08:21 15/01/2010

Doanh nghiệp phải vay lãi suất tới 19%/năm?

Minh Đức

Nhiều bạn đọc phản ánh tình trạng doanh nghiệp phải vay vốn với lãi suất “gián tiếp” tới 19%/năm

Ngày 10/6/2008 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành văn bản số 5158/NHNN-CSTT, yêu cầu các tổ chức tín dụng không được thu phí liên quan đến hoạt động cho vay - Ảnh: Quang Liên.
Ngày 10/6/2008 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành văn bản số 5158/NHNN-CSTT, yêu cầu các tổ chức tín dụng không được thu phí liên quan đến hoạt động cho vay - Ảnh: Quang Liên.
Nhiều bạn đọc gửi thư về VnEconomy những ngày gần đây phản ánh tình trạng doanh nghiệp phải vay vốn với lãi suất “gián tiếp” tới 19%/năm.

Theo quy định hiện hành, lãi suất cho vay bằng VND đối với sản xuất kinh doanh không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản. Lãi suất cơ bản hiện áp dụng ở 8%/năm, theo đó mức cho vay tối đa là 12%/năm.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều phản ánh cho biết mức lãi suất vay vốn có trường hợp lên tới 19%/năm, do phải chịu thêm một số khoản phí.

Sao chỉ Hà Nội và Tp.HCM?

Ngày 8/1, Ngân hàng Nhà nước có công văn số 206/NHNN-CSTT đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.Hà Nội và Tp.HCM thực hiện việc kiểm tra, giám sát và thanh tra, xử lý theo thẩm quyền đối với các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện không đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước về thu phí liên quan đến hoạt động cho vay.

Thông báo của cơ quan này cho biết: Để đảm bảo hài hoà lợi ích giữa tổ chức tín dụng và khách hàng vay và thực hiện nghiêm túc cơ chế điều hành lãi suất cơ bản theo Quyết định số 16/2008/QĐ-NHNN ngày 16/5/2008, ngày 10/6/2008 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành văn bản số 5158/NHNN-CSTT, yêu cầu các tổ chức tín dụng không được thu phí liên quan đến hoạt động cho vay.

Cùng với quy định trên, Thống đốc cũng đã giao nhiệm vụ cho Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố theo dõi, kiểm tra và giám sát việc chấp hành quy định của các tổ chức tín dụng trên địa bàn; xử lý và báo cáo kịp thời Ngân hàng Nhà nước về các trường hợp vi phạm.

Thế nhưng, qua theo dõi thị trường tín dụng hiện nay, Ngân hàng Nhà nước thừa nhận một số tổ chức tín dụng có thu phí liên quan đến hoạt động cho vay đối với khách hàng là chưa phù hợp với quy định của Thống đốc. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.Hà Nội và Tp.HCM vào cuộc kiểm tra.

Ngay sau thông tin trên được phát đi, nhiều bạn đọc gửi phản hồi về VnEconomy với câu hỏi chung: Tại sao chỉ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.Hà Nội và Tp.HCM vào cuộc? Phải chăng việc thu phí cho vay tại những địa bàn khác là không xẩy ra, hoặc có xẩy ra nhưng đúng quy định?

Để trả lời câu hỏi trên, bạn đọc Quang Khải (quangkhaia@...) cho rằng có thể xác minh tại địa bàn Đà Nẵng. Bạn Lê Thanh Tùng (lexuantung@...) cũng cho rằng “các ngân hàng địa phương như ở địa bàn Hải Dương chúng tôi thì hiện tượng thu phí là rất phổ biến; nơi thấp nhất là 2%/tổng số vốn vay, cao nhất là 5%/tổng vốn vay, nếu không chi khoản phí này thì không được vay”…

Lãi suất lên đến 19%/năm?

Trong thư gửi về VnEconomy, bạn đọc Lê Hồng Lương đề nghị các khách hàng vay vốn phải chịu phí cùng lên tiếng, bên cạnh thông tin phản ánh về một “luật” riêng có tại một số ngân hàng.

