15:43 03/03/2008

Chống lạm phát đòi hỏi sự đánh đổi

Trương Minh Cương

Không nên lấy chỉ tiêu tăng GDP làm đích phấn đấu bằng được, mà phải lấy việc kéo giá xuống là ưu tiên số một

Chống lạm phát đòi hỏi sự đánh đổi. Trước hết là sự đánh đổi giữa kìm chế lạm phát với tốc độ tăng trưởng cao.
Chống lạm phát đòi hỏi sự đánh đổi. Trước hết là sự đánh đổi giữa kìm chế lạm phát với tốc độ tăng trưởng cao.
Lạm phát ở nước ta hiện đang ở mức cao. Để chống lạm phát đạt kết quả, yêu cầu trước hết là phải hành động kiên quyết trên cơ sở tư duy hệ thống và cái nhìn trầm tĩnh.

>>Kiềm chế lạm phát: Ngày nay nhớ chuyện trước đây / Lạm phát: Tiền tệ có là nguyên nhân duy nhất?

Phải xác định đúng nguyên nhân, lựa chọn đúng mục tiêu ưu tiên và xác định đúng các giải pháp nhằm bảo đảm mục tiêu đã chọn. Không chỉ Chính phủ có trách nhiệm chống lạm phát, mà doanh nghiệp và nhân dân cũng là lực lượng rất quan trọng.

Lạm phát có nguyên nhân tiền tệ. Lượng cung tiền và hạn mức tín dụng tăng, gây áp lực lớn về cầu. Nguyên nhân sâu xa là hiệu quả đầu tư kém. Tiền bỏ ra nhiều mà sản phẩm làm ra ít. Nhưng đây không phải là nguyên nhân duy nhất.

Cùng với nguyên nhân nội sinh từ nền kinh tế và sự điều hành kinh tế, không thể phủ nhận sự mất cân đối cung cầu và sự tăng giá nhiều mặt hàng trên thị trường thế giới đang tác động mạnh đến thị trường trong nước gây ra lạm phát cầu kéo và lạm phát chi phí đẩy ở nước ta.

Đây là yếu tố ngoại sinh mà chúng ta phải đương đầu. Nhiều nước trên thế giới cũng đang phải đối mặt với tình thế này. Hoa Kỳ và Trung Quốc là những nền kinh tế lớn mạnh, nhưng cũng đang phải ứng phó với lạm phát.

Chống lạm phát đòi hỏi sự đánh đổi. Trước hết là sự đánh đổi giữa kìm chế lạm phát với tốc độ tăng trưởng cao.Trong tình hình hiện nay, rất khó đạt đựơc hai yêu cầu một lúc. Nghĩa là vừa có tốc độ tăng truởng cao (chỉ tiêu mà Quốc hội thông qua là từ 8,5 đến 9%, phấn đấu cao hơn) vừa bảo đảm tốc độ tăng giá thấp hơn tốc độ tăng GDP.

Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay là chống lạm phát. Bởi, nếu không chống được lạm phát, chẳng những tác động đến đời sng nhân dân mà, trong trung và dài hạn tăng trưỏng kinh tế và việc làm cũng bị giảm; môi trường đầu tư kinh doanh cũng trở nên xấu hơn; lòng tin của ngưòi dân cũng sẽ bị giảm sút.

Vì vậy, không nên lấy chỉ tiêu tăng GDP làm đích phấn đấu bằng được, mà phải lấy việc kéo giá xuống là ưu tiên số một.

Chấp nhận giảm chỉ tiêu tăng GDP nhưng không hy sinh tiềm năng tăng trưởng của đất nước hoàn toàn không có gì mâu thuẫn. Tiềm năng tăng trưởng là thế và lực cho phát triển đang có sẵn, đặc biệt là trong điều kiện nước ta đã là thành viên WTO. Nếu có chính sách đúng sẽ chuyển thành lực lượng kinh tế, thành sản phẩm cung ứng trên thị trường và qua đó, tạo thêm việc làm và tăng nguồn cung, yếu tố quan trọng để giảm lạm phát.

Tiềm năng này nằm trong khu vực kinh tế tư nhân và đầu tư nước ngoài, là những khu vực mà hiệu quả đầu tư cao hơn khu vực nhà nước. Vì vậy, các giải pháp chống lạm phát không được làm triệt tiêu tiềm năng này.

Lạm phát, như đã trình bày trên đây, là cộng hưởng của nhiều nguyên nhân. Do đó, để chống lạm phát, phải áp dụng nhiều giải pháp. Đó là sự kết hợp đồng bộ giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá, công cụ tỷ giá đi đôi với triệt để tiết kiệm trong sản xuát và tiêu dùng.

Chính phủ cần kiên quyết tiết giảm chi tiêu công, loại bỏ các dự án đầu tư kém hiệu quả, những dự án chưa thực sự cần thiết; kiểm soát chặt chẽ đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước nhưng tạo điều kiện cho đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài.

Các doanh nghiệp phải có chương trình tăng năng suất lao động; cắt giảm giá thành sản xuất và phí lưu thông; nâng cao hiệu quđầu tư, kinh doanh. Mọi người, mọi nhà phải triệt để tiết kiệm tiêu dùng, nhất là nhiên liệu, năng lượng.

Nhiệm vụ cấp thời là tập trung sức khắc phục hậu quả của thời tiết và dịch bệnh để đẩy mạnh sản xuất đông xuân, phát triển chăn nuôi nhằm tăng nguồn cung về lương thực, thực phẩm.

Để kiềm chế lạm phát cần có thời gian. Chính phủ trong phiên họp mới đây đã nêu ra nhiều giải pháp. Mọi chính sách, giải pháp dù đúng đều có độ trễ. Vì vây, chúng ta cần bình tĩnh, tin tưởng vào các giải pháp mà Chính phủ đã và sẽ thực hiện. Sự đồng thuận và hành động theo một hướng của nhà nước, doanh nghiệp và mọi người dân là hết sức cần thiết lúc này.

Cần hết sức tránh các hoạt động đầu cơ theo kiểu “bầy đàn” dựa vào những tính toán tức thời. Điều này chẳng những dễ bị rủi ro lớn mà làm cho việc chống lạm phát trở nên phức tạp, rốt cuộc chính chúng ta lại phải chịu hậu quả.

Lạm phát hiện nay khác với lạm phát vào những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Nó có mặt phức tạp do tác động của các yếu tố ngoại sinh gắn với tiến trình toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế. Nhưng mức lạm phát hiện nay thấp hơn nhiều, tiềm lực và kinh nghiệm để xử lý lạm phát cũng nhiều hơn. Tin tưởng rằng, chúng ta sẽ kéo được lạm phát xuống.