoát, thua lỗ hàng nghìn tỷ
Kết luận của Thanh tra Chính phủ cho hay, qua kiểm tra một số khoản đầu tư lỗ, có nguy cơ mất vốn cho thấy, TKV đầu tư vào Công ty Southern Mining Co., Ltd (Campuchia) với số tiền hơn 4,395 triệu USD, tương đương 77,678 tỷ đồng đến thời điểm thanh tra là không có hiệu quả, khả năng mất toàn bộ vốn đầu tư.
Nguyên nhân là do ban lãnh đạo TKV mà trực tiếp là Phó tổng giám đốc Doãn Văn Quang đã không chấp hành các quy định của pháp luật về đầu tư, ký thỏa thuận hợp tác và chuyển tiền góp vốn khi chưa thực hiện khảo sát kỹ về dự án của đối tác, sau đó lại báo cáo kết quả khảo sát không đúng thực tế…
Hay như khoản đầu tư của TKV vào Công ty Cổ phần Crommit Cổ Định, Thanh Hóa (VTCC) cũng thua lỗ. Đơn vị này đã quyết định góp hơn 587 tỷ và đã giải ngân 112 tỷ, nhưng phải dừng hoạt động từ năm 2013 đến nay.
Một dự án khác là Nhà máy sản xuất FeroCrom Cacbon, TKV cũng góp 314 tỷ nhưng phải dừng hoạt động từ 2014 đến nay, dẫn tới TKV thua lỗ khoảng 113 tỷ đồng trong 3 năm 2012 - 2015.
Về công tác quản lý vốn đầu tư, tài sản, kết quả thanh tra cho thấy, Hội đồng thành viên và Tổng giám đốc TKV đã quyết định chủ trương và quản lý quá trình thực hiện đầu tư tài chính thuộc ngành nghề kinh doanh chính thiếu cơ sở pháp lý và thực tiễn, vi phạm pháp luật, bảo lãnh trả nợ vay vượt thẩm quyền. Hậu quả là một số khoản đầu tư thua lỗ, mất vốn với giá trị lớn.
Cụ thể, mất hết vốn chủ sở hữu và nợ Công ty TNHH MTV KLM Thái Nguyên hơn 24,6 tỷ đồng; xác nhận bảo lãnh vượt thẩm quyền dẫn đến doanh nghiệp KLM Thái Nguyên phải xử lý khoản nợ phải trả cho Ngân hàng EximBank Thái Lan cả gốc và lãi hơn 13,7 triệu USD.
TKV cũng góp hơn 870 tỷ đồng tại Sắt Thạch Khê thiếu khảo sát, tính toán kỹ và các điều kiện cần thiết dẫn đến đọng vốn trong thời gian dài, lãng phí.
Một số khoản đầu tư ra nước ngoài nhưng không được TKV thực hiện điều tra, khảo sát kỹ để lập, thẩm định, phê duyệt phương án và quyết định đầu tư phù hợp với thực tế và quy định, dẫn đến lỗ, mất vốn hơn 380 tỷ đồng, tại các dự án Công ty liên doanh Stung Trenng, Công ty liên doanh Alumia (Campuchia), Công ty TNHH Vinacomin, dự án mỏ sắt Phu Nhuon (Lào)...
Đáng chú ý, Hội đồng thành viên và TKV do chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong phê duyệt các dự án đầu tư, góp vốn…dẫn đến tập đoàn thua lỗ gần 180 tỷ đồng tại 3 doanh nghiệp.
Thanh tra Chính phủ cũng phát hiện Hội đồng thành viên và Tổng giám đốc TKV có nhiều vi phạm trong việc ban hành các quy chế quản lý sản xuất kinh doanh…dẫn đến phát sinh nhiều chi phí bất hợp lý, tăng giá thành, giảm lợi nhuận, thất thu ngân sách với tổng giá trị hơn 740 tỷ đồng.
