15:36 21/03/2024

Sức khỏe suy giảm vì ô nhiễm không khí

Hoài Phương

Mỗi năm, hàng triệu người trên thế giới chết vì những vấn đề sức khỏe liên quan đến ô nhiễm không khí. Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí BMJ vào tháng 11/2023, ô nhiễm không khí do sử dụng nhiên liệu hóa thạch tước đi mạng sống của 5,1 triệu người mỗi năm…

Trong 3 ngày liên tiếp, từ 4 - 6/3, thủ đô Hà Nội có chỉ số ô nhiễm không khí đứng đầu thế giới.
Trong 3 ngày liên tiếp, từ 4 - 6/3, thủ đô Hà Nội có chỉ số ô nhiễm không khí đứng đầu thế giới.

CNN ngày 19/3 dẫn báo cáo của cơ quan theo dõi chất lượng không khí toàn cầu IQAir cho biết 99 trong số 100 thành phố ô nhiễm không khí nặng nhất thế giới nằm ở châu Á. Báo cáo đã xem xét cụ thể về mức độ bụi mịn PM2.5, chất gây ô nhiễm nhỏ nhất nhưng cũng nguy hiểm nhất. 

Theo đó, chỉ 9% trong số 7.812 thành phố được IQAir phân tích đáp ứng được tiêu chuẩn của WHO. Cụ thể, chỉ có 10 nước, khu vực và vùng lãnh thổ có không khí trong lành, bao gồm Phần Lan, Estonia, Puerto Rico, Úc, New Zealand, Bermuda, Grenada, Iceland, Mauritius và Polynesia.

Trong khi đó, 83 thành phố thuộc Ấn Độ đều có nồng độ PM2.5 cao gấp 10 lần tiêu chuẩn của WHO. Begusarai, thành phố với nửa triệu dân nằm ở bang Bihar phía Bắc Ấn Độ, là nơi ô nhiễm nhất thế giới trong năm 2023 với nồng độ PM2.5 trung bình là 118,9 µg/m3 - cao gấp 23 lần tiêu chuẩn của WHO. Theo sau trong bảng xếp hạng IQAir là các thành phố khác của Ấn Độ như: Guwahati, Assam, Delhi, và Mullanpur (Punjab).

Theo IQAir, khoảng 1,3 tỉ người dân Ấn Độ, tương đương 96% dân số, đang phải sống trong điều kiện không khí ô nhiễm gấp 7 lần tiêu chuẩn của WHO. Cùng với đó, Trung và Nam Á là những khu vực có chất lượng không khí kém nhất toàn cầu, nơi có đến 4 quốc gia trong danh sách ô nhiễm nhất năm 2023 là Bangladesh, Pakistan, Ấn Độ và Tajikistan. IQAir cũng nhận thấy rằng có đến 92,5% trong số 7.812 địa điểm ở 134 quốc gia, khu vực và vùng lãnh thổ có nồng độ PM2.5 vượt qua mức tiêu chuẩn của WHO.

Begusarai, thành phố với nửa triệu dân nằm ở bang Bihar phía Bắc Ấn Độ, là nơi ô nhiễm nhất thế giới trong năm 2023.
Begusarai, thành phố với nửa triệu dân nằm ở bang Bihar phía Bắc Ấn Độ, là nơi ô nhiễm nhất thế giới trong năm 2023.

Tại châu Á, mức độ ô nhiễm đã tăng trở lại ở hầu khắp các khu vực. Indonesia là quốc gia ô nhiễm nhất châu Á, nồng độ PM2.5 trong năm 2023 của nước này tăng 20% so với năm 2022. Cả Indonesia, Việt Nam và Thái Lan đều có thành phố gấp hơn 10 lần tiêu chuẩn PM2.5 của WHO. Trong đó, Việt Nam đứng thứ 22 trong số 134 quốc gia, khu vực và vùng lãnh thổ. Riêng Hà Nội đứng thứ 233, TP.HCM là 1.048 và Đà Nẵng là 1.182. Thành phố Trà Vinh được IQAir đánh giá là nơi trong lành nhất (hạng 6.806) và quận Tây Hồ là nơi ô nhiễm nhất Việt Nam (hạng 71) trong năm 2023.

Giám đốc điều hành IQAir Global Frank Hammes cho biết: “Chúng tôi thấy rằng ô nhiễm không khí đều có tác động đến mọi mặt của cuộc sống. Và thông thường, ở một số quốc gia ô nhiễm nhất, nó có khả năng làm giảm tuổi thọ của con người từ ba đến sáu năm. Và trước đó sẽ dẫn đến nhiều năm chịu gánh nặng bệnh tật mà hoàn toàn có thể ngăn ngừa được nếu có chất lượng không khí tốt hơn”.

