15:43 04/01/2010

Sẽ có thêm vệ tinh Vinasat-2

Lan Nguyễn

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý về chủ trương đầu tư dự án Vinasat-2

70% dung lượng của Vinsat-1 đã được sử dụng.
70% dung lượng của Vinsat-1 đã được sử dụng.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý về chủ trương đầu tư dự án Vinasat-2 nhằm tăng năng lực của hạ tầng viễn thông và giữ quyền của Việt Nam sử dụng vị trí quỹ đạo vệ tinh 131,8oE, nguồn tin từ Cổng Thông tin điện tử Chính phủ cho biết.

Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã được Thủ tướng giao làm chủ đầu tư dự án Vinasat-2, chỉ định thầu và tự chịu trách nhiệm về các gói thầu tư vấn, gói thầu mua vệ tinh (bao gồm cả trang thiết bị trạm điều khiển liên quan), gói thầu bảo hiểm vệ tinh, gói thầu cung cấp dịch vụ phóng vệ tinh.

Mức đầu tư dự án dự kiến khoảng 290-350 triệu USD. Lộ trình triển khai dự án  Vinasat-2 được chia thành từng bước và sẽ hoàn tất vào năm 2012.

Trước đó, vào tháng 7/2009, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chính thức giao cho VNPT sử dụng vị trí quỹ đạo sẽ dành cho vệ tinh Vinasat-2.

Mục tiêu của dự án Vinasat-2 là thúc đẩy thị trường viễn thông Việt Nam phát triển, đáp ứng được yêu cầu của khách hàng, giữ được vị trí quỹ đạo, tận dụng hiệu quả cơ sở hạ tầng sẵn có của hệ thống Vinasat-2 và củng cố đội ngũ chuyên gia Việt Nam để phát triển công nghệ thông tin vệ tinh của Việt Nam.

Ngày 19/4/2008, vệ tinh đầu tiên của Việt Nam Vinasat-1 đã được phóng thành công lên quỹ đạo tại vị trí 132oE và đến ngày 22/5/2008, vệ tinh này đã chính thức được đưa vào khai thác, sử dụng an toàn, hiệu quả. Với Vinasat-1, Việt Nam trở thành nước thứ 93 trên thế giới và là nước thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á có vệ tinh riêng.

Kết quả khai thác, kinh doanh dịch vụ của  Vinasat-1 sau tròn 1 năm lên quỹ đạo cho thấy, 70% dung lượng của Vinasat-1 đã được sử dụng. Dung lượng vệ tinh  Vinasat-1 đã phục vụ hữu ích cho các khách hàng là Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, ngành dầu khí, tiếp đến là VTC, Viettel, Gtel, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Ngoại giao... Dự kiến năm 2010 sẽ sử dụng hết 100% dung lượng của vệ tinh này.