"Siết" quản lý, doanh nghiệp bán hàng đa cấp giảm
Bộ Công Thương đang tiến hành điều tra đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn Sản xuất Thương mại Quốc tế Greenlife
Đến nay, số lượng doanh nghiệp bán hàng đa cấp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp là 33, giảm 34 doanh nghiệp so với đầu năm 2016.
Sửa đổi, bổ sung hoàn thiện quy định của pháp luật về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động này là nội dung vừa được Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh gửi báo cáo đến các vị đại biểu Quốc hội.
Tiếp theo các kết quả tích cực của năm 2016, trong năm 2017 hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp tiếp tục được Bộ Công Thương duy trì và nâng cao hiệu quả, Bộ trưởng cho biết.
Thông tin cụ thể hơn là bộ này đã trực tiếp tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với 6 doanh nghiệp bán hàng đa cấp qua đó đã tiến hành xử phạt 950 triệu đồng đối với 3 doanh nghiệp: Công ty TNHH Nhã Khắc Lâm 30 triệu đồng; Công ty Cổ phần Everrichs 620 triệu đồng, Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Sen Việt Group 300 triệu đồng.
Bộ cũng đang tiến hành điều tra đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn Sản xuất Thương mại Quốc tế Greenlife và đang tiến hành thanh tra Công ty TNHH Unicity Marketing Việt Nam và Công ty TNHH Mỹ phẩm Thường Xuân.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã phát hiện, điều tra, xử phạt đối với một số doanh nghiệp bán hàng đa cấp khác: Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy 140 triệu đồng; Công ty TNHH Herbalife Việt Nam 140 triệu đồng; Công ty Cổ phần Queenet Quốc tế 240 triệu đồng; Công ty TNHH World Việt Nam 80 triệu đồng; Công ty Người lái xe mặt trời 51 triệu đồng; Công ty TNHH Visi Việt Nam 30 triệu đồng.
Căn cứ kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm, Bộ Công Thương đã thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp của 2 doanh nghiệp là Công ty Cổ phần Everrichs và Công ty TNHH BHIP.
Theo Bộ trưởng thì với sự giám sát, kiểm tra chặt chẽ của Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan, năm 2017, nhiều doanh nghiệp cũng đã chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp, trong đó có Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy, một trong những doanh nghiệp bán hàng đa cấp có quy mô lớn trên thị trường.
Đến nay, số lượng doanh nghiệp bán hàng đa cấp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp là 33, giảm 34 doanh nghiệp so với đầu năm 2016, trong đó có 17 doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận, 16 doanh nghiệp chủ động chấm dứt, 1 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động.
Báo cáo cũng nêu rõ, bên cạnh công tác quản lý ở Trung ương, trong năm 2017, các địa phương đã tiếp tục thực hiện tốt hoạt động kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp.
Theo báo cáo của các sở công thương, số tiền xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động bán hàng đa cấp là hơn 2,2 tỷ đồng đối với 63 lượt hành vi vi phạm của 19 doanh nghiệp bán hàng đa cấp. Trong đó 1 doanh nghiệp đã chấm dứt hoạt động, 2 doanh nghiệp đã bị thu hồi giấy chứng nhận, số tiền phạt từ lực lượng quản lý thị trường là 125 triệu đồng.
Địa phương có số tiền xử lý vi phạm hành chính đối với hoạt động bán hàng đa cấp lớn nhất là Hà Nội, với số tiền phạt 1,5 tỷ đồng; tiếp theo là Tp.HCM 270 triệu đồng, Cần Thơ 160 triệu đồng và Thái Nguyên 150 triệu đồng.
Trong công tác quản lý nhà nước, Bộ trưởng báo cáo, hiện nay Bộ Công Thương đang khẩn trương triển khai xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động bán hàng đa cấp. Bộ Công Thương đã hoàn thành việc đăng tải lấy ý kiến công khai, gửi văn bản lấy ý kiến các cơ quan bộ ngành liên quan để chuẩn bị chuyển sang Bộ Tư pháp thẩm định.