09:31 13/04/2010

Cần tăng tính độc lập cho ngân hàng trung ương

Ngô Hải

Dự kiến ngày 15/4, tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Ngân hàng Nhà nước (sửa đổi)

Ông Vũ Viết Ngoạn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Ông Vũ Viết Ngoạn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Dự kiến ngày 15/4 tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi).

Ông Vũ Viết Ngoạn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã có cuộc trao đổi với chúng tôi về những điểm mới trong lần sửa đổi này.

Luật Ngân hàng Nhà nước (sửa đổi) đang trong giai đoạn hoàn tất. Theo dự thảo, vai trò của ngân hàng trung ương sẽ được thay đổi như thế nào, thưa ông?

Luật được thiết kết theo hướng, xây dựng ngân hàng trung ương với địa vị pháp lý rõ ràng để nâng tính tự chủ, linh hoạt trong việc hoạch định và thực thi các chính sách tiền tệ.

Ở các nước trên thế giới, ngân hàng trung ương khá độc lập trong việc đưa ra các chính sách tiền tệ, còn ở nước ta ngân hàng trung ương vừa mang tính chất độc lập và tự chủ nhưng phù hợp với thể chế chính trị, đồng thời cũng phải phù hợp với trình độ phát triển của nền kinh tế.

Nhưng trong thời điểm hiện nay, chúng ta đã có đủ nguồn lực và điều kiện cần thiết để ngân hàng trung ương độc lập và tự chủ ở mức độ cao chưa thì vấn đề đang còn rất nhiều ý tranh luận trong quá trình soạn thảo luật.

Để đảm bảo hài hòa những vấn đề trên, về cơ bản Luật Ngân hàng (sửa đổi) được thiết kế theo hướng ngân hàng trung ương (cụ thể là Ngân hàng Nhà nước) là cơ quan ngang Bộ và trực thuộc Chính phủ. Với vị trí này sẽ tạo điều kiện đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ trong hệ thống chính sách kinh tế tài chính và tiền tệ.

Điểm khác biệt lớn nhất trong luật sửa đổi lần này là nâng tính tự chủ và linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước trong việc hoạch định, thực thi chính sách tiền tệ và Ngân hàng Nhà nước được giao nhiệm vụ nhiều hơn trong việc sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ.

Còn việc phân quyền giữa Quốc hội - Chính phủ - Ngân hàng Nhà nước trong điều hành chính sách tiền tệ sẽ được điều chỉnh như thế nào?

Hiện tại Quốc hội đang thực hiện theo quy định của Hiến pháp và quyết định chính sách tiền tệ quốc gia. Nhưng trong đợt sửa đổi này, điều cần phải làm rõ là Quốc hội sẽ quyết định những vấn đề gì và đến mức nào, còn Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước được quyết định đến mức nào. Đây cũng là đề tài đang được thảo luận hết sức sôi nổi.

Tuy nhiên, thiết kế cơ bản cuối cùng xác định là chính sách tiền tệ gồm hai cấu phần: mục tiêu và các công cụ giải pháp. Theo đó, Quốc hội sẽ chỉ quyết định mục tiêu của chính sách tiền tệ, còn Chính phủ sẽ thực hiện các công cụ giải pháp và biện pháp của chính sách tiền tệ.

Đối với việc phân quyền giữa Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, tôi cho rằng, một số công cụ chủ đạo như: tỷ giá, lãi suất, tổng phương tiện thanh toán thì Chính phủ phải có sự điều tiết và quyết định nhưng cũng chỉ nên dừng lai ở mức mang tính chất định hướng và mục tiêu.

Ví như, Chính phủ xác định một mức tỷ giá, một mức lãi suất mục tiêu, trong phạm vi đó Ngân hàng Nhà nước sẽ là cơ quan điều hành hàng ngày thông qua các công cụ như dự trữ bắt buộc, lượng tiền điều tiết hàng ngày qua nghiệp vụ thị trường mở... Khi nào diễn biến thị trường thay đổi mà lãi suất mục tiêu không đáp ứng được và cần phải điều chỉnh thì Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ để Chính phủ quyết định.