Báo cáo của IQAir cho biết cuộc khủng hoảng khí hậu do con người gây ra, do đốt nhiên liệu hóa thạch, đóng vai trò “quan trọng” trong việc ảnh hưởng đến mức độ ô nhiễm không khí. Cuộc khủng hoảng khí hậu đang làm thay đổi các kiểu thời tiết, dẫn đến những thay đổi về gió và lượng mưa, ảnh hưởng đến sự phát tán các chất ô nhiễm. Báo cáo cho biết biến đổi khí hậu sẽ chỉ làm tình trạng ô nhiễm trở nên tồi tệ hơn khi tình trạng nắng nóng cực độ trở nên nghiêm trọng và thường xuyên hơn.

Cả Indonesia, Việt Nam và Thái Lan đều có thành phố gấp hơn 10 lần tiêu chuẩn PM2.5 của WHO.
Cả Indonesia, Việt Nam và Thái Lan đều có thành phố gấp hơn 10 lần tiêu chuẩn PM2.5 của WHO.

Khi hít vào, PM2.5 đi sâu vào mô phổi và có thể xâm nhập vào máu. Nó đến từ các nguồn như đốt nhiên liệu hóa thạch, bão bụi và cháy rừng, và có liên quan đến bệnh hen suyễn, bệnh tim và phổi, ung thư và các bệnh về đường hô hấp khác, cũng như suy giảm nhận thức ở trẻ em. Bác sĩ Lê Hoàn, Trưởng Khoa Nội tiết - Hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho rằng hệ hô hấp bị ảnh hưởng nặng nhất, ngoài ra còn có da, mắt... Khi vào cơ thể, bụi mịn sẽ xâm nhập vào đường thở, gây tổn thương niêm mạc khí quản, phế quản.

Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho biết, những năm gần đây, hàm lượng bụi mịn PM 2.5 ở trong không khí tại Việt Nam rất cao. Để cải thiện chất lượng không khí không thể thực hiện nhanh trong ngày một, ngày hai. Mỗi người dân vừa là nạn nhân, cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm. Ông Tùng lấy ví dụ về thói quen đi xe máy dù quãng đường gần hay xa, tại các ngã tư đèn xanh đèn đỏ, nhiều người có thói quen khi báo hiệu hơn 15 giây vẫn để nổ máy. Việc kiểm tra khí thải xe máy, Hà Nội đưa ra chính sách kiểm soát thì nhận lại phản ứng của dư luận khi cho rằng, tốn tiền, tốn thời gian...

Để góp phần cải thiện chất lượng không khí ở Hà Nội, mỗi người dân cần tích cực tham gia công cuộc bảo vệ môi trường không khí, ví dụ sử dụng xe máy điện, đi bộ, tham gia phương tiện giao thông công cộng, cùng thành phố quản lý rác thải, giảm thiểu việc đốt rác, cũng như tích cực góp ý phản ánh với chính quyền về những nơi bị ô nhiễm. Ngoài ra, việc theo dõi các thông tin về môi trường, không khí hàng ngày cũng là cách bảo vệ mình, cũng là trách nhiệm đóng góp cho xã hội.

Năm 2022, một nghiên cứu từ Đại học Chicago, Mỹ, cho thấy ô nhiễm không khí có thể làm giảm tuổi thọ trung bình xuống hơn hai năm, tương đương tác hại của hút thuốc lá. Viện Chính sách Năng lượng của Đại học Chicago (EPIC) khuyến cáo tiếp xúc liên tục với 10 µg/m³ PM2.5 sẽ làm giảm khoảng một năm tuổi thọ.

Mỗi người dân vừa là nạn nhân, cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm.
Mỗi người dân vừa là nạn nhân, cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm.

WHO nhận định ô nhiễm không khí là "kẻ giết người thầm lặng". Ước tính có khoảng 30% các trường hợp tử vong do ung thư phổi có liên quan đến ô nhiễm không khí. Riêng đối với bệnh lý hô hấp, bệnh nhân bị ảnh hưởng sẽ nhiều hơn. Khoảng 43% các trường hợp tử vong do các bệnh lý hô hấp liên quan ô nhiễm không khí.

Đối với người dân Việt Nam, các chuyên gia khuyến cáo nên thường xuyên theo dõi tình hình chất lượng không khí trên các phương tiện thông tin truyền thông chính thống của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố. Từ đó, hạn chế ra khỏi nhà, vận động tập thể dục, lao động ngoài trời khi chất lượng không khí ở mức xấu. Khi ra đường nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách (đảm bảo kín, khít mặt).

Nên vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường. Tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ… Đối với người có bệnh hô hấp, bệnh tâm phế mạn tính, bệnh tim mạch, suy dinh dưỡng, người già yếu… nên thực hiện các biện pháp dự phòng trên nghiêm ngặt hơn, như hạn chế tối đa đi ra ngoài, đặc biệt là vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng; cần tuân thủ và duy trì điều trị theo đơn của bác sĩ chuyên khoa. Nếu có dấu hiệu khó chịu, tăng nặng nên khám ngay tại các cơ sở y tế chuyên khoa; trong thời điểm này nếu mắc các bệnh cấp tính như sốt, viêm mũi họng, phổi phế quản, tim mạch… cần đến khám tại các cơ sở y tế và điều trị kịp thời.