09:51 15/12/2014

Công nghệ ngân hàng: “Tiền tươi thóc thật”

Minh Đức

Công nghệ ngân hàng là guồng quay liên tục, không ngừng nghỉ, đòi hỏi đầu tư xứng đáng và cũng cho giá trị xứng đáng

Ông Trần Nhất Minh, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Quốc tế (VIB).<br>
Ông Trần Nhất Minh, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Quốc tế (VIB).<br>
Tại Ngân hàng Quốc tế (VIB), dù khiêm tốn khi nói về vị thế của mình trong so sánh với các ngân hàng đã khẳng định thế mạnh về công nghệ tại thị trường Việt Nam, nhưng lãnh đạo chuyên trách nói rằng, họ hài lòng với thành quả đã đạt được cho nỗ lực đầu tư các dự án công nghệ những năm gần đây.

Bởi đơn giản là, những dự án đó đang hàng ngày mang lại “tiền tươi thóc thật”.

Đầu tháng 12 này, loạt ba dự án lớn của VIB đã được Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDG) đánh giá cao; cá nhân ông Trần Nhất Minh, Phó tổng giám đốc, người trực tiếp chỉ đạo xây dựng ý tưởng và triển khai các dự án được công nhận là “Lãnh đạo công nghệ thông tin xuất sắc khu vực Đông Nam Á 2014”.

Trò chuyện với VnEconomy, ông Minh nói:

- VIB được đề cử giải thưởng của IDG với ba dự án: hệ thống quản trị chi phí (EMS), phê duyệt tín dụng tập trung (LOS), và xây dựng trung tâm dữ liệu và trung tâm phục hồi thảm họa (DCDR).

Vì sao giải thưởng lại chú trọng vào các dự án hạ tầng? Vì đó là công nghệ nền tảng. Cũng như xây một ngôi nhà, công nghệ là nền móng ẩn sau giá trị các dịch vụ mặt tiền như ATM, Mobile Banking, Internet Banking... mà khách hàng tiếp xúc. Hơn nữa, hạ tầng công nghệ là một trong những yếu tố có tính chất quyết định đối với việc tăng hiệu quả hoạt động của ngân hàng.

Nhanh, nhưng phải kiểm soát tốt

Xin cụ thể hơn, thưa ông...

Trước hết là dự án hệ thống quản trị chi phí.

Điểm vượt trội của nó là cho phép VIB quản lý và giám sát xuyên suốt ngân sách của ngân hàng. Từ lúc hình thành, phân bổ cho tất cả 160 đơn vị kinh doanh trải dài trên toàn quốc chi tiết đến từng tháng, cho đến khi sử dụng cho từng hạng mục chi phí với tất cả các công đoạn bao gồm lập tờ trình, duyệt tờ trình, đề nghị mua sắm, đấu thầu, chọn đối tác, duyệt giá, duyệt hợp đồng, ký hợp đồng, tạm ứng, nhận hàng hóa/dịch vụ, nghiệm thu, thanh lý hợp đồng, thanh toán.... Và sau cùng là quản lý tài sản hình thành từ ngân sách ban đầu.

Cả chuỗi quản trị này được tích hợp với hệ thống ngân hàng lõi (core banking), hệ thống này lại kết hợp với hệ thống chuyên về kế toán và kiểm soát chi phí.

Hiện nay, VIB là một trong số ít các ngân hàng triển khai ứng dụng quản trị ngân sách và chi phí hiệu quả theo cách này.

Hiệu quả của nó như thế nào, có thể lượng hóa được không?

Chúng tôi đã ứng dụng trong gần hai năm qua và hoàn toàn có thể lượng hóa được hiệu quả của dự án.

Cụ thể, đây là một trong những cấu phần quan trọng giúp VIB giảm được 14% chi phí vận hành năm 2013 (tương đương giảm 255 tỷ đồng) so với năm 2012; nếu tính riêng dự án EMS thì con số tiết kiệm được lên đến hàng chục tỷ đồng mỗi năm với chỉ một lần đầu tư ban đầu. Mức tiết kiệm chi phí vận hành do EMS mang lại sẽ tương đương cho năm 2014 và duy trì trong nhiều năm tiếp theo.

