11:35 04/11/2014

Cấp phép tổ chức tài chính vi mô còn hạn chế

Nguyên Hà

Việc cấp phép đối với một số loại hình tổ chức tín dụng cần khuyến khích như tổ chức tài chính vi mô còn hạn chế

Đánh giá tình hình hoạt động, số lượng tổ chức tín dụng đang hoạt động, tổ chức lại, giải thể, phá sản cơ quan giám sát cho rằng hệ thống tổ chức tín dụng hiện nay đã được thiết kế nhằm cung ứng dịch vụ ngân hàng đáp ứng nhu cầu đa dạng của nền kinh tế.
Đánh giá tình hình hoạt động, số lượng tổ chức tín dụng đang hoạt động, tổ chức lại, giải thể, phá sản cơ quan giám sát cho rằng hệ thống tổ chức tín dụng hiện nay đã được thiết kế nhằm cung ứng dịch vụ ngân hàng đáp ứng nhu cầu đa dạng của nền kinh tế.
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong các lĩnh vực như bất động sản, xây dựng, khai khoáng, công nghiệp chế biến, chế tạo giảm đi đáng kể, trong khi số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong các lĩnh vực như giáo dục - đào tạo, nghệ thuật, giải trí, y tế và hoạt động trợ giúp xã hội… thì liên tục tăng.

Đây là nhận định được nêu tại báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện pháp luật về cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hợp tác xã, giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp bảo hiểm, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ của Ủy ban Kinh tế.

Dẫn dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết tính đến ngày 31/12/2013, cả nước có khoảng 500 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động trong tổng số 770 nghìn doanh nghiệp đã được thành lập.

Trong năm 2013, các địa phương thuộc vùng trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên có xu hướng tốt nhất với lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng lần lượt là 26% và 45,5%. Còn số doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động giảm lần lượt là 5% và 6,7 % so với năm 2012.

Tại vùng đồng bằng sông Hồng, số lượng doanh nghiệp mới tăng thấp, chỉ 1,9% trong khi số lượng doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động tăng cao đến 13,3%, báo cáo so sánh.

Cấp phép tổ chức tài chính vi mô còn hạn chế

Theo báo cáo giám sát, trong giai đoạn từ năm 2011-2013, Ngân hàng Nhà nước đã cấp phép thành lập cho 2 tổ chức tài chính vi mô,  1 chi nhánh Ngân hàng nước ngoài, 58 quỹ tín dụng nhân dân, chuyển đổi quỹ tín dụng nhân dân Trung ương thành Ngân hàng hợp tác xã.

Việc cấp phép được thực hiện đúng quy định pháp luật, Ủy ban Kinh tế khẳng định.

Tuy nhiên, báo cáo giám sát cũng nêu hạn chế là việc cấp phép đối với một số loại hình tổ chức tín dụng cần khuyến khích như tổ chức tài chính vi mô, công ty tài chính tiêu dùng còn hạn chế, chưa được đẩy mạnh.

Một trong những lý do là thiếu khuôn khổ pháp lý về việc cấp phép thành lập và hoạt động đối với các loại hình này, báo cáo nêu.

Hạn chế tiếp theo, theo cơ quan giám sát là thiếu cơ chế thu thập thông tin về việc xác định chủ sở hữu, vốn chủ sở hữu thực chất của tổ chức tín dụng/cổ đông hưởng lợi cuối cùng của tổ chức tín dụng cổ phần, đánh giá năng lực tài chính của các cổ đông lớn, nhu cầu dịch vụ ngân hàng.... nhằm đánh giá đầy đủ các điều kiện cấp phép, đặc biệt trong việc thẩm định đối với các điều kiện mang tính định tính.

Chuẩn bị chấm dứt hoạt động 7 chi nhánh ngân hàng nước ngoài

Đánh giá tình hình hoạt động, số lượng tổ chức tín dụng đang hoạt động, tổ chức lại, giải thể, phá sản cơ quan giám sát cho rằng hệ thống tổ chức tín dụng hiện nay đã được thiết kế nhằm cung ứng dịch vụ ngân hàng đáp ứng nhu cầu đa dạng của nền kinh tế.

Số liệu tại báo cáo cho biết, hiện tại toàn hệ thống có 47 ngân hàng thương mại, gồm có 5 ngân hàng thương mại Nhà nước gồm cả các ngân hàng đã được cổ phần hóa nhưng nhà nước nắm cổ phần chi phối, 33 ngân hàng thương mại cổ phần, 4 ngân hàng liên doanh, 5 ngân hàng 100% vốn nước ngoài, 2 ngân hàng chính sách, 53 chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Ngoài ra còn có 28 tổ chức tín dụng phi ngân hàng, 1 ngân hàng hợp tác xã; 1.144 quỹ tín dụng nhân dân và 2 tổ chức tài chính vi mô.
 
“Trong đó, khối ngân hàng thương mại tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong toàn hệ thống tổ chức tín dụng và các ngân hàng thương mại trong nước vẫn đang có ưu thế về mạng lưới hoạt động so với các ngân hàng nước ngoài”, báo cáo đánh giá.

Kết quả giám sát cũng cho thấy trong giai đoạn 2011-2013, số lượng các tổ chức tín dụng giảm 4 ngân hàng thương mại cổ phần và 2 tổ chức tín dụng phi ngân hàng và 3 chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã được chuyển đổi hình thức từ chi nhánh phụ sang chi nhánh độc lập.

Hiện có 7 chi nhánh ngân hàng nước ngoài và 1 công ty cho thuê tài chính đang trong quá trình xử lý, thanh lý để chấm dứt hoạt động bởi một số lý do trong đó có việc một số ngân hàng chuyển sang hoạt động theo mô hình 100% vốn nước ngoài. Đó là ngân hàng ANZ chi nhánh Tp.HCM, ngân hàng HSBC chi nhánh Tp.HCM, ngân hàng Standard Chartered chi nhánh Tp.HCM, ngân hàng Shinhan chi nhánh Tp.HCM, ngân hàng Lào Việt chi nhánh Tp.HCM, ngân hàng Lào Việt chi nhánh Hà Nội, ngân hàng Credit Agricole chi nhánh Tp.HCM và công ty cho thuê tài chính ANZ V-Track.

Ngân hàng Nhà nước đã thu hồi giấy phép và kết thúc thanh lý đối với 2 chi nhánh tại Hà Nội và Tp.HCM của Ngân hàng Liên doanh Lào Việt, Ủy ban Kinh tế cho biết.