13:08 31/05/2009

Đại biểu Quốc hội và những nỗi lo liên quan đến… tiền

Nguyễn Lê

Kích cầu chưa rõ ràng, miễn thuế thiếu thuyết phục, dự đoán quá lạc quan... là những nỗi lo của đại biểu Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết: Phương án miễn thuế thu nhập cá nhân chưa hợp lý - Ảnh: TTXVN.
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết: Phương án miễn thuế thu nhập cá nhân chưa hợp lý - Ảnh: TTXVN.
Là những người thay mặt nhân dân đưa ra các quyết định quan trọng về chuyện tiêu tiền, trong hoàn cảnh kinh tế suy giảm, ngân sách Nhà nước tăng chi giảm thu, nỗi lo của các vị đại biểu Quốc hội dường như cũng nhiều hơn, lớn hơn.

Điều này thể hiện khá rõ qua tuần làm việc vừa qua với hai ngày thảo luận về tình hình - kinh tế xã hội và ngân sách Nhà nước. Từ cách thức điều hành đến tăng trưởng GDP, kích cầu, miễn thuế…. đều khiến các vị đại biểu đặt câu hỏi với nhiều quan ngại.

Đại biểu Trần Du Lịch (Tp.HCM): Kinh tế tăng trưởng dưới tiềm năng

“Dù kinh tế Việt Nam giữ tốc độ tăng trưởng dương đó là thành tựu rất lớn. Nhưng kinh tế chúng ta tăng trưởng dưới tiềm năng tăng trưởng rất lớn nếu xét về các chỉ tiêu, về chỉ số đầu tư, về sử dụng lao động, sử dụng năng lượng, sử dụng tài nguyên. Do đó có thể nói rằng tình trạng chúng ta còn trì trệ kéo dài nếu như tốc độ tăng trưởng ở mức 4 - 5%. Ở đây chúng tôi muốn nói rằng nếu kéo dài tình trạng này sẽ phát sinh nhiều vấn đề khó khăn, ít nhất là phát sinh các vấn đề xã hội và trở ngại rất lớn cho vấn đề mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế”.

Đại biểu Thào Hồng Sơn (Hà Giang): Không hiểu con số nào là thực chất?

“Công tác đánh giá và dự báo phân tích số liệu đến thời điểm trình Quốc hội vẫn còn chênh lệch, thiếu nhất quán đề nghị Chính phủ cần làm rõ phân tích thêm.

Báo cáo bổ sung năm 2008 của Chính phủ, tốc độ tăng trưởng GDP là 6,2%, còn báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội chỉ đạt 6,18%.

Kết quả giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản mấy tháng đầu năm 2009, theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội ước là 19%, trái phiếu Chính phủ đạt khoảng 8%. Trong khi đó theo báo cáo của Chính phủ, giải ngân vốn Nhà nước đạt 30%, trái phiếu Chính phủ đạt trên 46%, không hiểu con số nào là con số thực chất để làm cơ sở cho đại biểu Quốc hội bấm nút?”.

Đại biểu Trần Văn Thức (Bà Rịa - Vũng Tàu): Giám sát lỏng, hiểm họa tăng

“Để ngăn chặn suy giảm kinh tế Chính phủ sẽ phải chi ra khoảng 200.000 tỷ đồng, trong đó 112.500 tỷ từ nguồn vốn ngân sách, 64.000 tỷ từ trái phiếu Chính phủ, khoảng 37.000 tỷ tổng năm trước. Đây là lượng tiền rất lớn đòi hỏi Chính phủ cần đầu tư đúng, đầu tư trúng, kịp thời và đặc biệt giám sát chặt chẽ thì hiệu quả sẽ cao, nếu không hiểm họa sẽ khôn lường”.

Đại biểu Võ Tuấn Nhân (Quảng Ngãi): Chưa lường hết khó khăn

“Với đề xuất của Chính phủ bội chi 8% để 3 - 4 năm sau có thể thực hiện bội chi trung bình là 5%. Tôi cho rằng đây là dự báo quá lạc quan, chưa lường hết những khó khăn suy giảm kinh tế thế giới để đến lúc nào phục hồi và những khó khăn phức tạp đó sẽ tác động đến nước ta không phải chỉ trong năm 2009. Như vậy nếu chấp nhận bội chi 8% thì chấp nhận dư nợ của Chính phủ sẽ tăng cao không thể giảm ngay. Vì vậy, an toàn tài chính quốc gia khó có thể được bảo đảm”.

Đại biểu Nguyễn Thế Thảo (Hà Nội): Kích cầu có thể chệch mục đích


“Ở các nước điều kiện để nhận được vốn kích cầu rất khắt khe và đồng thời được công bố công khai tạo điều kiện cho việc giám sát thực thi của Nhà nước và công luận. Ở nước ta vấn đề này tuy đã được Chính phủ quan tâm nhưng chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu kể cả hai vế: một là tính chặt chẽ, nghiêm khắc của các điều kiện; hai là mức độ công khai về thông tin.

Vì thế khả năng kích cầu có thể chệch mục đích, bị lạm dụng, lợi dụng, móc ngoặc để hưởng lợi ở các chủ thể cung cấp và thụ hưởng vốn kích cầu này rất lớn. Những sai phạm trong việc thực hiện gói kích cầu hỗ trợ người nghèo ăn Tết vừa qua cũng là một sự cảnh báo nghiêm khắc về tình trạng lợi dụng chủ trương đúng đắn để xảy ra tiêu cực. Nguyên nhân chính là các chuẩn về thực thi không rõ, tính công khai minh bạch chưa được tôn trọng.”

