13:35 08/12/2010

Lãi suất “khủng”: Cạnh tranh đã đúng định hướng?

Minh Đức

Thị trường bất ngờ có những mức lãi suất “khủng”. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng cần nhìn nhận lại yếu tố cạnh tranh

Mức lãi suất huy động VND lên tới 17%/năm tại Techcombank.
Mức lãi suất huy động VND lên tới 17%/năm tại Techcombank.
Thị trường bất ngờ có những mức lãi suất “khủng” được công bố. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng cần nhìn nhận lại yếu tố cạnh tranh ở biến động này.

Đầu giờ sáng nay (8/12), thị trường xôn xao khi một số ngân hàng thương mại cổ phần tung ra mức lãi suất huy động VND “khủng”. VnEconomy cũng đã trao đổi nhanh với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về diễn biến mới này.

“Sẵn sàng có 18%/năm”?

Trưa nay, cán bộ phụ trách một chi nhánh ngân hàng tại Tp.HCM cấp tốc gọi điện phản ánh: một số ngân hàng thương mại cổ phần tung ra lãi suất huy động VND cao đột biến, gây xáo trộn trên thị trường. Bản thân ông đang lo ngại khi nhiều người dân có động thái rút tiền tại ngân hàng mình để chuyển đến những điểm nóng mới.

Điểm bất ngờ là mức lãi suất cao đó lại đến từ một ngân hàng cổ phần lớn - Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương (Techcombank), thay vì thường thấy ở các ngân hàng nhỏ.

Tại các điểm giao dịch của Techcombank ở Hà Nội sáng nay, trong tay người gửi tiền là tờ rơi giới thiệu một chương trình huy động mới: “3 ngày vàng tiết kiệm”. Tổng lãi suất và ưu đãi lên tới 17%/năm; thưởng tiền mặt 500.000 đồng khi giới thiệu khách hàng mới; thưởng tiền mặt 500.000 đồng khi gia hạn tiền gửi.

Tuy nhiên, chương trình trên chỉ áp dụng cho 3 ngày, từ 8 - 10/12/2010 đối với khoản tiền gửi từ 100 triệu đồng trở lên, kỳ hạn 1 tháng. Tổng lãi suất 17%/năm được áp cho tháng gửi đầu tiên, các kỳ sau theo lãi suất niêm yết cùng thời kỳ. Khách hàng không được rút tiền trước hạn. Việc tặng tiền cũng kèm điều kiện số dư tiền gửi từ 1 tỷ đồng trở lên.

Trong cuộc gọi trên, cán bộ ngân hàng nọ cho biết đang sốt ruột trước khả năng số người rút tiền trước hạn sẽ gia tăng và ông đang chờ chỉ đạo từ hội sở. “Có thể sẽ có ngay trong chiều nay và có thể sẵn sàng cạnh tranh ở mức 18%/năm”, cán bộ này dự tính.

Mốc 18%/năm được dự tính bởi ông cho biết ngay một số ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ khác cũng đã nhanh chóng “tự vệ” bằng những mức lãi suất mới, có trường hợp đã áp tới 17,5%/năm. Chính sách lãi suất cao này được tính toán mang tính thời điểm và đi kèm với các điều kiện cụ thể.

“Cần hiểu đúng định hướng cạnh tranh”

Trước diễn biến trên, VnEconomy đã trao đổi nhanh với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, bởi trước đó thông điệp cạnh tranh lãi suất đã được ông đưa ra tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 2/12 vừa qua.

Gắn với diễn biến trên, Thống đốc cho rằng đúng là Ngân hàng Nhà nước khuyến khích cạnh tranh, nhưng cần hiểu đúng định hướng cạnh tranh trong điều hành lãi suất hiện nay, cũng như trong hoạt động của các ngân hàng thương mại.

“Cạnh tranh là sự mong mỏi của thị trường, tạo lợi ích cho thị trường, các thành viên tham gia và người dân. Cạnh tranh ở đây nên hiểu là để giảm thiểu các chi phí, tăng cường chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Đó mới là đích đến của cạnh tranh”, Thống đốc nói.

Cũng theo người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước, cạnh tranh trong lãi suất hiện nay không phải là thả nổi, không phải theo hướng tăng nóng lãi suất. “Lãi suất cao như vậy sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, gây xáo trộn trên thị trường. Người ta sẽ đặt dấu hỏi cho tình hình hoạt động của những ngân hàng tăng lãi suất cao như vậy”.

Mặt khác, khi chạy đua áp lãi suất cao, chi phí đầu vào tăng sẽ ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp vay vốn, của nền kinh tế. Đây không phải là mục đích cạnh tranh mà Ngân hàng Nhà nước khuyến khích. Bên cạnh đó, khi cạnh tranh theo hướng chạy đua sẽ gây thiệt thòi lợi ích đối với những ngân hàng đang nỗ lực giữ ổn định.

Ở hướng này, Thống đốc khẳng định: “Ngân hàng Nhà nước luôn ủng hộ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam về việc thực hiện đồng thuận lãi suất. Một khó khăn là do hệ thống các ngân hàng phát triển chưa đồng đều, nhưng thị trường cần có sự ổn định”.