15:57 01/03/2021

Sau sáp nhập GTN, Vilico sẽ đầu tư 1.700 tỷ đồng vào dự án chăn nuôi và phân phối thịt bò

Mộc Linh

Cùng với việc hoàn tất sáp nhập GTN, Vilico sẽ đầu tư 1.700 tỷ đồng để làm trang trại bò thịt với công suất khai thác 20.000 con/năm

Do bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn Châu Phi từ các năm trước và khả năng tái đầu tư cho lợn, gà còn nhiều khó khăn, Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico - mã VLC) sẽ chuyển hướng sang đầu tư trang trại bò thịt.

Tại đại hội cổ đông thường niên 2021 dự kiến diễn ra vào tháng 3/2021, Hội đồng quản trị Vilico sẽ trình cổ đông chiến lược đầu tư Dự án Chăn nuôi, làm thịt, chế biến và phân phối thịt bò với công suất 20.000 con/năm. Tổng vốn đầu tư 1.700 tỷ đồng. Công ty có thể đầu tư 100% vốn hoặc tìm đối tác có tiềm lực và kinh nghiệm tốt trong lĩnh vực này để thực hiện dự án.

Ngành chăn nuôi bò thịt trong nước đang có cơ hội phát triển tốt nhờ những công nghệ mới (đặc biệt kỹ thuật vỗ béo) và các văn bản pháp lý đang hoàn thiện tạo điều kiện cho nhà đầu tư trong lĩnh vực này và đã đặt mục tiêu đạt sản lượng 600.000 tấn thịt gia súc ăn cỏ đến năm 2030, trong đó, chủ lực là thịt bò. Theo số liệu từ Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm 2020, đàn bò tại Việt Nam ước đạt 6,2 triệu con, tương đương 372.500 tấn thịt, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo kết quả khảo sát thị trường do Vilico thực hiện: Tổng quy mô thị trường thịt hơn 10 tỷ USD (trong đó, thịt trâu/bò hơn 2 tỷ USD). Xu hướng tăng trưởng thịt trâu/bò 6-7% năm gấp đôi thịt heo, gà… Tổng đàn trâu, bò trong nước gần như không tăng qua các năm, chủ yếu là thịt trâu, bò nhập khẩu. Quy mô thị trường thịt trâu/bò trong nước 500.000 tấn/năm. Nhập khẩu để tiêu thụ nội địa khoảng 300.000 tấn/năm. Thịt bò cao cấp, chế biến sẵn nhập khẩu khoảng 60.000 tấn/năm tăng nhanh qua các năm gần đây.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) cho biết tiêu thụ thịt bò của Việt Nam giai đoạn 2017-2019 trung bình 9,2 kg/người/năm. Trong đó, sản xuất trong nước mới đáp ứng được 30%, còn lại 70% thịt bò phải nhập khẩu từ các nước. Điều này cho thấy ngành chăn nuôi bò thịt còn rất nhiều tiềm năng để phát triển trong thời gian tới.

Vilico dự kiến đạt lợi nhuận trước thuế công ty mẹ là 119 tỷ đồng. Cổ tức cho cổ đông dự kiến 600 đồng/cổ phần. 

Vilico cũng sẽ trình cổ đông kế hoạch phát hành cổ phiếu để sáp nhập với công ty mẹ hiện tại là Công ty CP GTNFoods (mã GTN). Theo đó, Vilico sẽ phát hành thêm cổ phiếu để hoán đổi lấy toàn bộ 250 triệu cổ phiếu GTN. Khối lượng và tỷ lệ phát hành cụ thể chưa được thông báo. Sau sáp nhập, GTN chấm dứt sự tồn tại, VLC được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ, tài sản khác của GTN một cách toàn bộ và nguyên trạng.

Sau sáp nhập GTN, Vilico sẽ đầu tư 1.700 tỷ đồng vào dự án chăn nuôi và phân phối thịt bò - Ảnh 1.

Quy trình sáp nhập GTN vào Vilico - Nguồn: VLC.

Theo kế hoạch, chỉ số kinh doanh của GTN bắt đầu được hạch toán tại sổ kế toán của Vilico vào khoảng tháng 7– 8/2021.

Về Vilico, công ty có vốn điều lệ 631 tỷ đồng, với ngành nghề kinh doanh chính là chăn nuôi giống, chăn nuôi gia súc, gia cầm; chế biến sản phẩm chăn nuôi; sản xuất, cung ứng vật tư thiết bị ngành chăn nuôi; sản xuất, kinh doanh nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi thành phẩm.

Thời gian tới, Vilico sẽ tập trung nguồn lực để hỗ trợ và phát triển chăn nuôi bò sữa và sản xuất, kinh doanh các mặt hàng sữa thông qua công ty con, công ty liên kết là: Công ty CP Giống Bò Sữa Mộc Châu; hỗ trợ và kinh doanh các sản phẩm chè thông qua công ty liên kết là Tổng Công ty Chè Việt Nam – CTCP; phát triển các sản phẩm rượu vang, nước giải khát, sản phẩm điều thông qua công ty liên kết là Công ty Cổ phần Thực phẩm Lâm Đồng…. cũng như tìm đối tác để thoái vốn các khoản đầu tư tại các công ty liên kết có qui mô nhỏ và hoặc không phải là ngành nghề kinh doanh cốt lõi của Vilico.