16:02 17/12/2009

Muốn lập ngân hàng phải có tối thiểu 3.000 tỷ đồng

Minh Đức

Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến hoàn thiện quy định mới về cấp giấy phép thành lập ngân hàng thương mại cổ phần

Bên cạnh các thành viên chuyển đối, sau khoảng chục năm, Việt Nam mới có thêm ngân hàng được thành lập mới trong năm 2008, gồm LienVietBank, TienPhongBank và BaoVietBank.
Bên cạnh các thành viên chuyển đối, sau khoảng chục năm, Việt Nam mới có thêm ngân hàng được thành lập mới trong năm 2008, gồm LienVietBank, TienPhongBank và BaoVietBank.
Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến các cá nhân, tổ chức để đưa ra quy định mới về cấp giấy phép thành lập và hoạt động ngân hàng thương mại cổ phần.

Dự thảo thông tư của Ngân hàng Nhà nước đưa ra quy định: Để thành lập ngân hàng thương mại cổ phần trước hết cần có vốn điều lệ tối thiểu bằng mức vốn pháp định theo quy định của pháp luật tại thời điểm thành lập. Như vậy, theo quy định hiện hành, đến năm 2010, mức vốn này tối thiểu phải là 3.000 tỷ đồng.

Mức vốn trên huy động từ các tổ chức, cá nhân nhưng không được dùng vốn ủy thác, vốn vay của các tổ chức, cá nhân khác để góp vốn và phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của nguồn vốn góp.

Vốn tham gia thành lập ngân hàng của các tổ chức phải đảm bảo các điều kiện: Đối với các tổ chức được cấp giấy phép thành lập và hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm thì việc góp vốn phải tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành; đối với tổ chức khác, vốn chủ sở hữu trừ đi các khoản đầu tư dài hạn được tài trợ bởi vốn chủ sở hữu và tài sản ngắn hạn trừ đi nợ ngắn hạn còn lại tối thiểu bằng số vốn góp theo cam kết; đối với các doanh nghiệp hoạt động trong ngành nghề kinh doanh có yêu cầu vốn pháp định, vốn chủ sở hữu trừ đi vốn pháp định theo quy định tối thiểu phải bằng số vốn góp theo cam kết.

Cũng theo nội dung dự thảo trên, ngân hàng xin phép thành lập phải có tối thiểu 100 cổ đông tham gia góp vốn, trong đó có tối thiểu 3 cổ đông sáng lập là tổ chức.

Đáng chú ý là cá nhân hoặc tổ chức và người có liên quan của cá nhân hoặc tổ chức đó chỉ được tham gia góp vốn thành lập 1 ngân hàng, không được tham gia góp vốn thành lập ngân hàng nếu cá nhân hoặc cá nhân đó cùng với người có liên quan đang sở hữu mức cổ phần trọng yếu của một ngân hàng; tổ chức hoặc tổ chức đó cùng với người có liên quan đang sở hữu từ 10% vốn điều lệ trở lên của một ngân hàng.
 
Đối với cổ đông là tổ chức, phải có thời gian hoạt động tối thiểu là 3 năm và kinh doanh có lãi trong 3 năm liền kề năm xin thành lập ngân hàng. Nếu cổ đông là doanh nghiệp nhà nước phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bằng văn bản cho phép tham gia góp vốn.

Với cổ đông sáng lập, là cá nhân phải đảm bảo một số điều kiện, trong đó đáng chú ý là yêu cầu phải là người quản lý doanh nghiệp kinh doanh có lãi trong ít nhất 3 năm liền kề năm xin thành lập ngân hàng; hoặc có bằng đại học hoặc trên đại học về ngành kinh tế hoặc luật; cam kết hỗ trợ ngân hàng về tài chính để giải quyết khó khăn trong trường hợp ngân hàng khó khăn về vốn hoặc khả năng thanh khoản.

Đối với cổ đông sáng lập là tổ chức, phải có thời gian hoạt động tối thiểu là 5 năm; là doanh nghiệp (không phải là ngân hàng thương mại) phải có vốn chủ sở hữu tối thiểu 500 tỷ đồng trong 5 năm liền kề năm xin thành lập ngân hàng; kinh doanh có lãi trong 5 năm liền kề năm xin phép.

Đối với cổ đông sáng lập tổ chức là ngân hàng thương mại phải đảm bảo có tổng tài sản tối thiểu 50.000 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu nhỏ hơn 2% tổng dư nợ tại thời điểm xin góp vốn; không vi phạm các tỷ lệ về đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng theo qui định của Ngân hàng Nhà nước từ năm liền kề năm xin thành lập ngân hàng đến thời điểm được cấp giấy phép; kinh doanh có lãi trong 5 năm liền kề năm xin phép; cam kết hỗ trợ ngân hàng về tài chính để giải quyết khó khăn trong trường hợp ngân hàng khó khăn về vốn hoặc khả năng thanh khoản.

Các cổ đông sáng lập phải cùng nhau sở hữu tối thiểu 50% vốn điều lệ khi thành lập ngân hàng, trong đó các cổ đông sáng lập là tổ chức phải cùng nhau sở hữu tối thiểu 50% tổng số cổ phần của các cổ đông sáng lập.

Ngoài ra, để thành lập ngân hàng, các đầu mối phải đảm bảo các yêu cầu khác về điều lệ, đề án, đáp ứng các điều kiện về công nghệ, nhân sự, chứng minh được các khả năng hoạt động, cạnh tranh, quản lý rủi ro…

Một nội dung chính của dự thảo là các quy định về việc hạn chế chuyển nhượng cổ phần của ngân hàng mới thành lập.

Dự thảo đưa ra quy định, đối với cổ đông sáng lập, trong thời gian 5 năm kể từ ngày được cấp giấy phép, chỉ được chuyển nhượng số cổ phần phổ thông trong tổng số cổ phần góp vốn khi thành lập ngân hàng của mình cho các cổ đông sáng lập khác của ngân hàng.

Cổ đông sáng lập không được chuyển nhượng số cổ phần ưu đãi biểu quyết cho người khác. Ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập chỉ có hiệu lực trong 3 năm kể từ ngày ngân hàng được cấp giấy phép; sau thời hạn này, cổ phần ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập chuyển đổi thành cổ phần phổ thông.

Đối với cổ đông không phải là cổ đông sáng lập, trong thời gian 3 năm kể từ ngày được cấp giấy phép, chỉ được chuyển nhượng số cổ phần góp vốn khi thành lập ngân hàng cho cổ đông khác trong danh sách cổ đông của ngân hàng tại thời điểm giấy phép có hiệu lực.

Sau các thời hạn nêu trên, các cổ đông được chuyển nhượng cổ phần và duy trì tỷ lệ sở hữu cổ phần theo quy định của pháp luật hiện hành.