08:56 08/08/2011

Giá vàng tăng 2,4 triệu đồng/lượng trong hơn 1 tiếng

Kiều Oanh

Giá vàng quốc tế tiến sát ngưỡng 1.700 USD/oz, giá vàng trong nước vọt lên 44,2 triệu đồng/lượng sau khi Mỹ mất điểm tín nhiệm AAA

Diễn biến giá vàng thế giới trong một năm trở lại đây (đơn vị: USD/ounce) - Nguồn: Kitco.
Diễn biến giá vàng thế giới trong một năm trở lại đây (đơn vị: USD/ounce) - Nguồn: Kitco.
Phản ứng trước việc Washington bị Standard&Poor’s tước điểm tín nhiệm AAA, giá vàng quốc tế tiến sát ngưỡng 1.700 USD/oz. Trong nước, giá vàng tăng với tốc độ thần tốc, vọt lên 44,2 triệu đồng/lượng, nhưng cao hơn giá vàng quốc tế tới gần 2 triệu đồng/lượng.

Chỉ trong vòng khoảng hơn một giờ đồng hồ đầu giờ sáng nay, với sự tiếp lửa của quốc tế, giá vàng trong nước đã chinh phục gọn ghẽ ba ngưỡng giá 42 và 43 và 44 triệu đồng/lượng, lập những đỉnh cao lịch sử mới. Theo giới kinh doanh vàng, chưa có một ngày nào mà giá vàng trong nước tăng kinh hoàng như sáng nay. Tốc độ tăng này vượt xa những tốc độ thiết lập trong các cơn bão vàng hồi năm 2009 và 2010.

Trên bảng giá điện tử của các doanh nghiệp kim hoàn lớn, vàng nhảy giá từng phút, theo chiều duy nhất là đi lên. Thậm chí, có những lúc giá vàng nhảy 300.000 đồng/lượng ở mỗi lần điều chỉnh. Lúc gần 9h, chỉ trong vòng 5 phút đồng hồ, giá vàng tăng 500.000 đồng/lượng.

Lúc 9h, giá vàng SJC tại thị trường Tp.HCM do SJC niêm yết đã lên đến 43,6 triệu đồng/lượng (mua vào) và 44,2 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 2,4 triệu đồng/lượng so với cuối tuần. Tại Hà Nội, SJC báo giá vàng ở mức 43,6 triệu đồng/lượng và 44,22 triệu đồng/lượng.

Ngoài yếu tố giá vàng quốc tế, yếu tốc lực cầu gia tăng trong nước cũng góp phần kéo giá vàng tăng mạnh. Cuối tuần trước, cảnh xếp hàng mua vàng đã tái diễn tại Hà Nội.

Ngoài ra, tỷ giá USD/VND sáng nay cũng tăng mạnh, đưa giá vàng trong nước lên theo. Vietcombank báo mua USD ở mức 20.615 VND/USD (mua vào) và 20.735 USD/VND (bán ra), tăng tương ứng 35 đồng và 75 đồng so với cuối tuần trước. Tuy nhiên, tỷ giá bình quân liên ngân hàng vẫn đứng ở 20.608 đồng.

Thị trường tài chính châu Á đầu giờ sáng nay có những biến động mạnh sau khi S&P lần đầu tiên trong lịch sử cắt giảm điểm tín nhiệm nợ công của Mỹ từ AAA xuống AA+ hôm thứ Sáu tuần trước. Trong khi các thị trường chứng khoán trong khu vực, đồng USD, và giá hầu hết các loại hàng hóa cơ bản đồng loạt trượt dốc, giá những tài sản được xem là “vịnh tránh bão” như vàng, Yên Nhật và Franc Thụy Sỹ cùng tăng mạnh.

Lúc 8h35 giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay trên bảng điện tử của Kitco.com đội thêm 30 USD/oz, tương đương tăng 1,9%, so với đóng cửa phiên liền trước tại New York, đạt 1.695,5 USD/oz. Giá vàng giao tháng 12 tại New York thậm chí đã lên tới 1.698 USD/oz trước đó.

