11:40 31/01/2018

Sắp có phương án "quảng cáo sạch" trên Facebook

Thủy Diệu

Bất cứ nội dung nào cũng được đưa lên Facebook, như buôn bán động vật hoang dã, tiền giả, hàng giả, vũ khí

Đa số khách hàng quảng cáo hiện mới chỉ quan tâm tới nội dung nhưng chưa quan tâm tới vị trí hiển thị.
Đa số khách hàng quảng cáo hiện mới chỉ quan tâm tới nội dung nhưng chưa quan tâm tới vị trí hiển thị.

"Bất cứ nội dung nào cũng được đưa lên Facebook, như buôn bán động vật hoang dã, tiền giả, hàng giả, vũ khí, hay nội dung xúc phạm đến cá nhân, doanh nghiệp… đều được tung lên mạng xã hội này theo dạng mua quảng cáo".

Vấn nạn trên được ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) nhấn mạnh tại tọa đàm "An toàn thương hiệu trong thời đại kinh tế số" do Câu lạc bộ Nhà báo công nghệ thông tin Việt Nam (Vietnam ICT Press Club) tổ chức ngày 30/1/2018.

Theo ông Tự Do, các quảng cáo về vũ khí, súng ống, buôn bán tiền giả, động vật hoang dã… đang tràn lan trên mạng xã hội Facebook, thậm chí còn có tài khoản Facebook chuyên kinh doanh tiền giả, thành lập công ty khuyến mại mua tiền giả…

Thiếu 3 quy định lớn

Lãnh đạo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, mới đây cơ quan này đã gửi 400 tài khoản Facebooker kinh doanh buôn bán, quảng cáo mặt hàng giả, hàng cấm, nhưng Facebook mới xóa được khoảng 70%.

Theo ông, khó khăn hiện nay là các tài khoản quảng cáo sai trái thường núp dưới danh nghĩa tài khoản cá nhân, không lấy tên công ty, doanh nghiệp, nên việc dò quét để tìm ra tài khoản đó mất khá nhiều công sức.

Thứ nữa, để xóa tài khoản, chính sách của Facebook rất khó khăn. Nếu gỡ bình luận thì khá dễ nhưng để xóa tài khoản thì phải có quy trình các bước, phải chứng minh được người đó vi phạm nhiều lần, dù rằng ở Việt Nam, nếu chỉ vi phạm một lần cũng có thể đi tù chứ không phải "đợi" đến nhiều lần như quy trình của mạng xã hội này.

Hiện giải pháp gỡ bỏ quảng cáo vi phạm của Facebook đang khó khăn hơn so với Google. Bởi quảng cáo trên Facebook là theo từng đợt, theo chiến dịch, tức chỉ chạy quảng cáo trong 1-2 tuần là hết. Điều này không giống như Google là tồn tại mãi, dễ dàng phát hiện, do đó cơ quan quản lý gặp rất nhiều khó khăn.

Theo ông Tự Do, Việt Nam đã có Luật Quảng cáo, tuy nhiên mới chỉ có quy định thẩm định nội dung quảng cáo đăng trên truyền hình, báo chí, trong khi trên mạng xã hội thì chưa. Chính vì thế, một quảng cáo đăng trên truyền hình 30 giây, khi cắt đi còn 5 giây để để đăng trên mạng xã hội thì nội dung đã hoàn toàn có thể thay đổi, dù chỉ cắt đi một chữ cũng đã khác rồi.

Quảng cáo trên mạng xã hội, theo ông Lê Quang Tự Do, hiện đang thiếu ba quy định lớn.

Thứ nhất là chưa có quy định thẩm định nội dung quảng cáo trên mạng xã hội.

Thứ hai là vị trí hiển thị quảng cáo. Tất cả quảng cáo hiện nay mới chỉ được quan tâm tới nội dung nhưng chưa quan tâm tới vị trí hiển thị. Vì thế mới có chuyện quảng cáo hiển thị trên những clip xấu độc, vào tài khoản của các lực lượng phản động trên mạng xã hội.

Và thứ ba là mức chế tài xử phạt. Hiện có nhiều quy định nhưng mức chế tài quá thấp, từ 2-5 triệu đồng, không đủ sức răn đe, đấy chưa kể nhiều vấn đề còn chưa có quy định (như quy định thẩm định nội dung quảng cáo trên mạng).

Sẽ lập "danh sách quảng cáo sạch"

Ông Lê Quang Tự Do cho biết, hiện Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đang hoàn chỉnh giải pháp "phương pháp sạch" và sau Tết Nguyên đán sẽ chính thức triển khai. Đây là phương pháp bằng cách lập ra danh sách kênh sạch từ những tổ chức có uy tín và có cam kết với Bộ Thông tin và Truyền thông để các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện quảng cáo trên các "kênh sạch" này.

Theo ông Do, trước đây, để quản lý các tài khoản, các clip vi phạm, cơ quan quản lý đã đưa vào một danh sách gọi là danh sách đen, danh sách xấu độc (blacklist), tuy nhiên, việc này đã không thể kiểm soát được, bởi khi gỡ bỏ hàng chục nghìn video xấu độc thì ngay lập tức sẽ xuất hiện hàng nghìn clip xấu độc khác.

Theo thống kê, cứ 1 phút lại có 400 nghìn clip được đăng lên mạng xã hội. Toàn cầu hiện có 350 triệu kênh YouTube để đăng tải clip. Ở Việt Nam có 78 nghìn kênh Youtube của người Việt, đăng tải một tháng khoảng 4 tỷ phút. Theo đặc thù của mạng xã hội là hậu kiểm hết nên bất cứ ai cũng có thể lập tài khoản và đăng bất cứ thứ gì.

Theo Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, chính đặc điểm trên khiến công tác tiền kiểm không thể hi vọng, còn công tác hậu kiểm luôn trong tình trạng quá tải. Do vậy chỉ còn một cách phải lập ra danh sách kênh sạch từ những tổ chức có uy tín và có cam kết với Bộ Thông tin và Truyền thông.

"Do không bắt buộc người dùng mạng xã hội phải dùng tên thật nên họ có tâm lý muốn nói gì cũng được, nhưng khi có nhân thân thì sẽ khác, người dùng sẽ phải cân nhắc khi đăng lên mạng xã hội", ông Tự Do nói, đồng thời cho biết, sở dĩ chúng ta chưa làm được vì chưa có chứng minh thư nhân dân điện tử, chưa kiểm chứng được.

Theo ông Tự Do, việc lập ra "danh sách sạch" để khuyến khích những tổ chức, cá nhân muốn làm ăn đàng hoàng, những người muốn kiếm tiền từ sản xuất nội dung trên Youtube, thì cần đăng ký với Bộ Thông tin và Truyền thông. Các "kênh sạch" này do có nhân thân, địa chỉ, được bộ quản lý xác nhận nên khi có vấn đề sẽ dễ dàng giải quyết, đồng thời cũng tránh được việc quảng cáo trên các kênh xấu độc của các nhãn hàng.

"Đây sẽ là giải pháp hiệu quả phòng chống thông tin xấu độc", Phó cục trưởng Lê Quang Tự Do, nói.