15:24 02/10/2014

Không đóng dấu “mật” với báo cáo ngân sách

Nguyễn Lê

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi)

Theo cơ quan thẩm tra, các thông tin mật chỉ được áp dụng cho lĩnh vực 
quốc phòng, an ninh. Và các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, 
giám sát, phản biện xã hội của các tổ chức xã hội và của nhân dân cần 
được cụ thể hóa trong luật - Ảnh minh họa.
Theo cơ quan thẩm tra, các thông tin mật chỉ được áp dụng cho lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Và các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát, phản biện xã hội của các tổ chức xã hội và của nhân dân cần được cụ thể hóa trong luật - Ảnh minh họa.
Không áp dụng cơ chế báo cáo “mật” đối với dự toán, quyết toán khi trình ra các cơ quan dân cử. Đây là quan điểm được Thường trực Ủy ban Tài chính -  Ngân sách đưa ra khi thẩm tra  sơ bộ dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi).

Tại phiên họp sáng 2/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu về dự án luật này.

Theo cơ quan thẩm tra, các thông tin mật chỉ được áp dụng cho lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Và các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát, phản biện xã hội của các tổ chức xã hội và của nhân dân cần được cụ thể hóa trong luật.

Thường trực cơ quan thẩm tra cũng đặc biệt nhấn mạnh chi ngân sách cần phải tuân thủ quy định của Hiến pháp: các khoản thu, chi phải được dự toán.

Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị bổ sung quy định “không một khoản chi nào được chi ra khỏi Kho bạc Nhà nước nếu không có dự toán được duyệt của cấp có thẩm quyền” vào dự thảo luật.

Nhiều quy định khác tại dự thảo luật cũng không được cơ quan thẩm tra đồng tình.

Chính phủ đề nghị cho phép được ứng trước ngân sách nhà nước năm sau như hiện hành nhưng đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban đề nghị bỏ quy định này, kể cả các khoản tạm ứng của ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới.

Việc cho phép ứng trước dự toán ngân sách năm sau không phù hợp theo quy định của Hiến pháp là các khoản thu, chi ngân sách nhà nước phải được dự toán, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển nêu rõ.

Việc cho ứng trước, theo cơ quan thẩm tra là sẽ hạn chế thẩm quyền quyết định ngân sách nhà nước của Quốc hội do phải hợp thức hóa các khoản đã ứng trước trong khi Quốc hội chưa xem xét ngân sách năm sau.

Tiếp tục không nhận được sự đồng tình của thường trực cơ quan thẩm tra là việc dự thảo luật cho phép các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương được giữ lại tối đa không quá 5% dự toán chi thường xuyên đã được giao để chủ động thực hiện các nhiệm vụ đột xuất phát sinh trong năm.

Quy định dự phòng ngân sách ở các bộ, cơ quan Trung ương sẽ dẫn đến ngân sách bị phân tán, chia nhỏ, không tập trung, cơ quan thẩm tra lập luận.

Bên cạnh các vấn đề cụ thể, ở phạm vi sửa đổi, một số ý kiến tại cơ quan thẩm tra cũng khác với quan điểm của Chính phủ. Đó là Quốc hội sẽ ban hành luật ngân sách thường niên thay vì ban hành nghị quyết như hiện nay với quy trình ngân sách theo 2 bước.

Bước một là tại kỳ họp giữa năm, Quốc hội sẽ cho ý kiến về những chỉ tiêu và cân đối lớn (khung ngân sách) như các chính sách lớn về thu, chi, các ưu tiên và nguyên tắc trong phân bổ ngân sách, tổng thu, tổng chi, chi thường xuyên, chi đầu tư phát triển, chi trả nợ và dự kiến mức bội chi, số bổ sung của ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương.

Bước hai, tại kỳ họp cuối năm, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định dự toán ngân sách, phân bổ ngân sách Trung ương theo số liệu chi tiết, cụ thể hơn cho từng ngành, từng lĩnh vực.

Điều này đảm bảo chất lượng quyết định ngân sách nhà nước của Quốc hội và hội đồng nhân dân, tiến dần đến thông lệ quốc tế được nhiều nước áp dụng, báo cáo thẩm tra nêu.

Sửa luật phải theo các thông lệ quốc tế về ngân sách cũng là lưu ý của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Bội chi, nợ công, GDP hiện nay quốc tế tính một đường mình tính một đường, Chủ tịch nhận xét.

Theo Chủ tịch, Luật Ngân sách là công khai minh bạch, cần bớt tối đa xin - cho.

Tại kỳ họp thứ 8 được khai mạc ngày 20/10 tới đây, dự án Luật Ngân sách (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội thảo luận.