08:17 30/05/2019

Sức ép thương mại khiến giá dầu đi xuống

Diệp Vũ

Nhà đầu tư lo xung đột thương mại dai dẳng sẽ gây suy giảm tăng trưởng kinh tế, kéo tụt nhu cầu tiêu thụ năng lượng

Bên trong một nhà máy lọc dầu của PetroChina ở Lan Châu, Cam Túc, Trung Quốc - Ảnh: Reuters/CNBC.
Bên trong một nhà máy lọc dầu của PetroChina ở Lan Châu, Cam Túc, Trung Quốc - Ảnh: Reuters/CNBC.

Giá dầu thế giới giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, dưới sức ép từ sự giảm điểm của thị trường chứng khoán Mỹ và cuộc chiến thương mại căng thẳng Mỹ-Trung. Nhà đầu tư lo ngại rằng xung đột dai dẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ gây suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, kéo tụt nhu cầu tiêu thụ năng lượng.

Tuy nhiên, theo hãng tin CNBC, nguồn cung dầu bị kiềm chế do thỏa thuận cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đối tác, cũng như căng thẳng chính trị ở khu vực Trung Đông, tiếp tục là những nhân tố hỗ trợ cho giá dầu.

Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London giảm 0,66 USD/thùng, tương đương giảm 0,9%, còn 69,46 USD/thùng.

Tại thị trường New York, giá dầu WTI giao sau giảm 0,6%, đóng cửa ở 58,81 USD/thùng. Trong phiên, có lúc giá dầu WTI giảm còn 56,88 USD/thùng, thấp nhất từ hôm 12/3.

Cả giá dầu Brent và giá dầu WTI đều đang tiến tới hoàn tất tháng giảm đầu tiên trong vòng 5 tháng trở lại đây.

Căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới hầu như chưa có dấu hiệu lắng dịu. Truyền thông nhà nước Trung Quốc ngày thứ Tư cảnh báo rằng Bắc Kinh có thể sử dụng đất hiếm làm "vũ khí" để trả đũa Mỹ. Trước đó, vào hôm thứ Hai, Tổng thống Donald Trump tuyên bố chưa sẵn sàng đi đến một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.

Tâm trạng bi quan khiến nhà đầu tư bán mạnh những tài sản có độ rủi ro cao hơn như chứng khoán và dầu thô, đồng thời mua vào những tài sản được xem là "vịnh tránh bão" như trái phiếu Chính phủ Đức và Mỹ. Các chỉ số chính của thị trường chứng khoán Phố Wall đã giảm xuống mức thấp nhất gần 3 tháng trong phiên này.

Giống như phiên ngày thứ Ba, giá dầu phiên này vẫn được hỗ trợ bởi tình trạng ngập lụt ở vùng Midwest của Mỹ. Ngập lụt khiến việc vận chuyển dầu khỏi các trung tâm phân phối, đặc biệt là cảng Cushing ở bang Oklahoma, trở nên khó khăn.

Tình hình ở Trung Đông cũng đang hỗ trợ cho giá dầu. Dưới sức ép lệnh trừng phạt của Mỹ, xuất khẩu dầu tháng 5 của Iran giảm còn chưa đầy một nửa so với tháng 4, còn khoảng 400.000 thùng/ngày - giới thạo tin cho hay.

Ngoài ra, thị trường cũng tin rằng OPEC và Nga sẽ gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng khi nhóm họp vào cuối tháng 6. Từ đầu năm đến nay, nhóm này đã cùng nhau thực hiện thỏa thuận giảm sản lượng khai thác dầu 1,2 triệu thùng mỗi ngày.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters hôm thứ Tư, Phó thủ tướng thứ nhất của Nga Anton Siluanov nói rằng nước này sẽ thận trọng xem xét việc gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng với OPEC.