Trong luật sửa đổi lần này cũng sẽ phân định rõ ràng những vấn đề Ngân hàng Nhà nước được trực tiếp quyết định và vấn đề nào sẽ do Chính phủ quyết định, vấn đề nào cần xin ý kiến Chính phủ.

Luật cũng hướng tới việc giảm bớt các biện pháp hành chính trong điều hành chính sách tiền tệ. Liệu điều này có dẫn tới việc mất kiểm soát thị trường không, thưa ông?

Hiện tại có rất nhiều ý kiến cho rằng nếu đi theo cơ chế đó thì Ngân hàng Nhà nước và rộng hơn nữa là Chính phủ không kiểm soát được thị trường tiền tệ để lãi suất trôi nổi. Theo tôi là không đúng. Trên thực tế, vai trò của Ngân hàng trung ương là sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ để điều tiết thị trường tiền tệ.

Cung cầu về vốn trên thị trường chính là do ngân hàng trung ương quyết định nên muốn lãi suất của thị trường tăng hay giảm thì ngân hàng trung ương sẽ thực hiện khối lượng tiền trong lưu thông qua các công cụ chính sách.

Việc cho phép các tổ chức tín dụng áp dụng cơ chế lãi suất thỏa thuận, thì trên thực tế mức lãi suất đó vẫn chịu sự điều tiết của ngân hàng trung ương chứ không phải bỏ mặc.

Có điểm đáng lưu ý là: khi nền kinh tế phải chịu những tác động xấu từ bên ngoài cũng như những tình thế phát sinh bất ngờ ở trong nước gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động trên thị trường tài chính tiền tệ, mà những công cụ điều hành gián tiếp của ngân hàng trung ương không kiểm soát được thì luật sẽ cho phép ngân hàng trung ương can thiệp trực tiếp vào cơ chế lãi suất của các ngân hàng thương mại.

Tuy nhiên, việc can thiệp trực tiếp này chỉ được áp dụng trong điều kiện cần thiết và mang tính chất phòng ngừa những diễn biến xấu trên thị trường.

Trong những năm qua, mục tiêu điều hành của Chính phủ là đảm bảo tăng trưởng ỏn định và bền vững nhưng phải kiểm soát lạm phát một cách tối đa. Vậy khi ngân hàng trung ương được độc lập hai mục tiêu trên có được đảm bảo?

Thực ra, ở phần lớn nền kinh tế hiện đại họ tách ngân hàng trung ương riêng và độc lập, kể cả trong trường hợp không độc lập mà phải trực thuộc Bộ Tài chính và Chính phủ thì chính sách tiền tệ cũng có tính chất độc lập rất cao. Trên thực tế dù riêng biệt nhưng mục tiêu của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đều cùng hướng tới đảm bảo lợi ích quốc gia và nền kinh tế.

Do đó, không phải chỉ có quan tâm đến kiểm soát lạm phát mà không quan tâm đến tăng trưởng kinh tế, nhiệm vụ của ngân hàng trung ương ở nền kinh tế độc lập bao giờ cũng phải hài hòa yêu cầu đó.

Lo tăng trưởng kinh tế không có nghĩa Chính phủ không quan tâm tới kiểm soát lạm phát. Trong điều kiện Việt Nam hiện nay, việc để ngân hàng trung ương tách riêng sẽ giúp nâng cao tính chủ động trong thực thi các chính sách tiền tệ và hướng tới đảm bảo mục tiêu ổn định giá trị của đồng tiền.

Do đó, tôi không ngại là ngân hàng trung ương sẽ có nhiều quyền nhiều chức năng quá, thậm chí vẫn còn có không ít ý kiến cho rằng cần tăng tính độc lập hơn nữa cho ngân hàng trung ương.