Đó là tiền tươi thóc thật.

Bên cạnh đó, EMS cũng giúp đẩy nhanh tiến độ công việc, qua đó gia tăng năng suất làm việc và chất lượng dịch vụ, phục vụ khách hàng.

Hoặc dự án DCDR nói trên, chúng tôi đảm bảo trung tâm dữ liệu hoạt động xuyên suốt đồng thời giảm gần 80% lượng điện tiêu thụ, công suất tính toán tăng gấp 3 lần và độ an toàn dữ liệu đạt tiêu chuẩn quốc tế. VIB hiện là một trong số rất ít ngân hàng triển khai DCDR.

Với dự án phê duyệt tín dụng tập trung thì sao?

Dự án này nhiều ngân hàng cũng đã triển khai và sẽ là xu hướng, thậm chí là yêu cầu, trong môi trường rủi ro gia tăng.

Trong ngành ngân hàng hiện có hai trường phái: trường phái phê duyệt tín dụng phân tán và trường phái phê duyệt tín dụng tập trung. Ở trường phái thứ nhất, trưởng các chi nhánh có quyền phê duyệt tín dụng còn trường phái thứ hai thì quyền phê duyệt tín dụng được chuyển sang cho bộ phận quản trị rủi ro (chi nhánh chỉ chuyên về kinh doanh).

Dự án LOS của VIB đã được triển khai trong một năm rưỡi, đến nay nền móng để thống nhất toàn bộ quy trình trên toàn quốc đã hoàn tất, đặt nền tảng công nghệ tốt hơn cho công tác quản trị rủi ro và góp phần nhất định giúp VIB phát triển tự tin hơn.

Thế nhưng, có vì phải phê duyệt tập trung mà tốc độ chậm đi không, thưa ông?

Thời gian đầu triển khai, có thể chậm, nhưng về sau thì chắc chắn hệ thống này sẽ  giúp tín dụng tăng trưởng tốt và chất lượng hơn.

Chẳng hạn ngân hàng cho vay 100 đồng lãi khoảng 5 đồng, chỉ cần 1 khoản trở thành nợ xấu thì phải có thêm 20 khoản khác không phát sinh nợ xấu mới bù lại được. Như vậy, nhanh mà không kiểm soát tốt được rủi ro, thì cũng không đảm bảo chất lượng của tăng trưởng tín dụng.

Tại VIB, chúng tôi  kỳ vọng đến hết năm 2015, khi hoàn tất việc triển khai dự án LOS thì nợ xấu trong tương lai sẽ kiểm soát được dưới mức 1%. Khi đưa được nợ xấu về mức này thì ngân hàng chỉ phải tập trung vào phát triển.

Như ông đưa ra, ứng dụng công nghệ cho hiệu quả “tiền tươi thóc thật”. Nhưng áp lực chi phí đầu tư cũng cần tính đến…

Đối với ngành ngân hàng, đầu tư cho công nghệ mang tính chất sống còn. Một mặt đây là hạng mục đầu tư bắt buộc, mặt khác, việc đầu tư này lại giúp tiết kiệm rất nhiều. Ngược lại, nếu không đầu tư thì ngân hàng có thể mất mát rất nhiều khi xảy ra sự cố.

Gartner, một hãng nghiên cứu hàng đầu thế giới về công nghệ đã chỉ ra rằng các ngân hàng tiên tiến chi mỗi năm trung bình 6,6% trên doanh thu cho công nghệ.

Thực ra, chưa có số liệu thống kê chính thức về mức chi phí này ở các ngân hàng Việt Nam, mà có lẽ nó ở khoảng 3% - 5%. Tại VIB, con số này là 7% năm 2014 và năm 2015 sẽ là 8%.

Thích ứng mới làm nên lợi thế


Một khách hàng bình thường cũng có thể cảm nhận là hệ thống sản phẩm, dịch vụ qua ứng dụng công nghệ của các ngân hàng Việt Nam hiện nay là hao hao giống nhau, hàm lượng công nghệ và giá trị đầu tư trong đó khó xác định...

