08:24 18/05/2013

Giá vàng thế giới mất hơn 100 USD sau 7 phiên giảm

Thanh Hải

Thị trường vàng thế giới đang chịu sức ép thực sự từ đồng USD

Diễn biến giá vàng SJC tại DOJI - Nguồn: DOJI.<br>
Diễn biến giá vàng SJC tại DOJI - Nguồn: DOJI.<br>
Phiên giao dịch đêm qua (17/5) trên thị trường thế giới, giá vàng giao sau tiếp tục giảm phiên thứ 7 liên tiếp, do chỉ số USD bất ngờ nhảy vọt lên mức cao nhất trong gần 3 năm và kinh tế Mỹ có nhiều dấu hiệu lạc quan.

Kết thúc ngày giao dịch cuối tuần, giá vàng giao tháng 6 trên sàn Comex ở New York giảm mạnh 22,20 USD, xuống còn 1.364,70 USD/oz. Đây là phiên giảm giá thứ 7 liên tiếp của vàng kỳ hạn loại này. Tính chung 7 phiên giao dịch, giá vàng tương lai đã bốc hơi 109 USD/oz, do sự đi lên của thị trường chứng khoán Mỹ và đồng USD.

Trên thị trường giao ngay, giá vàng cũng giảm tới 1,6% và hiện đang đứng ở ngưỡng 1.360,20 USD/oz, giảm tới 15,7 USD so với cuối ngày 16/5 trên thị trường New York.

Theo các chuyên gia phân tích, thị trường vàng thế giới đang chịu sức ép thực sự từ đồng USD. Đồng tiền dự trữ quốc tế này càng tăng giá mạnh thì càng có nhiều nhà đầu tư từ bỏ vàng, không còn coi đây là kênh đầu tư trú ẩn an toàn. Không chỉ có vàng, các mặt hàng khác được giao dịch bằng loại tiền tệ này cũng đang chịu sức ép lớn.

Phiên giao dịch ngày 17/5, chỉ số USD, thước đo giá trị của đồng bạc xanh Mỹ so với rổ gồm 6 loại tiền tệ chủ chốt khác, đã tăng vọt lên 84,239 điểm, cao nhất trong gần 3 năm qua, từ mức 83,758 điểm cuối phiên giao dịch liền trước trên thị trường Bắc Mỹ.

Nguyên nhân chính khiến đồng USD bất ngờ tăng vọt trở lại trong phiên giao dịch này là báo cáo cho biết chỉ số niềm tin tiêu dùng theo khảo sát của trường Đại học Michigan/ Thomson Reuters đã tăng mạnh lên mức 83,7 điểm trong tháng 5, từ mức 76,4 điểm trong tháng 4 vừa qua, vượt xa dự báo của giới phân tích thị trường.

Cùng ngày chỉ số kinh tế hàng đầu do tổ chức Confenrence Board công bố có kết quả tăng mạnh hơn dự báo, lên 95 điểm trong tháng 4. Thông tin này đã góp phần làm bức tranh kinh tế Mỹ thêm sáng sủa hơn, và giới đầu tư càng có thêm nhiều tín hiệu để lạc quan hơn về tương lai phục hồi của nền kinh tế lớn nhất trên thế giới.

Một yếu tố khác cũng tác động trực tiếp tới tình hình giá vàng giao sau là việc các quỹ đầu tư ETF tiếp tục giảm lượng vàng nắm giữ trong tay. Chứng chỉ quỹ của quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới, SPDR Gold Trust, đã giảm gần 6% trong tuần giao dịch này và bốc hơi gần 15% tính từ đầu quý 2/2013 cho tới nay.

Báo cáo được Hội đồng Vàng Thế giới công bố hôm 16/5 cho thấy trong quý 1, lượng vàng vật chất mà nhà đầu tư mua vào không đủ bù đắp lượng bán ra của các quỹ ETF. Theo báo cáo, tổng nhu cầu vàng thế giới đạt 963 tấn trong quý 1, giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 3 tháng đầu năm, giá vàng giảm gần 5%.

Hôm 16/5, Credit Suisse Group AG dự báo giá vàng thế giới có thể sẽ giảm tiếp 20% trong vòng một năm tới. Theo ông Ric Deverell, trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hóa của Credit Suisse, giá mặt hàng kim loại quý này có thể được giao dịch ở 1.100 USD/oz trong một năm tới và xuống dưới 1.000 USD trong 5 năm tiếp theo.

Trước tình trạng giá vàng lao dốc, giá nhiều mặt hàng kim loại khác cũng giảm mạnh. Cụ thể, trên sàn Comex ngày 17/5, giá bạc giao tháng 7 giảm 31 cent còn 22,35 USD/oz. Palladium tháng 6 giảm 50 cent xuống 740,25 USD/oz. Bạch kim tháng 7 giảm 17,60 USD còn 1.468 USD/oz. Còn giá đồng tăng 3 cent lên 3,32 USD/lb.