Tài chính tiêu dùng sắp qua “cơn bĩ cực”?
Tại đại hội đồng cổ đông năm 2024, một số công ty tài chính tiêu dùng đã đưa ra kế hoạch lợi nhuận của năm 2024 tăng gấp đôi, gấp ba so với 2023...
Ngày 29/4, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng - VPBank (mã chứng khoán: VPB-HOSE) đã thông qua nhiều nội dung quan trọng. Đáng chú ý, mục tiêu lợi nhuận hợp nhất trước thuế năm 2024 của ngân hàng dự kiến tăng 114% so với năm 2023, tương đương 23.165 tỷ đồng. Trong đó, riêng ngân hàng mẹ dự kiến đóng góp 20.709 tỷ đồng, công ty chứng khoán VPBankS góp 1.902 tỷ đồng và công ty bảo hiểm OPES đóng góp 873 tỷ đồng vào tổng lợi nhuận. Công ty tài chính tiêu dùng FE Credit cũng được kỳ vọng tăng trưởng mạnh mẽ sau 2 năm liền thua lỗ, với mức lợi nhuận hợp nhất trước thuế dự kiến là 1.200 tỷ đồng trong năm 2024.
Trong phần hỏi đáp tại đại hội, cổ đông dành sự quan tâm đặc biệt đối với FE Credit – mảng cho vay tiêu dùng từng là “gà đẻ trứng vàng” của VPBank. Nhưng trong năm 2023, kết quả của FE Credit lại là "điểm tối" trong báo cáo tài chính hợp nhất của VPBank, khiến cho kết quả kinh doanh hợp nhất không đạt mục tiêu, mặc dù ngân hàng mẹ tăng trưởng hơn 31% về tín dụng, 37% về huy động trong năm ngoái.
Năm 2024, VPBank đặt mục tiêu FE Credit có lãi 1.200 tỷ đồng. Trả lời câu hỏi của cổ đông về việc: đâu sẽ là động lực để đạt được mức tăng trưởng này? Ngân hàng mẹ và đối tác SMBC sẽ có những biện pháp hỗ trợ gì cho FE Credit tăng trưởng trở lại, Tổng giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh cho rằng Việt Nam là một thị trường tiềm năng với tài chính tiêu dùng.
Theo ông Vinh, mặc dù thị trường hiện có 16 công ty tài chính tiêu dùng được cấp phép bởi Ngân hàng Nhà nước nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Do ảnh hưởng khó khăn của kinh tế vĩ mô trong năm 2023 nên hầu hết các công ty tài chính tiêu dùng đều sụt giảm thu nhập. FE Credit có quy mô lớn nhất nên bị tác động nhiều nhất.
Trong hai năm qua, tài chính tiêu dùng có chiều hướng suy giảm, một phần do nhu cầu thị trường, phần khác do sự hiểu biết về tài chính tiêu dùng của người dân còn chưa đầy đủ. Tài chính tiêu dùng chính thống bị hiểu nhầm, đánh đồng với tín dụng đen. Điều này cũng khiến công tác thu hồi nợ giảm 50% hiệu quả.
Tổng giám đốc Nguyễn Đức Vinh nhấn mạnh FE Credit hiện nay có 49% vốn của SMBC, 50% của VPBank, do đó sẽ nhận được sự hỗ trợ toàn diện về hệ thống, nhân sự, chiến lược, và quan trọng là về vốn nhằm giảm chi phí vốn (COF) cho FE Credit.
“Trong một năm qua chúng tôi đã đưa COF của FE Credit từ 9 -11% xuống 6 -7%, cao hơn COF các ngân hàng nhưng ở mức thấp trong ngành tài chính tiêu dùng. Điều này cho phép FE Credit nhắm vào khách hàng có mức độ rủi ro thấp hơn. Dự kiến từ năm 2025, lợi nhuận của FE Credit sẽ quay lại mức 3.000-4.000 tỷ đồng. Còn hiện tại phải đa dạng hoá các mảng kinh doanh, hạn chế phụ thuộc vào tài chính tiêu dùng”, Tổng giám đốc VPBank nói.
Hiện tại, FE Credit vẫn tiếp tục dẫn đầu thị phần tài chính tiêu dùng với quy mô dư nợ khoảng 50.000 tỷ đồng. Sau khi thực hiện tái cơ cấu, FE Credit đã có được danh mục khách hàng mới trong năm 2023, dự kiến đem lại triển vọng mới, chặn đứng đà suy giảm về kinh doanh.
Trước đó, tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), cổ đông cũng đặt câu hỏi về vấn đề thu hồi nợ và cho vay tại công ty tài chính tiêu dùng Mcredit. Sau Covid-19, kinh tế khó khăn, người vay khó trả nợ, điều này ảnh hưởng gì tới vấn đề thu hồi nợ và cho vay tại Mcredit?
Theo bà Vũ Thị Hải Phượng, Phó Chủ tịch MB, ngay từ năm 2020, khi Covid-19 bùng nổ, Hội đồng Quản trị MB đã quyết định tái cơ cấu toàn diện Mcredit trên 5 nội dung chính, gồm: (1) Tái cơ cấu để tăng doanh thu; (2) Tối ưu chi phí hoạt động; (3) Các biện pháp thu hồi nợ; (4) Xây dựng chiến lược mới trong giai đoạn tiếp theo; và (5) Nhận diện lại thương hiệu Mcredit trên thị trường.
Năm 2024, MB kỳ vọng Mcredit sẽ phục hồi mạnh từ mức nền thấp trong năm 2023. Ban lãnh đạo MB dự báo lợi nhuận trước thuế năm 2024 của MCredit sẽ tăng gấp đôi 2023 (khoảng 300 tỷ đồng).
Hiện tại, Mcredit đã và đang tích cực (1) tái cơ cấu hoạt động thu hồi nợ xấu (chuyển sang dịch vụ nội bộ) và (2) thay đổi chiến lược cho vay thông qua việc ưu tiên tiếp cận tệp khách hàng của tập đoàn trên các nền tảng số thay vì trực tiếp tìm kiếm khách hàng mới.