Quả thật, ngày hôm nay khách hàng chưa thấy sự khác biệt rõ rệt giữa sản phẩm của các ngân hàng khác nhau. Mặt khác, nhiều khách hàng tại Việt Nam hôm nay quan tâm nhiều đến mức giá hơn là chất lượng dịch vụ hay uy tín, danh tiếng của ngân hàng.

Nên một lượng lớn khách hàng sẵn sàng chuyển sang ngân hàng có uy tín thấp hơn chỉ vì giá cả tốt hơn.

Trong thời gian tới, thị trường ngân hàng sẽ bước sang giai đoạn trưởng thành cao hơn, điều đó dẫn đến thói quen tiêu dùng của khách hàng cũng sẽ thay đổi. Tôi nghĩ rằng, trong thời gian tới chúng ta sẽ thấy các ngân hàng tung ra những sản phẩm khác biệt và có hàm lượng công nghệ cao hơn.

Tuy nhiên, thế giới ngày hôm nay là thế giới mở, nên nếu các sản phẩm dịch vụ nào đó thực sự ưu việt thì sẽ được các ngân hàng khác học theo ngay sau đó. Vì vậy, rất khó duy trì lâu sự khác biệt, hoặc nếu có cũng không đủ lớn để đảm bảo cạnh tranh.

Nên cuối cùng, sự khác nhau là ở chỗ các ngân hàng có duy trì đội ngũ nhân sự tiếp nhận và thích ứng nhanh với công nghệ mới để thay đổi kịp với thời đại không. Ngân hàng nào làm được điều đó sẽ có lợi thế.

Chẳng hạn vừa rồi VIB là ngân hàng đầu tiên hoàn tiền tối đa 5% mà không giới hạn giá trị hoàn cho tất cả các giao dịch với thẻ thanh toán toàn cầu IDC. Nhờ đó, sản phẩm thẻ này đã được sự hưởng ứng từ thị trường và phát triển tốt. Trước đó, chúng tôi cũng là ngân hàng Việt Nam đầu tiên triển khai tính năng tư vấn trực tuyến và mô hình chi nhánh ảo trên Facebook. Hiện tại VIB là một trong những ngân hàng Việt Nam được yêu thích nhất trên mạng xã hội này.

Tầm nhìn của VIB là trở thành ngân hàng sáng tạo và hướng tới khách hàng nhất Việt Nam, với mục đích cuối cùng là cho khách hàng một trải nghiệm tốt nhất, thông qua những giải pháp sáng tạo. Vì vậy, khi đã định hướng đi theo công nghệ thì chúng tôi luôn phải sáng tạo và luôn tìm giải pháp công nghệ hợp lý.

Dĩ nhiên, công nghệ đòi hỏi đầu tư lớn, không phải ngân hàng nào cũng dám mạnh tay. Việc đầu tư cũng phải gắn với tầm nhìn chiến lược dài hạn.

Còn về xu hướng công nghệ ngân hàng, theo ông sẽ như thế nào?

Xu hướng của ngành ngân hàng trong tương lai sẽ là ngân hàng số (digital banking).

Trong xu hướng đó, công nghệ là vấn đề mở. Ngân hàng nào có thực lực tài chính, có quyết tâm, tầm nhìn và năng lực đi theo công nghệ thì sẽ làm được.

Theo một thống kê gần đây của McKinsey, tại châu Âu, tới cuối năm 2015 sẽ chỉ có 5% giao dịch thực hiện tại quầy ở chi nhánh, trong khi có đến 34% giao dịch thực hiện qua điện thoại di động, 34% qua Internet, 25% qua ATM, 2% qua các kênh khác.

Công nghệ ngân hàng ở Việt Nam đang chậm hơn và văn hoá tiêu dùng cũng khác với thế giới, chủ yếu giao dịch qua quầy ở các chi nhánh và sẽ còn rất nhiều việc để làm. Tuy nhiên, điều đó cũng có nghĩa là chúng ta còn nhiều cơ hội để phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng với hàm lượng công nghệ cao, vượt trội và cạnh tranh.