12:39 04/05/2024

Shoppertainment sẽ góp phần thúc đẩy thương mại điện tử Việt Nam tiến xa hơn

Bảo Bình

Theo nghiên cứu, tương lai của shoppertainment dự kiến sẽ đạt doanh số 1.000 tỷ USD vào năm 2025, khẳng định tiềm năng lớn của hình thức mua sắm theo cách giải trí này...

 Nội dung (content) đã trở nên quan trọng hơn hơn bao giờ hết trong thương mại điện tử. Ảnh minh họa
Nội dung (content) đã trở nên quan trọng hơn hơn bao giờ hết trong thương mại điện tử. Ảnh minh họa

Shoppertainment là sự kết hợp giữa mua sắm và giải trí, hay nói cụ thể hơn là một hình thức thương mại được thúc đẩy bởi những nội dung mang tính chất giải trí và giáo dục cao.

Hình thức mua sắm trực tuyến này đang trở thành xu hướng tiêu dùng phổ biến và được người dùng trên các nền tảng và sàn thương mại điện tử ưa chuộng. 

SHOPPERTAINMENT DỰ KIẾN ĐẠT DOANH SỐ 1.000 TỶ USD VÀO NĂM 2025

Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2024 (EBI 2024) cho biết thương mại điện tử đang chiếm khoảng 10% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, cao hơn mức 8,5% của năm 2022. Trong đó, tỷ lệ bán lẻ hàng hóa trực tuyến so với tổng mức bán lẻ hàng hóa hoảng 8,8%, cao hơn tỷ lệ tương ứng 7,2% của năm 2022. Shoppertainment là một yếu tố đang góp phần thúc đẩy thương mại điện tử Việt Nam tiến xa hơn.

Theo nghiên cứu của hãng tư vấn Boston Consulting Group (BCG), tương lai của shoppertainment dự kiến sẽ đạt doanh số 1.000 tỷ USD vào năm 2025, khẳng định tiềm năng lớn của hình thức mua sắm theo cách giải trí này.

Thời gian tiếp xúc với màn hình là một yếu tố quan trọng khiến xu hướng shoppertainment trở nên phổ biến, đặc biệt là tương tác với video dạng ngắn Insta-TikTok. Theo các báo cáo và nghiên cứu gần đây, người Việt Nam dành khá nhiều thời gian cho việc sử dụng smartphone.

Cụ thể, trong năm 2023, người Việt Nam dành trung bình 6,2 giờ/ngày cho việc sử dụng smartphone. Đặc biệt, mặc dù có vô vàn lựa chọn trên smartphone, 2/3 thời lượng sử dụng điện thoại của người dùng Việt chỉ dành cho 5 ứng dụng là Facebook, Zalo, TikTok, Messenger và YouTube. 

Theo bà Trang Phạm, Channel Partnership Manager (Giám đốc Đối tác Kênh) TikTok Vietnam, shoppertainment đang trở nên quan trọng trong bối cảnh thị trường cạnh tranh gay gắt vì “nếu tất cả các nhãn hàng đều sử dụng cùng một loại quảng cáo và nội dung giống nhau, người tiêu dùng sẽ dễ cảm thấy nhàm chán”. Bà Trang Phạm cho biết theo thống kê, nội dung (content) đã trở nên quan trọng hơn hơn bao giờ hết trong thương mại điện tử. 

“79% người tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi những nội dung không mang tính quảng cáo, chỉ có 21% bị tác động theo định hướng quảng cáo”, đại diện TikTok Vietnam cho biết.

Mặc dù giải trí mua sắm có nhiều lợi ích nhưng cũng có thể có những tác dụng phụ tiềm ẩn đối với người tiêu dùng. Một trong số đó là nguy cơ “tiêu dùng quá mức”. Bởi vì bản chất hấp dẫn của giải trí mua sắm có thể dẫn đến hành vi mua sắm bốc đồng và tiêu dùng quá mức. Điều này có thể dẫn đến căng thẳng tài chính cho những người tiêu dùng chi tiêu vượt quá khả năng của họ. 