Ví dụ mà bạn đọc Lê Hồng Lương đưa ra là ngân hàng ép khách hàng chịu một số loại phí vô lý như: Phí quản lý hạn mức 1,2% năm x số hạn mức; phí quản lý tài sản trước 31/12/2009 thu 3,2% năm, từ ngày 1/1/2010 đến nay thu 7,2% năm (phí này bắt buộc phải ký hợp đồng với khách hàng trước khi giải ngân). Theo đó, lãi suất vay vốn lên tới 19,2%/năm.

“Tôi xin nói rõ phí này là tài sản nhà đất đã được công chứng nhà nước và sở tài nguyên môi trường giữ hộ rồi (người vay đã phải trả phí)”, bạn Lê Hồng Lương nhấn mạnh thêm nhưng không nêu rõ trường hợp vay vốn là doanh nghiệp để sản xuất kinh doanh, hay cá nhân để tiêu dùng.

Còn theo phản ánh của bạn Bùi Phú Hợp (buihopvietlinks@...), khi làm hồ sơ vay vốn cho công ty thì được biết ngoài lãi vay là 12%/năm thanh toán theo tháng, doanh nghiệp phải chịu thêm 7%/năm gọi là phí đảm bảo tài sản và thanh toán theo quý. Tổng lãi vay theo đó là 19%. “Ngân hàng thu phí 7% như vậy có đúng với quy định của Nhà nước không anh chị?”, bạn Hợp đặt câu hỏi.

Một trường hợp khác cho biết trong lần giải ngân mới đây, ngân hàng bất ngờ yêu cầu nộp phí quản lý tài sản đến 3,5%/năm. “Trong nội dung hợp đồng lại ghi là người vay tự nguyện yêu cầu quản lý tài sản thế chấp. Như thế ngân hàng đã ép buộc trắng trợn khách hàng, vì nếu không ký hợp đồng và nộp phí thì không giải ngân. Vì cần tiền để kinh doanh nên tôi đành phải nộp... Rất mong Ngân hàng Nhà nước điều tra và có sự chỉ đạo, xử lý những việc làm sai của các ngân hàng thương mại và có thông tin rộng rãi những văn bản qui định, và địa chỉ các cơ quan chức năng để các doanh nghiệp chúng tôi phản ánh các việc làm sai trái đó”, bạn đọc Anh Tuấn (tuanhtlienson@...) viết.

Một bạn đọc ở Cần Thơ cho biết hiện đang có khoản vay xây dựng khách sạn và chỉ mới nhận giải ngân một nửa số tiền mà ngân hàng đã duyệt. Nhưng từ 1/12/2009, khi yêu cầu giải ngân số còn lại thì bị yêu cầu phải ký một hợp đồng với đơn vị thứ 3 về việc quản lý tài sản với mức phí là 6%/năm.

Ở trường hợp trên, bạn đọc Nguyễn Phạm Anh Hải lại đặt ra câu hỏi: “Các ngân hàng ở Cần Thơ có thuộc diện bị thanh tra? Tôi phải làm thế nào để có thể tiếp tục được giải ngân? Trước thời điểm 1/12/2009, lãi suất mà ngân hàng áp dụng cho tôi là 10,5%/năm. Nay với mức lãi suất mới cộng thêm phí quản lý tài sản thì lãi suất cho khoản giải ngân mới là 18%/năm. Hiện doanh nghiệp chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn với các chủ nợ”.

Nhiều phản ánh của bạn đọc đều nêu đích danh ngân hàng mình vay vốn và phải chịu phí. Tuy nhiên, trả lời VnEconomy, những ngân hàng này đều phủ nhận việc thu phí và làm sai quy định hiện hành. Hiện dư luận đang chờ đợi kết quả kiểm tra cụ thể của Ngân hàng Nhà nước sau 1 tuần vào cuộc.