17:02 16/02/2017

Giá vàng “dùng dằng”, USD tự do và ngân hàng cùng tăng

Diệp Vũ

Tại các ngân hàng thương mại, giá USD niêm yết đã lên mức 22.800 đồng ở chiều bán ra, chỉ còn kém giá USD tự do 30 đồng

Diễn biến giá vàng SJC tại DOJI - Nguồn: DOJI.<br>
Diễn biến giá vàng SJC tại DOJI - Nguồn: DOJI.<br>
Tái lập mốc 37 triệu đồng/lượng vào buổi sáng nhờ giá vàng thế giới tăng, nhưng giá vàng miếng trong nước đến chiều nay (16/2) có nơi lại giảm dưới mốc này. Giá USD tự do tiếp tục tăng nhẹ, trong khi giá USD ngân hàng đã lên mốc 22.800 đồng ở chiều bán ra.

Lúc hơn 15h chiều nay, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 36,86 triệu đồng/lượng (mua vào) và 36,98 triệu đồng/lượng (bán ra). So với đầu giờ sáng, giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này hiện tăng 40.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 60.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.

Tại thị trường Tp.HCM cùng thời điểm trên, Công ty PNJ báo giá vàng miếng SJC ở mức 36,75 triệu đồng/lượng và 37,05 triệu đồng/lượng, tương ứng giá mua và bán.

Sáng nay, giá vàng SJC bán ra tại Hà Nội có lúc lên gần 37,1 triệu đồng/lượng, cao nhất kể từ cuối tuần trước. Tuy nhiên, giá vàng đã quay đầu giảm sau đó, xuống dưới 37 triệu đồng/lượng trên bảng niêm yết của nhiều doanh nghiệp vàng lớn.

Hơn 1 tuần nay, giá vàng miếng bán ra chỉ “loanh quanh” ở vùng 37 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới chững, cộng thêm nhu cầu vàng trong nước khá ảm đạm, được xem là nguyên nhân khiến giá vàng miếng khó bứt phá.

Ngoài ra, giá USD tự do tương đối ổn định thời gian gần đây cũng có thể là nguyên nhân khiến giá vàng rơi vào trạng thái “dùng dằng”.

Lúc hơn 15h chiều nay theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á đứng ở 1.236,1 USD/oz, tăng 1,9 USD/oz so với đóng cửa phiên ngày thứ Tư tại New York. Mốc 1.240 USD/oz đang là một ngưỡng cản mà giá vàng cần chinh phục nếu muốn tăng cao hơn.

Mức giá hiện tại của vàng thế giới tương đương khoảng 34 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo giá USD tự do và chưa tính các chi phí lien quan. Như vậy, so với giá vàng SJC bán lẻ, giá vàng quốc tế quy đổi đang thấp hơn khoảng 3 triệu đồng/lượng.

Giá USD tự do tại Hà Nội chiều nay phổ biến ở mức 22.800 đồng (mua vào) và 22.830 đồng (bán ra), tăng 10 đồng mỗi USD so với hôm qua.

Tại các ngân hàng thương mại, giá USD niêm yết đã lên mức 22.800 đồng ở chiều bán ra, chỉ còn kém giá USD tự do 30 đồng. Cuối năm âm lịch vừa qua, giá USD tự do và ngân hàng thường chênh nhau vài trăm đồng mỗi USD.

Vietcombank lúc hơn 15h chiều báo giá USD ở mức 22.730 đồng (mua vào) và 22.800 đồng (bán ra), tăng 20 đồng so với sáng qua. Eximbank niêm yết giá ngoại tệ này ở các mức tương ứng lần lượt là 22.710 đồng và 22.800 đồng.

Trên thị trường quốc tế, đồng USD đã giảm giá trở lại sau chuỗi phiên tăng liên tục gần đây. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt đã giảm về mức 100,92 điểm vào chiều nay, sau khi đạt mức cao nhất 1 tháng 101,76 điểm vào hôm qua.

Đồng bạc xanh giảm giá do trong phiên điều trần thứ hai trước Quốc hội, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Janet Yellen không phát thêm tín hiệu gì về việc FED có thể tăng lãi suất vào tháng 3. Trong phiên điều trần trước đó diễn ra vào ngày thứ Ba, bà Yellen để ngỏ khả năng tăng lãi suất vào tháng 3, khiến giá USD tăng mạnh.

Giá USD giảm trở lại giúp giá vàng tăng. Giới phân tích nhận định, thời gian tới, diễn biến giá vàng và tỷ giá USD sẽ phụ thuộc nhiều vào khả năng FED có tăng lãi suất trong tháng 3 hay không và liệu sẽ tăng lãi suất mấy lần trong năm nay.

Tuy nhiên, trong dài hạn hơn, tỷ giá đồng USD và giá vàng sẽ phụ thuộc nhiều vào các chính sách của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Nếu các chính sách của ông Trump giúp thúc đẩy tăng trưởng và lạm phát của Mỹ, đồng USD có thể tăng giá và gây sức ép giảm giá cho vàng. Tuy nhiên, nếu các chính sách của ông Trump gây nhiều xáo trộn trong kinh tế toàn cầu, thì khi đó vàng có thể phát huy vai trò “hầm trú ẩn”.