Đại biểu Danh Út (Kiên Giang): Mất cơ hội thu bạc tỷ từ xuất khẩu gạo

“Việc điều hành xuất khẩu gạo vừa qua của Hiệp hội lương thực Việt Nam bộc lộ nhiều tồn tại và yếu kém, được giá thì cấm xuất khẩu vào tháng 2 năm 2009, mất giá là cho xuất khẩu vào tháng 5 năm 2009. Cách điều hành này lại một lần nữa khiến doanh nghiệp và nông dân lỡ mất cơ hội thu bạc tỷ từ xuất khẩu gạo.

Mối quan hệ hiệp hội với chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh không rõ trách nhiệm, tỉnh lo tìm thị trường xuất khẩu gạo nhưng lại không được xuất khẩu, do địa phương không có quyền quyết định trong điều hành xuất khẩu gạo.

Ở Kiên Giang hàng năm sản lượng lương thực khoảng 3,4 triệu tấn lúa tương đương 1,2 triệu tấn gạo, nhưng chỉ được hiệp hội cho phép xuất khẩu khoảng 600.000 tấn. Vậy còn khoảng 600.000 tấn nữa thì Kiên Giang đem đi đâu, xin đề nghị Hiệp hội Lương thực Việt Nam trả lời cho nông dân Kiên Giang được biết”

Đại biểu Đặng Như Lợi (Cà Mau): Vì sao lại âm?

“Tình hình sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm 2009 của khu vực ngoài quốc doanh thì vẫn tăng 6,1%; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 3,3%; còn doanh nghiệp Nhà nước lại âm là 0,9%. Báo cáo bằng lời của Chính phủ không đề cập đến vấn đề này, tôi không hiểu vì sao?

Tại sao một khu vực giữ vai trò chủ đạo, nòng cốt, trụ cột của nền kinh tế với lợi thế về vốn, đầu tư về đất đai, địa điểm kinh doanh, ngành hàng thương hiệu được gắn sẵn, được Nhà nước hỗ trợ về chính sách lao động mà lại như vậy. Điều đó tôi không hiểu, phải chăng bởi phương thức quản lý, chế độ kiểm soát về kế toán, tài chính khu vực này chưa thay đổi và chưa chặt chẽ, nên hiệu quả kinh tế còn thấp, không phản ứng kịp khi suy giảm kinh tế xảy ra”.

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn): Phương án miễn thuế chưa thuyết phục

“Về việc miễn giảm thuế thu nhập cá nhân cho các đối tượng trong 6 tháng đầu năm 2009 và năm 2010, tôi thấy tờ trình trình bày không có sức thuyết phục. Tôi đồng ý là không thể nào cào bằng trong chuyện miễn thuế thu nhập cá nhân, chính trong những lúc đất nước khó khăn như thế này thì những người có thu nhập khá, những người có thu nhập cao cần phải đóng góp và cần thấy vinh dự được đóng góp cho đất nước trong thời kỳ khó khăn như thế này.

Cho nên chúng tôi thấy nếu chúng ta dự kiến miễn thuế cho các nhà đầu tư vốn, chuyển nhượng vốn...cho đến tận năm 2010 trong khi đó lại đánh thuế thu nhập cá nhân của người làm công ăn lương, tôi thấy là không hợp lý”.

Đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh): đóng 200 nghìn thì ý nghĩa gì đâu

“Chính phủ đang đề xuất là sẽ giảm thuế thu nhập cá nhân trong 6 tháng cuối năm cũng như sang năm tới cho một số đối tượng. Theo tôi việc này cũng không cần thiết vì lý do đơn giản rằng trong thời buổi suy thoái kinh tế này được đóng thuế thu nhập này thì đã là một hạnh phúc rồi.

Nhiều người không được đóng, bản thân tôi gom góp hết lại cũng không đủ mức để đóng như vậy. Tại vì sau khi trừ gia cảnh thì phải khoảng 10 triệu trở lên mới đóng, mà người có thu nhập từ 10 triệu trở lên mà họ đóng 200 nghìn thì ý nghĩa gì đâu.

Nhưng cho người nghèo 200 nghìn thì rất sung sướng và họ lấy số tiền đó họ lại mua những lương thực, thực phẩm thiết yếu rồi lại kích cầu cho địa phương, nơi những người nông dân xung quanh họ trồng ra cây này, con kia. Như vậy tác dụng kích cầu của Chính phủ có ý nghĩa nhân văn hơn và đồng thời nó cũng giải quyết được vấn đề tam nông phần nào”.

Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương): Để thuyền cập bến bình yên

“Các chuyên gia đều đề nghị chúng ta nên tận dụng những cơ hội mà chính sự suy thoái kinh tế bày ra để xem xét điều chỉnh lại cơ cấu kinh tế, tôi nghĩ rất đúng, cần làm. Nhưng tôi đề nghị chúng ta nên bắt đầu xem xét bằng việc xem xét điều chỉnh bộ máy và cơ chế quản lý của chúng ta.

Thời gian qua trong cơn bão suy thoái kinh tế người cầm lái con thuyền của chúng ta hẳn đã thấy rõ tay chèo nào, tài năng hay yếu kém, cột chèo nào vững chắc hay lung lay, những thứ gì thuyền cần trang bị thêm, những thứ gì cần dứt khoát vứt xuống biển cho nhẹ thuyền để dự báo.

Và ai trong chúng ta cũng biết biển không chỉ có một cơn bão, nhưng thuyền của chúng ta phải cập bến an toàn”.