Một số dự án khác TKV và các đơn vị thành viên đã hạch toán, nghiệm thu hoặc kê khai giá tính thuế sai dẫn đến thất thoát lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Buộc Thanh tra Chính phủ phải kiến nghị xử lý, truy thu hoặc loại khỏi chi phí sản xuất hơn 754 tỷ đồng.
Đối với công tác giám định mua bán than của TKV, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra nhiều sai phạm. Công tác này tại một số đơn vị được Công ty Cổ phần Giám định (Quacontrol) xác nhận kết quả giám định khối lượng nhưng không trực tiếp tham gia kiểm tra theo từng chuyến thăm được giao, trong khi đây là căn cứ rất quan trọng để xác định giá bán.
Tuy nhiên, các đơn vị thực hiện không nghiêm nên kết quả xác định, điều chỉnh giá mua bán thiếu chính xác, chất lượng và số sản phẩm than thu hồi được sau tuyển chọn có sự chênh lệch lớn so với trước đó.
Đơn cử, tại Công ty Tuyển than Cửa Ông, từ 2010 đến 6/2015 đã thu hồi được số lượng than cục sau sàng tuyển cao hơn nhiều so với sản lượng trên cơ sở xác nhận của Qualcotrol để thanh toán cho các đơn vị khai thác mỏ là 1,64 triệu tấn. Theo đó, chênh lệch than thu hồi và phế phẩm thải loại trước và sau sàng tuyển với tổng giá trị 1.833 tỷ đồng.
Thanh tra Chính phủ cũng phát hiện TKV có hàng loạt vi phạm trong đầu tư xây dựng, đất đai, tài nguyên và mua sắm tài sản với giá trị lên tới hơn 75 tỷ đồng.
Ngoài ra, kết quả thanh tra cũng chỉ ra hàng loạt vi phạm tại 4 tổng công ty và các đơn vị thành viên thuộc TKV, trong đó nổi lên vẫn là các sai phạm về quản lý, sử dụng vốn và tài sản; đầu tư xây dựng, đất đai tài nguyên và cổ phần hóa, thoái vốn.
Chuyển hồ sơ sang Bộ Công an điều tra
Với kết quả thanh tra trên, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị các cấp thẩm quyền xử các tổ chức, cá nhân có liên quan, trong đó có việc kiến nghị Bộ Công an chỉ đạo cơ quan điều tra tiếp nhận hồ sơ của Thanh tra Chính phủ xem xét, điều tra, xử lý trách nhiệm đối với các vụ việc có dấu hiệu vi phạm tại TKV và một số doanh nghiệp trực thuộc gồm Công ty Cổ phần Xi măng Hữu Nghị - Phú Thọ, Công ty Cổ phần Xi măng Hà Giang và Công ty cổ phần Bình Nguyên - Đắk Nông đã vi phạm điều khoản hợp đồng kinh tế điều kiện giao hàng và thanh toán, dẫn đến mất vốn.
Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Bộ Công an làm rõ việc Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc TKV và Tổng công ty Thoáng sản (trước năm 2005) đã quyết định chủ trương và quản lý đầu tư tài chính thiếu cơ sở pháp lý và thực tiễn, vi phạm quy định, buông lỏng quản lý, bảo lãnh nợ vượt thẩm quyền dẫn đến thua lỗ, mất vốn.
"Bộ Công an cũng cần vào cuộc làm rõ vụ đầu tư ra nước ngoài không có sự điều tra, khảo sát kỹ; nghiệm thu, thanh toán khối lượng thuê ngoài vận chuyển đất đá tại 2 công ty vi phạm về đăng kiểm trọng tải xe với số tiền hơn 347 tỷ đồng", Thanh tra Chính phủ kiến nghị.
Về xử lý kinh tế, Thanh tra Chính phủ cho biết, tổng số tiền và đất đai qua thanh tra phát hiện cần xử lý là hơn 14.882 tỷ đồng và gần 6,7 triệu m2 nhà đất, trong đó thu hồi về cho ngân sách nhà nước hơn 1.800 tỷ và toàn bộ diện tích nhà đất nói trên.