16:00 12/05/2012

Cuối tuần, vàng đứng giá, USD tự do tăng đột biến

An Huy

Giá vàng miếng trong nước hạ hơn 800.000 đồng/lượng trong tuần này, trong khi giá USD tự do cuối tuần vọt lên 20.920 đồng

Diễn biến giá vàng SJC trong 7 phiên gần nhất, tính đến 10h hôm nay, 12/5/2012 (đơn vị: nghìn đồng/lượng) - Ảnh: SJC.
Diễn biến giá vàng SJC trong 7 phiên gần nhất, tính đến 10h hôm nay, 12/5/2012 (đơn vị: nghìn đồng/lượng) - Ảnh: SJC.
Giá vàng miếng trong nước hạ hơn 800.000 đồng/lượng trong tuần này do chịu sức ép giảm mạnh từ giá vàng quốc tế, nhưng đang cao hơn giá vàng thế giới tới gần 2 triệu đồng/lượng. Giá USD tự do bất ngờ tăng vọt lên 20.920 đồng khi khoảng cách giá vàng trong nước - thế giới bị nới rộng.

Lúc hơn 10h trưa nay (12/5), Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng SJC cho thị trường Tp.HCM ở mức 41,59 triệu đồng/lượng (mua vào) và 41,74 triệu đồng/lượng (bán ra). Tại Hà Nội cùng thời điểm, vàng SJC được Công ty Phú Quý giao dịch ở mức 41,65 triệu đồng/lượng và 41,75 triệu đồng/lượng, tương ứng giá mua và giá bán.

So với cuối giờ chiều qua, giá vàng SJC hiện tại hầu như không có biến động. Suốt từ chiều ngày 10/5 trở lại đây, vàng trong nước chững lại ở vùng 41,7-41,8 triệu đồng/lượng bất chấp xu hướng của vàng quốc tế vẫn là xuống giá.

So với cuối tuần trước, giá vàng hiện đã giảm hơn 800.000 đồng/lượng, nâng tổng mức giảm của 2 tuần đầu tháng 5 lên 1,2 triệu đồng/lượng. Trong tuần này, đã có lúc giá vàng chạm đáy của 9 tháng khi chỉ còn 41,2 triệu đồng/lượng.

Chỉ trong vòng nửa tháng qua, giá vàng trong nước đã để mất 2 mốc giá quan trọng là 43 và 42 triệu đồng/lượng. Mốc 41 triệu đồng/lượng thậm chí đã “biến mất” nếu giá vàng trong nước giảm cùng biên độ với giá vàng thế giới.

Lực mua vàng đã khởi sắc trong tuần này khi giá vàng liên tục điều chỉnh giảm. Tại các tiệm kim hoàn lớn tại Hà Nội, khoảng 70-90% khách tới giao dịch mấy ngày trở lại đây là khách mua. Tuy nhiên, thị trường chưa thể lập lại những kỷ lục về khối lượng giao dịch như trong các đợt sốt vàng từng diễn ra mấy năm trước.

Giá vàng thế giới quy đổi theo giá USD tự do và chưa tính các chi phí hiện chỉ tương đương khoảng 39,85 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC bán lẻ trong nước 1,9 triệu đồng/lượng.

Mới hồi đầu tuần, giá vàng trong nước chỉ cao hơn thế giới 1 triệu đồng/lượng. Cùng với sự kéo giãn của khoảng chênh giá vàng trong nước - thế giới, giá USD tự do đang “bốc” lên sau một thời gian ổn định và trầm lắng.

Chiều qua, giá USD tự do tại Hà Nội đã được nâng lên mức 20.860 đồng (mua vào) và 20.880 đồng (bán ra), tăng 20 đồng/USD so với buổi sáng. Đến sáng nay, giá USD tự do tiếp tục tăng thêm 40 đồng, lên 20.900 đồng (mua vào) và 20.920 đồng (bán ra), cao hơn 70 đồng mỗi USD so với cuối tuần trước.

Một số nhà kinh doanh vàng cho biết, không thể loại trừ khả năng vàng bị nhập lậu vào Việt Nam ở thời điểm giá vàng trong nước cao hơn thế giới nhiều như hiện nay. “Việc gom USD nhập lậu vàng có thể đang xảy ra, đẩy giá USD tự do lên cao”, một nhà kinh doanh vàng nhận định.

Tại các ngân hàng thương mại, giá USD vẫn đang ổn định. Eximbank sáng nay báo giá USD ở mức 20.810 đồng (mua vào) và 20.870 đồng (bán ra).

Giá vàng quốc tế sụt khá mạnh trở lại vào đêm qua, sau phiên phục hồi yếu trước đó. Lúc đóng cửa, giá vàng giao ngay giảm 13 USD/oz, tương đương giảm 0,8%, còn 1.581,4 USD/oz.

Tính chung cả tuần này, giá vàng giảm 3,8%, đánh dấu tuần sụt mạnh nhất kể từ đầu năm.

Trong tuần, áp lực giảm giá đè nặng lên vàng khi bất ổn chính trị và nợ công ở châu Âu, đặc biệt là Hy Lạp và Pháp, kéo đồng Euro mất giá. Theo quy luật thường thấy, giá vàng diễn biến cùng chiều với tỷ giá Euro và ngược chiều với tỷ giá USD.

Ở thời điểm hiện tại, vàng không phát huy được vai trò “vịnh tránh bão” và đang có diễn biến giá giống như một loại tài sản rủi ro như chứng khoán và các hàng hóa cơ bản khác. Thay vào đó, những tài sản đang được giới đầu tư quốc tế coi là “hầm trú ẩn” lại là trái phiếu kho bạc Mỹ và Đức cùng đồng USD.

Chưa kể, vàng còn bị giới đầu tư bán ra để có tiền bù lỗ cho các danh mục khác. Trong khi đó, nhu cầu vàng vật chất ở Ấn Độ vẫn đang ở mức thấp, không đủ sức tạo ra một lực cản đối trọng với sự xuống giá của vàng.

“Mọi người đều đang hướng về châu Âu để tìm hiểu xem điều gì sẽ xảy ra ở đó. Bởi thế, giới đầu tư sẽ không quan tâm nhiều đến bất kỳ một loại tài sản nào”, ông Anthony Neglia, Chủ tịch hãng Tower Trading, phát biểu trên Reuters. Thậm chí, đã có một số ý kiến dự báo cho rằng, giá vàng chỉ tìm được một ngưỡng hỗ trợ vững khi rớt về vùng 1.500 USD/oz.

Quỹ tín thác đầu tư vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust tuần này mua ròng 3 tấn vàng, nâng khối lượng nắm giữ lên mức 1.277,1 tấn. Trước đó, SPDR Gold đã có vài tuần bán ròng vàng liên tiếp.

Theo Reuters, trong tuần kết thúc vào ngày 8/5 các nhà quản lý quỹ tại Mỹ đã cắt giảm 20% số hợp đồng đầu cơ vàng giá lên, từ mức 92,498 hợp đồng xuống còn 68.934 hợp đồng.

Tỷ giá Euro/USD chốt tuần này ở mức hơn 1,29 USD/Euro, thấp nhất trong khoảng 4 tháng trở lại đây, từ mức 1,31 USD/Euro vào cuối tuần trước và mức 1,33 USD/Euro vào đầu tháng này.

Giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 6 tại New York chốt tuần ở mức 96,13 USD/thùng, đánh dấu mức giảm 2,4% trong tuần này. Trong 2 tuần qua, dầu thô ngọt nhẹ đã rẻ đi 8,4%.