10:00 02/08/2019

Shark Liên Đỗ đưa ra hai lời đề nghị đầu tư để giữ gìn các giá trị lịch sử, văn hoá Việt

Thanh Nghĩa

Shark Tank - Thương vụ bạc tỷ tập 2 diễn ra với những dự án khởi nghiệp và có một điểm chung mong muốn đưa những giá trị văn hóa lịch sử Việt Nam vào sản phẩm của mình

Shark Đỗ Liên rót 10 tỷ đồng giúp startup khôi phục Làng nghề nước mắm 300 năm.
Shark Đỗ Liên rót 10 tỷ đồng giúp startup khôi phục Làng nghề nước mắm 300 năm.

Shark Tank - Thương vụ bạc tỷ tập 2 diễn ra với những dự án khởi nghiệp ở các lĩnh vực khác nhau nhưng lại tình cờ cùng có một điểm chung mong muốn đưa những giá trị văn hóa lịch sử Việt Nam vào sản phẩm của mình, khiến dàn "cá mập" phải tranh cãi kịch liệt.

Nữ CEO trẻ tuổi thuyết phục Shark Đỗ Liên rót vốn

Thương vụ có nhiều cảm xúc nhất tập 2 là màn gọi vốn của nữ CEO trẻ tuổi Thùy Trang với dự án Làng Chài Xưa.

Thùy Trang cho biết dự án Làng Chài Xưa ra đời với mong muốn khôi phục thương hiệu nước mắm Tĩn 300 năm của Phan Thiết Mũi Né. Thay mặt ông chủ, Thùy Trang kêu gọi 10 tỷ đồng cho 5% cổ phần. Nữ CEO trẻ tuổi bày tỏ mong muốn có được sự chung tay, đồng hành từ các nhà đầu tư của Shark Tank để cùng bảo vệ và phát triển Làng nghề truyền thống nước mắm Việt Nam.

Chia sẻ về bức tranh tài chính, Thuỳ Trang cho hay tuy mới khởi động từ năm 2017 nhưng đến nay dự án đã hoàn thành 100% các hạng mục xây dựng. 60% doanh thu chủ yếu đến từ show diễn Fishermen; Bảo tàng nước mắm và Nhà hàng. Sản phẩm Nước mắm Tĩn chiếm 40% doanh thu còn lại nhưng hiện đang tăng trưởng rất tốt. Doanh thu lần lượt của năm 2017 là 15 tỷ, 2018 là 25 tỷ, 2019 dự kiến ở mức 40 tỷ đồng. Năm 2018, dự án đã đạt lãi ròng là 10%, dự kiến 2019 con số sẽ tăng 15%.

Sự xuất hiện gọi vốn của Thùy Trang chỉ với vai trò Giám đốc điều hành dự án cũng gây nên cho các Sharks nhiều băn khoăn. Mặc dù đại diện Startup khẳng định 100% vốn của dự án là chủ đầu tư. Dù không sở hữu cổ phần nhưng trước khi đến Shark Tank, Thùy Trang đã được chủ đầu tư ký giấy ủy quyền có toàn quyền quyết định thương vụ này.

Dẫu vậy, với các lý do dự án không phù hợp với hệ sinh thái của mình và người đi gọi vốn không phải là chủ sở hữu, lần lượt các Shark Phạm Thanh Hưng, Shark Dzũng Nguyễn, Shark Nguyễn Ngọc Thủy và Shark Nguyễn Thanh Việt rút lui.

Bị 4/5 "cá mập" từ chối, tưởng chừng như thương vụ đã phải khép lại. Nữ CEO trẻ tuổi không nén được xúc động chia sẻ về tâm huyết của người chủ dự án mong muốn khôi phục lại thương hiệu nước nắm 300 năm để khôi phục làng nghề truyền thống, cũng như gìn giữ và quảng bá các giá trị Việt. Đồng cảm với tâm huyết của nữ CEO trẻ tuổi, Shark Đỗ Liên bất ngờ đưa ra lời đề nghị 10 tỷ cho 25%.

