14:12 11/12/2019

“Sốt” giá thịt lợn đẩy lạm phát Trung Quốc lên đỉnh 8 năm

An Huy

Giá thịt lợn ở Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh trong tháng 11, đưa CPI lên mức cao nhất 8 năm

Ảnh minh họa - Ảnh: Getty/CNBC.
Ảnh minh họa - Ảnh: Getty/CNBC.

Giá thịt lợn ở Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh trong tháng 11, đưa tốc độ lạm phát giá tiêu dùng ở nước này lên mức cao nhất 8 năm.

Hãng tin CNBC dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê Trung Quốc ngày 10/12 cho biết so với cùng kỳ năm ngoái, giá thịt lợn ở nước này trong tháng 11 đã tăng 110%. Trước đó, trong tháng 10, giá thịt lợn ở Trung Quốc tăng 101% so với cùng kỳ 2019.

Giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 của Trung Quốc tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái, cao nhất kể từ tháng 1/2012. Mức lạm phát này cao hơn so với mức 3,8% của tháng 10 và cao hơn mức dự báo 4,4% mà giới phân tích đưa ra trước đó. Trái lại, chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) thang 11 của Trung Quốc giảm 1,4%, so với mức giảm 1,6% của tháng 10.

Tổng đàn lợn của Trung Quốc đã giảm mạnh do dịch tả lợn châu Phi bắt đầu từ năm ngoái, gây đảo lộn nguồn cung tại quốc gia tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, các chuyên gia Julian Evans-Pritchard và Martin Rasmussen thuộc công ty tư vấn Capital Economics không cho rằng xu hướng tăng giá thịt lợn ở Trung Quốc sẽ tiếp diễn.

"Sự gia tăng lạm phát giá thực phẩm này sẽ sớm đảo ngược và sức ép tăng giá do nhu cầu vẫn đang ở mức yếu, thể hiện qua giá nhà sản xuất tiếp tục giảm và lạm phát lõi ở mức thấp nhất 3 năm", một báo cáo ngày 10/12 của Capital Economics viết.

Ngoài ra, báo cáo cũng cho rằng dịch tả lợn châu Phi ở Trung Quốc hiện đã nằm trong tầm kiểm soát.

"Sau khi giảm hơn một nửa trong vòng một năm, tổng đàn lợn của Trung Quốc đã bắt đầu hồi phục trong tháng 11. Lạm phát giá thịt lợn vẫn còn cao nếu so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng đã giảm nếu so giữa tháng sau với tháng liền trước trong tháng 11", báo cáo nhấn mạnh.

Thống kê cho thấy, nhờ những nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc trong việc cải thiện nguồn cung thịt lợn, giá thịt lợn tháng 11 ở nước này chỉ tăng 3,8% so với tháng 10, so với mức tăng 16,3% của tháng 10 so với tháng 9. Bên cạnh việc xả thịt lợn từ dự trữ chiến lược, Bắc Kinh còn đẩy mạnh việc nhập khẩu thịt lợn từ nước ngoài.

Khong tính giá thực phẩm và xăng dầu, hai nhóm có mức độ biến động lớn về giá cả, chỉ số giá tiêu dùng lõi của Trung Quốc chỉ tăng 1,4% trong tháng 11 so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức tăng 1,5% của tháng 10.

Việc chỉ số giá nhà sản xuất của Trung Quốc liên tục giảm cho thấy những thách thức mà các nhà sản xuất công nghiệp ở nước này đang đối mặt: nhu cầu yếu gây suy giảm tỷ suất lợi nhuận và khả năng đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Các quy định ngặt nghèo hơn về môi trường trong nước và nhu cầu ở nước ngoài suy giảm do thương chiến Mỹ-Trung đang đặt ra nhiều khó khăn cho ngành sản xuất của Trung Quốc.

Thách thức này còn được thể hiện qua việc xuất khẩu của Trung Quốc sụt giảm trong tháng 11, đánh dấu tháng giảm thứ tư liên tiếp.

"So với những gián đoạn ngắn hạn do tăng giá thịt lợn gây ra, Trung Quốc cần chú ý nhiều hơn đến ự suy giảm nhu cầu trong nước và lợi nhuận đi xuống trong ngành sản xuất công nghiệp", chuyên gia kinh tế Li Wei của Standard Chartered Bank nhận xét với tờ Wall Street Journal.

Giới phân tích cho rằng, bị mắc kẹt giữa một bên là giá thịt lợn leo thang và một bên là giảm phát giá nhà sản xuất, Bắc Kinh đang ở trong tình thế "tiến thoái lưỡng nan" trong việc kích thích nền kinh tế đang giảm tốc.

Tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 3 của Trung Quốc chỉ đạt 6%, bằng cận dưới của khoảng mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà Bắc Kinh đề ra cho cả năm. Đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới tiếp tục yếu đi trong quý 4 này, dẫn tới việc giới chuyên gia kêu gọi Chính phủ Trung Quốc triển khai thêm các biện pháp kích cầu.

Tuy nhiên, một báo cáo chính sách tiền tệ gần đây của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) nói rằng nước này vẫn cần để ý rủi ro lạm phát do giá thịt lợn tăng gây ra - yếu tố gây nhiều ảnh hưởng đến tầng lớp người dân thu nhập thấp. Bên cạnh đó, PBoC cũng cam kết sẽ có chính sách phù hợp để hỗ trợ tăng trưởng.

Chuyên gia kinh tế Li Wei của ngân hàng Standard Chartered nói rằng PBoC sẽ tránh việc nới lỏng thêm chính sách, chẳng hạn cắt giảm lãi suất hay giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, trong thời gian còn lại của 2019 bởi giá thịt lợn còn đang cao.

Nhưng ông Li cũng dự báo giá thịt lợn ở Trung Quốc sẽ dịu đi trong quý 2/2020 nhờ nguồn cung gia tăng. Khi đó, cac nhà hoạch định chính sách sẽ có nhiều dư địa hơn để kích cầu.