Sắt thép phế liệu nhập khẩu từ Hà Lan tăng đột biến trong 8 tháng
Sắt thép phế liệu nhập khẩu từ thị trường Hà Lan trong 8 tháng qua đã tăng gấp 403 lần về lượng và tăng gấp 602 lần về trị giá so với cùng kỳ năm 2017
Nhật Bản, Mỹ, Hồng Kông vẫn là ba thị trường cung cấp sắt thép phế liệu nhiều nhất cho Việt Nam, trong đó, lượng nhập khẩu từ Mỹ tăng mạnh nhất trong số ba thị trường trong 8 tháng qua.
Nhập khẩu phế liệu từ Hàn Lan tăng gấp 403 lần
Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho biết, sắt thép phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2018 tăng mạnh 20,7% về lượng và tăng 50,2% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, lượng sắt thép phế liệu nhập khẩu đạt 3,48 triệu tấn, tương đương 1,22 tỷ USD. Giá nhập trung bình là 349,7 USD/tấn, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Riêng tháng 8/2018, nhập khẩu sắt thép phế liệu tăng nhẹ 0,8% về lượng nhưng giảm 7,3% về giá trị so với tháng trước đó, đạt 484.660 tấn, tương đương 161,26 triệu USD.
Nếu so với cùng kỳ năm ngoái thì lượng sắt thép phế liệu nhập khẩu đã tăng 0,4% về lượng và tăng 17,4% về trị giá. Giá nhập khẩu trung bình trong tháng 8/2018 giảm 8% so với tháng 7/2018 nhưng tăng 16,9% so với tháng 8/2017, đạt 332,7 USD/tấn.
Việt Nam nhập khẩu mặt hàng này nhiều nhất từ thị trường Nhật Bản, với 990.639 tấn, trị giá 368,64 triệu USD trong 8 tháng đầu năm, chiếm 28,5% tổng lượng phế liệu sắt thép nhập khẩu của cả nước và chiếm 30,3% trong tổng trị giá.
Thị trường lớn thứ hai cung cấp sắt thép phế liệu cho Việt Nam là Mỹ, với 594.963 tấn, trị giá 213,03 triệu USD, chiếm trên 17% trong tổng lượng và tổng trị giá nhập khẩu mặt hàng này của cả nước, tăng mạnh 50,4% về lượng và tăng 89,1% về kim ngạch so với cùng kỳ.
Đứng thứ ba là thị trường Hồng Kông với 384.665 tấn, tương đương 140,9 triệu USD, chiếm hơn 11% trong tổng lượng và tổng trị giá, giảm 13,8% về lượng nhưng tăng 13,8% về kim ngạch.
Đáng chú ý, dù chỉ đứng vị trí thứ 8 trong 10 thị trường cung cấp sắt thép phế liệu lớn nhất cho Việt Nam, song lượng nhập khẩu mặt hàng này tại thị trường Hà Lan đã tăng đột biến trong 8 tháng năm 2018.
Cụ thể, sắt thép phế liệu nhập khẩu từ thị trường này tăng gấp 403 lần về lượng và tăng gấp 602,4 lần về trị giá so với cùng kỳ, đạt 61.663 tấn, tương đương 22,65 triệu USD.
Bên cạnh đó, nhập khẩu mặt hàng này từ Campuchia cũng tăng mạnh gấp 12,7 lần về lượng và tăng gấp 20 lần về kim ngạch.
Không cấp phép nhập khẩu phế liệu từ 1/10/2018
Nhiều khả năng lượng nhập khẩu sắt thép phế liệu chỉ đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ trong 8-9 tháng đầu năm, bởi theo thông tin mới nhất từ Tổng cục Hải quan thì từ ngày 1/10/2018, các cơ quan chức năng sẽ không cấp phép nhập khẩu phế liệu qua đường bộ và đường sắt vào Việt Nam.
Cụ thể, Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 17/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ đã đề ra một số các giải pháp nhằm tăng cường quản lý hoạt động nhập khẩu, sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại, kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu phế liệu từ xa, giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Trong đó có các nội dung nổi bật như từ ngày 1/10/2018, không cho phép nhập khẩu phế liệu thông qua các cửa khẩu bằng đường bộ và đường sắt vào Việt Nam; không cấp mới giấy xác nhận, không gia hạn Giấy xác nhận đối với đơn vị nhận ủy thác nhập khẩu phế liệu.
Không cấp phép cho các cơ sở sản xuất nhập khẩu phế liệu về chỉ để sơ chế, xử lý và bán lại nguyên liệu; không cho phép hoạt động đối với các làng nghề tái chế gây ô nhiễm môi trường
Đồng thời, sẽ điều chỉnh danh mục phế liệu được phép nhập khẩu, theo hướng không cho phép nhập khẩu các loại phế liệu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, những loại phế liệu trong nước đang sẵn có nguồn nguyên liệu, phế liệu.
Thực hiện thông quan nhanh các lô hàng phế liệu nhập khẩu của tổ chức, cá nhân đã có giấy chứng nhận/Giấy xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường trong nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất còn hiệu lực và hạn ngạch nhập khẩu.
Chỉ thị cũng nêu rõ, sẽ tiến hành áp dụng các biện pháp ngăn chặn từ xa các lô hàng phế liệu nhập khẩu không đáp ứng các quy định của pháp luật Việt Nam; kiên quyết buộc tái xuất các lô hàng lợi dụng nhập khẩu phế liệu để đưa chất thải vào Việt Nam, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Mặt khác, thông báo qua đường ngoại giao tới các quốc gia thường xuyên có hàng hóa là phế liệu xuất khẩu sang Việt Nam về việc doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam phải có giấy chứng nhận/giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất do cơ quan quản lý Nhà nước của Việt Nam cấp theo quy định.