Bên cạnh đó, shoppertainment cũng có thể gây ra mối lo ngại về quyền riêng tư dữ liệu. Giải trí mua sắm thường liên quan đến việc thu thập nhiều dữ liệu về thói quen, sở thích và hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Điều này làm dấy lên các mối lo ngại về quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu. 

Khả năng xảy ra thông tin sai lệch cũng là một yếu tố mà người tiêu dùng cần lưu ý khi tham gia shoppertainment. Giống như bất kỳ nội dung trực tuyến nào, đều có nguy cơ xảy ra thông tin sai lệch hoặc các hoạt động tiếp thị lừa đảo. Người tiêu dùng có thể bị đánh lừa bởi những mô tả hoặc đánh giá sản phẩm không chính xác.

BA XU HƯỚNG DỊCH CHUYỂN TÂM LÝ ĐÁNG CHÚ Ý CỦA NGƯỜI TIÊU DÙNG 

Chính vì thế, tạo ra sự khác biệt và nổi bật so với đối thủ bằng cách kết hợp mua sắm và giải trí có thể giúp các nhãn hàng thu hút khách hàng và chuẩn bị cho các chiến dịch bán hàng.

Ngoài ra, có ba xu hướng dịch chuyển tâm lý đáng chú ý của người tiêu dùng hiện nay trên các nền tảng số. Thứ nhất là quyết định trực quan, nghĩa là gần 79% người được hỏi cho biết họ ra quyết định mua sắm nhanh chóng dựa trên các đánh giá và phân tích từ cộng đồng hoặc bạn bè. Đây là xu hướng đáng chú ý trong hành vi tiêu dùng hiện tại.

Xu hướng thứ hai là trải nghiệm mua sắm thuận tiện. Hơn 80% người được hỏi mong muốn một trải nghiệm mua sắm dễ dàng và thuận tiện, bao gồm tìm kiếm sản phẩm, xem đánh giá, thêm vào giỏ hàng, và thanh toán trực tiếp trên cùng một nền tảng mà không cần rời khỏi ứng dụng.

Về vấn đề này, nghiên cứu của NielsenIQ Việt Nam cũng cho thấy các yếu tố thúc đẩy hành vi mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng bao gồm sự tiện lợi, với khả năng tìm thấy nhiều lựa chọn mà không cần xếp hàng, dễ dàng kiểm tra lượng hàng còn lại, và các phương tiện thanh toán thuận tiện. Ngoài ra, người mua còn có thể đọc đánh giá của người khác trước khi quyết định mua. 

Tâm lý tiêu dùng của người Việt Nam so với các quốc gia khác trong Đông Nam Á, như Indonesia và Nhật Bản, có sự khác biệt lớn. Ảnh minh họa
Tâm lý tiêu dùng của người Việt Nam so với các quốc gia khác trong Đông Nam Á, như Indonesia và Nhật Bản, có sự khác biệt lớn. Ảnh minh họa

Và dịch chuyển tâm lý thứ ba của người tiêu dùng là tham gia cộng đồng nội dung. Người dùng thích tham gia vào các cộng đồng nội dung, nơi họ có thể sáng tạo và nghe các ý tưởng sáng tạo, kết nối linh hoạt với nhãn hàng.

Đặc biệt, tâm lý tiêu dùng của người Việt Nam so với các quốc gia khác trong Đông Nam Á, như Indonesia và Nhật Bản, có sự khác biệt lớn. Theo đó, người tiêu dùng ở các thị trường khác có xu hướng tập trung vào sản phẩm (product-oriented). Họ chú ý đến thứ hạng của sản phẩm trên thị trường, liệu đó là sản phẩm mới hay cũ, và xem xét kỹ lưỡng về giá cả.

Trong khi đó người tiêu dùng ở thị trường Việt Nam có xu hướng tập trung vào yếu tố xã hội (social-oriented). Họ quan tâm người khác nói về sản phẩm như thế nào, cách sản phẩm đang được nhận xét, đánh giá và truyền tải thông tin ra sao qua cộng đồng và mạng xã hội.