17:18 12/09/2019

Tách tuổi hưu của công chức, viên chức khỏi Luật lao động có khả thi?

Nhật Dương

Quy định tuổi nghỉ hưu trong Bộ luật Lao động cần được tính toán để bao phủ được tất cả các nhóm đối tượng, thay vì đưa từ luật này sang luật khác

Có ý kiến cho rằng nên tách tuổi nghỉ hưu của công chức, viên chức khỏi Bộ luật Lao động. Ảnh minh họa.
Có ý kiến cho rằng nên tách tuổi nghỉ hưu của công chức, viên chức khỏi Bộ luật Lao động. Ảnh minh họa.

Bộ luật Lao động (sửa đổi) trong đó có nội dung về điều chỉnh tuổi nghỉ hưu dự kiến trình Quốc hội tiếp tục cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp Quốc hội tháng 10 năm nay.

Sẽ có hơn 1.700 ngành nghề được nghỉ hưu trước 5 - 10 năm

Với vai trò là cơ quan thẩm tra dự án luật, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội khẳng định, về cơ bản Uỷ ban thống nhất cho rằng nên điều chỉnh tuổi nghỉ hưu để đáp ứng yêu cầu già hóa dân số và đảm bảo đúng tinh thần nghị quyết số 28/NQ-TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Bên cạnh đó, đến nay các kết quả nghiên cứu đều khẳng định rằng tuổi thọ của người Việt Nam tăng lên, sức khỏe và điều kiện lao động cũng được cải thiện đáng kể. Do đó, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu chính là mục tiêu dài hạn để phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, ông Lợi cho rằng về lộ trình, cách thức và bước đi hiện nay còn rất nhiều ý kiến khác nhau. "Theo như ý kiến tổng hợp được thì cơ quan thẩm tra đang muốn trình ra Quốc hội một phương án như phương án một của Chính phủ nhưng viết cụ thể hơn", ông Lợi thông tin.

Cụ thể, theo phương án dự kiến của cơ quan thẩm tra, bắt đầu từ năm 2021 sẽ điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cho lao động nam để vào năm 2028 sẽ có người nam đầu tiên nghỉ hưu ở tuổi 62, lao động nữ vào năm 2035 sẽ đạt được 60 tuổi. Trong đó, bắt đầu từ năm 2021, mỗi năm nam tăng 3 tháng và nữ tăng 4 tháng.

Hiện cơ quan soạn thảo cũng đề nghị Chính phủ điều chỉnh khoản 2 điều 169 Bộ luật Lao động quy định về tuổi nghỉ hưu với lí do người lao động làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và các trường hợp đặc biệt thì sẽ được quyền nghỉ hưu sớm 5 năm, các trường hợp khác thì theo quy định của pháp luật.

Mặc dù vậy, ông Lợi khẳng định, hiện người lao động không chỉ trong các ngành nặng nhọc, độc hại được nghỉ sớm 5 năm mà thực tế đang giảm 10 năm, như lao động trong ngành than, một số lao động bị tác động của bệnh nghề nghiệp, bị nhiễm HIV…nhưng vẫn được đảm bảo 75% lương. Do đó, vấn đề cần điều chỉnh hay không chính là chỗ này, còn việc nghỉ hưu muộn hơn 5 năm thì về cơ bản là đồng tình.

Song theo phân tích của ông Lợi, bản chất trong Bộ luật Lao động nhìn tổng thể thì thấy rằng thực tế tổng số lao động đang trực tiếp sản xuất trong các ngành nặng nhọc, độc hại sẽ đều giữ tuổi nghỉ hưu như hiện hành. Bởi vì, nâng lên 60 hay 62 tuổi nhưng vẫn được giảm 5 năm, thậm chí là 10 năm với trường hợp suy giảm khả năng lao động. Như vậy, có thể có lao động nam vẫn nghỉ hưu ở tuổi 50 và nữ 45 tuổi.

"Nếu chúng ta giải thích không rõ, người lao động sẽ nghĩ họ phải làm việc tới tuổi 60 và 62. Trước đây, vì chúng ta thông tin cho người lao động chưa đầy đủ nên họ muốn tách bạch cái này ra. Tới đây, sẽ có 1.748 ngành nghề được nghỉ hưu trước 5 - 10 năm, vấn đề này Chính phủ sẽ phải quy định cụ thể", ông Lợi giải đáp.

Đề xuất tách tuổi hưu của công chức, viên chức khỏi luật lao động

Liên quan đến vấn đề tuổi nghỉ hưu, ông Lợi cho biết, vừa qua cơ quan thẩm tra cũng nhận được đề xuất nên tách tuổi nghỉ hưu của bộ phận công chức, viên chức sang Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Lý do là đưa tuổi nghỉ hưu của công chức, viên chức sang các luật này để quy định rõ ràng theo lộ trình hơn.

Đối với khu vực sản xuất kinh doanh sẽ thực hiện theo Bộ luật Lao động, Quốc hội sẽ quy định nguyên tắc để Chính phủ căn cứ vào điều kiện kinh tế xã hội, năng suất lao động để có lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu cho người lao động ở mức tăng chậm hơn, nhằm tránh gây sốc cho thị trường lao động.

Tuy nhiên, ông Lợi cũng khuyến nghị dù đặt vấn đề tuổi nghỉ hưu trong luật nào thì về mặt nguyên tắc và cách thức vẫn phải đảm bảo quy định của luật gốc là Bộ luật Lao động. Quy định tuổi hưu trong các luật chuyên ngành chỉ là những điều chỉnh về đặc thù của ngành để tăng thêm hay giảm đi thời gian làm việc.

"Do đó, theo tôi vấn đề quan trọng là thiết kế lại Điều 169 về tuổi nghỉ hưu như thế nào trong Bộ luật Lao động để bao phủ được tất cả các nhóm đối tượng thì tốt hơn là chúng ta cứ "bốc" từ luật này sang luật khác, vì thực tế có đưa sang như vậy thì cũng không ảnh hưởng gì", vị phó chủ nhiệm nhấn mạnh thêm.

Riêng với những thắc mắc tại sao còn có sự chênh lệch 2 tuổi giữa nam và nữ trong đề xuất, ông Lợi cho rằng, Chính phủ sẽ cần có đánh giá tác động về vấn đề này.

Dẫn kết quả nghiên cứu của Tổ chức Lao động thế giới (ILO), ông Lợi cho biết, trong số các nước thành viên của ILO có đến 37% số nước đều có sự chênh lệch tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ.

"Họ cho rằng đó mới chính là bình đẳng giới, vì phụ nữ còn những thiên chức gia đình, con cái, và điều kiện sức khỏe có thể sống lâu hơn nhưng chưa chắc đã bằng nam giới nên cái vướng hiện nay ở chỗ này. Bây giờ, Chính phủ phải bàn và nghe lại các phương án. Chúng tôi cũng đang yêu cầu Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phải đánh giá tác động của vấn đề này", ông Lợi lý giải thêm.