Chưa khi nào giá vàng quốc tế cao như thế này, và cũng hiếm khi giá vàng tăng mạnh như vậy trong phiên giao dịch châu Á, trừ những trường hợp thị trường chịu cú sốc mạnh về tâm lý.

Ở mức này, giá vàng quốc tế quy đổi tương đương 42,35 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng bán lẻ trong nước khoảng 2 triệu đồng/lượng.

Tại thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 9 sáng nay trượt dốc trên 2,5% sau khi đã giảm 9,2% trong tuần trước. Trên bảng giao dịch điện tử, giá dầu lúc 8h20 giờ Việt Nam còn 84,42 USD/thùng, thấp hơn 2,46 USD/thùng so với đóng cửa phiên trước. Theo Reuters, giá dầu thô và các hàng hóa cơ bản nằm trong chỉ số Thomson Reuters/Jefferies CRB Index đến sáng nay đã xóa sạch mọi thành quả tăng từ đầu năm.

Kể từ khi khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng nổ năm 2008, chưa khi nào thị trường tài chính toàn cầu chưa khi nào chứng kiến sự suy giảm niềm tin nghiêm trọng như thời điểm hiện nay. Cùng lúc, giới đầu tư phải đương đầu với hai đám mây đen khổng lồ che phủ thị trường, một là nguy cơ suy giảm tăng trưởng toàn cầu, hai là những rắc rối về nợ công của các nền kinh tế đầu tàu Mỹ và châu Âu.

Tỷ giá đồng USD so với Franc Thụy Sỹ sáng nay đã rớt xuống mức thấp kỷ lục, với 1 USD đổi 0,7485 Franc Thụy Sỹ. So với đồng Euro, tỷ giá USD cũng đi xuống, với hơn 1,43 USD tương đương 1 Euro, từ mức dưới 1,43 USD/Euro vào cuối tuần trước.

Chỉ số Nikkei 225 và Topix của thị trường chứng khoán Nhật cùng giảm 1,1-1,3%, Hang Seng của Hồng Kông bốc hơi 4,3%, thị trường New Zealand sụt 2,5%... lúc hơn 8h giờ Việt Nam. Cùng thời điểm, các chỉ số Dow Jones Futures và Nasdaq Futures cùng giảm 1,5%.

Nhiều nhà quan sát nhận định, thế giới đang bị đe dọa bởi một trận “siêu bão” tài chính mới. Đặc biệt, việc nước Mỹ không giữ nổi hạng điểm tín nhiệm AAA từ S&P đang làm sứt mẻ nặng nề niềm tin của thị trường vào khả năng khắc phục gánh nặng nợ nần của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tại châu Âu, giới đầu tư đang bán thảo trái phiếu Italy và Tây Ban Nha, đẩy hai quốc gia này tiến sát vòng xoáy khủng hoảng nợ.

Các nhà chức trách thuộc nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) đang cuống cuồng tìm giải pháp chặn đứng cơn bão này. Trong một tuyên bố phát đi sáng nay, các bộ trưởng bộ tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G-7 tuyên bố sẽ “làm tất cả những việc cần thiết để hỗ trợ ổn định tài chính và tăng trưởng”. Tuyên bố cũng cho hay sẽ bơm thanh khoản vào thị trường và có biện pháp để chống sự biến động thái quá của tỷ giá khi cần thiết.

Ở một động thái khác, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ra tín hiệu sẽ mua trái phiếu Italy và Tây Ban Nha. Nhật Bản thì ra dấu sẽ mua thêm USD trên thị trường bằng đồng Yên nhằm hạn chế sự leo thang tỷ giá đồng nội tệ. Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Timothy Geithner tuyên bố, nợ của Mỹ vẫn an toàn như trước khi bị S&P hạ điểm.