Số liệu thống kê chưa phản ánh đúng thực trạng tai nạn giao thông
Số người chết do tai nạn giao thông mới chỉ được hiểu là số người chết ngay tại hiện trường vụ tai nạn giao thông
Đó là nhận định tại báo cáo của Bộ Công an trong phiên giải trình được Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức sáng 6/3.
Tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông đường bộ, đường sắt trong các năm 2017, 2018 và đầu năm 2019 và các giải pháp trong thời gian tới là chủ đề của phiên giải trình này.
Bộ Tư pháp không thống nhất
Về tình hình tai nạn giao thông, báo cáo của Bộ Công an cho biết, từ năm 2017 đến nay (từ 16/11/2016 đến 15/2/2019) đã xảy ra 42.814 vụ, làm chết 18.392 người, bị thương 35.069 người.
Tuy nhiên, theo Bộ này, hiện nay việc phân loại và thống kê tai nạn giao thông nói chung, tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt nói riêng giữa các quốc gia chưa thống nhất dẫn đến số liệu về tình hình tai nạn giao thông còn khác nhau, nhất là số người chết do tai nạn giao thông giữa các quốc gia.
Hiện nay Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thống kê số người chết do tai nạn giao thông bao gồm số người chết ngay tại hiện trường vụ tai nạn giao thông và những người bị thương sau đó chết trong 30 ngày kể từ thời điểm xảy ra tai nạn giao thông.
Tại Việt Nam, các quy định về thống kê tai nạn giao thông trong phân loại giao thông không quy định sau thời gian bao lâu những người bị thương do tai nạn giao thông mà chết thì thống kê vào số người chết do tai nạn giao thông. Như vậy, số người chết do tai nạn giao thông được hiểu là số người chết ngay tại hiện trường vụ tai nạn giao thông, điều này dẫn đến việc thống kê không phản ánh đúng thực trạng tai nạn giao thông, Bộ Công an lý giải.
Vẫn theo báo cáo, để thống nhất trong công tác thống kê tai nạn giao thông, năm 2018, Bộ Công an đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ đồng ý và hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng nghị định của Chính phủ về công tác thống kê, báo cáo, chia sẻ dữ liệu tai nạn giao thông, lấy ý kiến tham gia của các bộ, ngành, địa phương và gửi Bộ Tư pháp cho ý kiến thẩm định để triển khai xây dựng nghị định.
Tuy nhiên, sau khi họp với các bộ, ngành có liên quan, ngày 26/7/2018 Bộ Tư pháp có công văn trả lời không thống nhất với việc xây dựng nghị định. Do vậy, hiện nay Bộ Công an đang giao Cục Cảnh sát giao thông đề xuất về việc này. Trước mắt có thể xây dựng thông tư của Bộ Công an quy định về chế độ thống kê, báo cáo, chia sẻ dữ liệu tai nạn giao thông và tiến tới sẽ xây dựng nghị định của Chính phủ về vấn đề này.
Chủ xe ôtô phải có tài khoản ngân hàng
Báo cáo của Bộ Công an cho biết 3 tháng đầu năm 2019 cả nước đăng ký mới 106.750 xe ô tô, 892.948 xe mô tô, nâng tổng số phương tiện đã đăng ký tại cơ quan công an đến 15/2/2019 là 3.991.377 ô tô, 59.062.380 mô tô.
Bộ này nhận định, hiện nay việc quản lý xe chính chủ còn chưa chặt chẽ, số lượng xe không làm thủ tục đăng ký sang tên còn nhiều gây khó khăn cho công tác quản lý xe và ảnh hưởng đến các hoạt động nghiệp vụ như: xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông qua hệ thống giám sát, truy nguyên người điều khiển phương tiện khi xảy ra tai nạn giao thông, các hoạt động tội phạm sử dụng phương tiện trên các tuyến giao thông…
Một trong những nguyên nhân là chính sách lệ phí trước bạ đối với xe đăng ký từ lần thứ 2 trở lên còn cao, chưa khuyến khích người dân đăng ký sang tên.
Về giải pháp, Bộ Công an cho biết tiếp tục rà soát đề xuất bổ sung, sửa đổi các quy định đăng ký xe, quy định chặt chẽ hơn như: chủ xe phải chịu trách nhiệm về vi phạm pháp luật liên quan đến phương tiện do mình đứng tên; phải thông báo khi chuyển nhượng xe; quy định về chủ xe ôtô khi đăng ký phải có tài khoản ngân hàng….
Bộ này cũng đề xuất Chính phủ chỉ đạo các đơn vị, chức năng sửa đổi các quy định thủ tục, như miễn lệ phí trước bạ khi sang tên (không thu lệ phí sang tên từ lần thứ 2 trở đi), đơn giản thủ tục công chứng, chứng thực hợp đồng mua bán xe để đơn giản thuận lợi trong mua bán, trao đổi; kết nối với các bộ ban ngành đơn giản hóa các thủ tục đăng ký sang tên.
Một giải pháp khác là báo cáo Chính phủ sửa đổi nghị định số 46/2016/NĐ-CP bổ sung chế tài về xử lý hành vi chủ phương tiện không thông báo cho cơ quan công an khi bán, cho, tặng, thanh lý xe; bổ sung xử phạt không sang tên, đổi chủ thông qua công tác tuần tra kiểm soát giao thông.
Bộ Công an còn đề nghị trong việc nhập khẩu phương tiện phải có ý kiến của ngành công an đối với các loại xe siêu trường, siêu trọng, kiểu loại mới để đảm bảo phù hợp với kết cấu hạ tầng giao thông và công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại Việt Nam.