Chia sẻ giá trị của dự án trên thực tế hiện đã lên đến 200 tỷ, Thùy Trang mạnh dạn đưa ra lời thương lượng 10 tỷ đổi 10% cổ phần với nhà đầu tư. Cuối cùng, hai bên thống nhất ở mức 10 tỷ cho 15% cổ phần khi Shark Đỗ Liên nhấn mạnh: "Tôi muốn bên cạnh kinh doanh nhưng cũng giữ lại giá trị của làng nghề truyền thống. Bạn vẫn toàn quyền quyết định. Tôi chỉ đồng hành và giúp bạn không phải chỉ là thị trường trong nước mà còn đem sản phẩm của bạn hiện diện trong những bữa ăn của người Việt ở nước ngoài".

Startup Sử Hộ Vương khiến các "cá mập" phải tranh cãi kịch liệt

Cũng trong tập 2, các nhà đầu tư của Shark Tank đã xảy ra tranh cãi kịch liệt về ý tưởng đưa lịch sử Việt Nam vào trò chơi của startup Sử Hộ Vương.

Sử Hộ Vương được lấy cảm hứng từ các nhân vật lịch sử Việt Nam. Sản phẩm hướng đến nhóm khách hàng mục tiêu từ 15 - 24 tuổi, nhằm giúp cho các bạn trẻ biết nhiều hơn đến lịch sử Việt Nam. Nhà sáng lập của dự án mong muốn được đầu tư 1 tỷ đồng cho 10% cổ phần.

Gây được sự chú ý về ý tưởng đưa lịch sử Việt Nam vào trò chơi, nhưng Sử Hộ Vương lại khiến các Shark phản ứng gay gắt về việc tạo hình các nhân vật lịch sử không thuần Việt vì có hình thức giống như những nhân vật của Nhật Bản hay Trung Quốc không phù hợp với văn hóa Việt Nam

Là người phản đối mạnh mẽ nhất tuy nhiên, bất ngờ ngay phút 89, Shark Đỗ Liên lại là người duy nhất đưa ra lời đề nghị đầu tư 1 tỷ cho 10% cổ phần theo đúng mong muốn của các nhà sáng lập Sử Hộ Vương. Nhà sáng lập ứng dụng bảo hiểm công nghệ LIAN đưa ra điều kiện: "Kinh doanh nhưng chúng ta đừng quên đi giá trị về lịch sử, về văn hóa. Mục đích của tôi đầu tư vào các bạn không phải để chia lợi nhuận mà là muốn giữ giá trị nguyên gốc về văn hóa, lịch sử của người Việt. Các bạn được tự do phản biện nhưng khi số đông đồng ý với ý kiến của tôi thì các bạn phải làm theo. Xuất thân của tôi là một nhà giáo, lại dạy về văn nên vì thế tôi không muốn bị méo mó đi những nhân vật lịch sử đã ghi nhận. Tôi sẽ hỗ trợ các bạn xin được giấy phép một cách nhanh nhất theo đúng luật".

Tuy nhiên, thương vụ đã bất thành khi cả Vĩnh Lộc và Phương Thảo đều không có tiếng nói chung với nhà đầu tư. Cặp đôi nhà sáng lập cho rằng, nếu Shark Đỗ Liên thay đổi hết những gì từng xây dựng thì sẽ đi ngược lại với giá trị cốt lõi mà Sử Hộ Vương đang xây dựng, hai bạn quyết định không nhận đầu tư để tiếp tục dự án theo mong muốn của mình.

Đáng tiếc chỉ đầu tư thành công vào một thương vụ trong tập 2, nhưng "vị cá mập" mới của Shark Tank mùa 3 đã để lại dấu ấn mạnh mẽ. Với cách tiếp cận startup khác biệt, không quá quan tâm về tiểu tiết, con số mà hướng đến mục tiêu thiết tha hỗ trợ các startup gìn giữ, quảng bá các giá trị văn hóa, lịch sử Việt; truyền cảm hứng cho các bạn trẻ niềm tự hào vì mình là người Việt để cùng chung tay giữ gìn và phát triển các giá trị Việt, Shark Đỗ Liên được khán giả dự đoán sẽ đem đến nhiều thương vụ bất ngờ cho Shark Tank năm nay.

* Tập 2 - Shark Tank mùa 3: https://www.youtube.com/watch?v=4w7_5O4Rhl0