21:11 11/06/2012

Lãi suất huy động ngân hàng nào cao nhất?

Hồng Nhung

Thị trường nhiễu trong ngày đầu thực hiện trần và cơ chế lãi suất huy động mới, nhưng bước đầu có sự phân biệt cạnh tranh

Nhiều ngân hàng đã áp lãi suất cao hơn cho các kỳ hạn dài, hỗ trợ cho một cơ cấu vốn tốt hơn.
Nhiều ngân hàng đã áp lãi suất cao hơn cho các kỳ hạn dài, hỗ trợ cho một cơ cấu vốn tốt hơn.
Thị trường nhiễu trong ngày đầu thực hiện trần và cơ chế lãi suất huy động mới. Biểu huy động của các nhà băng đã đa dạng hơn, phân biệt cạnh tranh hơn.

Đến cuối ngày giao dịch hôm nay (11/6), các ngân hàng thương mại đã đồng loạt thay biểu lãi suất huy động mới. Một số thành viên ngay từ thứ Bảy tuần trước đã chủ động chốt các mức lãi suất cao.

Khảo sát tại các ngân hàng thương mại lớn nhỏ, nhiễu là ghi nhận đầu tiên, thậm chí là sự trái ngược. Một phần mong đợi của Ngân hàng Nhà nước cũng trước mắt chưa được trọn vẹn.

Tại nhiều thành viên lớn nhỏ như Vietcombank, BIDV, ACB, PGBank, SeABank, NamABank, VPBank, SCB…, điểm chung là lãi suất huy động VND các kỳ hạn dài đều đã cao hơn các kỳ hạn ngắn. Theo đó, lần đầu tiên sau một thời gian dài đường cong lãi suất tại đây mới được “uốn” theo hướng từ thấp lên cao, ưu tiên cho các kỳ hạn dài như vậy.

Ngược lại, tại những thành viên lớn khác như VietinBank, Techcombank…, lãi suất huy động VND lại “gãy” ở các kỳ hạn dài, khoảng từ kỳ hạn sau 12 tháng hoặc từ 24 tháng, thấp hơn các kỳ hạn ngắn. Điều này có thể do ngân hàng dự phòng rủi ro chi phí khi lãi suất có thể hạ thêm trong trung và dài hạn (?).

Cá biệt, như Ngân hàng Phương Tây (Western Bank),  khái niệm đường cong lãi suất vẫn cứ… thẳng, khi mức 8,8%/năm được kéo cho tất cả các kỳ hạn từ 1 - 36 tháng.

Về mức cao nhất, trong ngày đầu thực hiện cơ chế cho tổ chức tín dụng được tự ấn định lãi suất ở các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, thị trường không có nhiều xáo trộn. Mức cao nhất ghi nhận trên biểu niêm yết là 11%/năm, nhưng chỉ còn áp rải rác ở vài ngân hàng như NamABank, Navibank, HDBank ở một số kỳ hạn dài. Mức 10,5%/năm cũng không nhiều, trong khi 10%/năm là mức cao nhất phổ biến tại nhiều thành viên.

Như vậy, thực hiện cơ chế mới, sự cạnh tranh cụ thể về lãi suất giữa các ngân hàng thương mại đã bắt đầu định hình rõ nét. Đó là điều rất hạn chế trong hơn hai năm qua, khi mà hầu hết các ngân hàng đều đồng loạt áp lãi suất huy động VND kịch trần; việc cạnh tranh chủ yếu ở những “thỏa thuận ngầm”, vượt trần lãi suất…

Cũng trong ngày đầu tiên này, trước sự giảm mạnh của lãi suất VND như vậy, tỷ giá USD/VND vẫn tương đối ổn định, thậm chí giảm nhẹ. Tại một số ngân hàng, mức giá USD bán ra cuối ngày ở khoảng 21.000 - 21.020 VND, thấp hơn mức trần cho phép.

Ở một diễn biến khác, tại một chi nhánh ngân hàng ở Tp.HCM, có hiện tượng nhiều người dân vay vốn “kéo” đến yêu cầu giảm lãi suất cho vay. Lý do họ đưa ra là lãi suất huy động giờ chỉ còn 9%/năm, trong khi vẫn phải vay với 18% - 19%/năm.

Giám đốc chi nhánh này phải đích thân tư vấn và giải thích cho người vay, lãi suất cho vay phải có độ trễ để điều chỉnh, theo kỳ 3 - 6 tháng tùy mỗi hợp đồng, không thể giảm mạnh ngay để cân đối với mức 9%/năm hiện tại.

Trước yêu cầu “đảo nợ”, ngân hàng cho vay khoản mới để trả trước hạn khoản cũ ở một ngân hàng khác, vị giám đốc này cũng giải thích là không được phép, vì cùng một nhu cầu vay, cùng tài sản thế chấp.

“Chúng tôi đang và sẽ tiếp tục giảm lãi suất cho vay các hợp đồng cũ, nhưng phải theo kỳ điều chỉnh và có lộ trình phù hợp chứ không thể cắt ngang một cái theo lãi suất huy động hiện hành. Có một độ trễ nhất định, khách hàng cần công bằng và hiểu cho chúng tôi”, ông này giải thích.