23:52 18/08/2009

Ngân hàng dồn dập khuyến mại

Thùy Duyên

Khi lãi suất đã đẩy lên sát giới hạn, các ngân hàng dồn dập mở các đợt khuyến mại để tăng cường khả năng huy động

Đến thời điểm này, hầu hết các ngân hàng thương mại đều có các chương trình khuyến mại. Và có lẽ là bất thường nếu một thành viên nào đó vẫn đang ngoài cuộc?
Đến thời điểm này, hầu hết các ngân hàng thương mại đều có các chương trình khuyến mại. Và có lẽ là bất thường nếu một thành viên nào đó vẫn đang ngoài cuộc?
Khi lãi suất đã đẩy lên sát giới hạn, các ngân hàng dồn dập mở các đợt khuyến mại để tăng cường khả năng huy động.

Gần 2 tỷ đồng là tổng giá trị giải thưởng mà Ngân hàng Ngoài quốc doanh (VPBank) đầu tư cho loạt khuyến mại bắt đầu triển khai từ trung tuần tháng 8 này. Cụ thể, từ nay đến hết ngày 7/11/2009, người gửi tiền tại ngân hàng này có thể cùng lúc trúng 2 giải thưởng chỉ với điều kiện có khoản tiền gửi từ 5 triệu đồng trở lên, kỳ hạn từ 1 tháng; giá trị lớn nhất là 300 triệu đồng.

Cùng lúc, VPBank mở chương trình khuyến mại dành riêng cho các chủ thẻ MasterCard với tổng giá trị 340 triệu đồng; tặng phiếu sử dụng dịch vụ miễn phí cho các khách hàng là cá nhân, doanh nghiệp có tài khoản tiền gửi thanh toán, tiền gửi có kỳ hạn và cá nhân có tài khoản tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng này để sử dụng các dịch vụ có thu phí của mình.

Hay từ ngày 17/8, Ngân hàng Xuất nhập khẩu (Eximbank) bắt đầu tung ra đợt cộng thưởng lãi suất, “cào” nhận quà cho người gửi tiền với tổng giá trị giải thưởng lên tới 1,3 tỷ đồng; hay trước đó Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) được biết đến với giải thưởng đặc biệt là xe sang BMW trị giá 1,4 tỷ đồng…

Theo giải thích của VPBank, việc đẩy mạnh hoạt động khuyến mại là những kế hoạch nhằm gia tăng lợi ích cho khách hàng, củng cố các mối quan hệ với ngân hàng và cũng nhằm hỗ trợ cho hoạt động huy động vốn trong thời gian tới.

Tại hầu hết các ngân hàng khác, liên tiếp các chương trình khuyến mại được triển khai, trong đó nổi bật là hình thức thưởng tiền hoặc cộng thưởng lãi suất.

Chỉ cần có khoản tiền gửi từ 20 triệu đồng hoặc 1.000 USD, người gửi tiền tại Ngân hàng Quốc tế (VIB) được “thưởng nóng” tối thiểu 50.000 đồng; mức thưởng tối đa lên đến 3 triệu đồng. Tại Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB), mức lãi suất cộng thưởng có thể lên đến 2%/năm. Nhiều thành viên khác như Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB), Ngân hàng Phát triển nhà Tp.HCM (HDBank)… cũng đều đang áp dụng chính sách thưởng thêm lãi suất.

Có thể thấy, khi các quyết định trực tiếp tăng lãi suất huy động khó khăn (lãi suất huy động đã lên gần lãi suất cho vay tối đa sản xuất kinh doanh), các nhà băng “lách” bằng chính sách cộng thưởng để thêm hấp dẫn. Và sự dồn dập hiện nay có thể còn bắt nguồn từ áp lực gọi vốn, sau khi các nhà băng đã tích cực giải ngân theo chương trình hỗ trợ lãi suất vừa qua.

Theo phân tích của một chuyên viên thiết kế sản phẩm huy động, có thể thấy chính sách thưởng này phổ biến chỉ áp dụng trong ngắn hạn; một mặt tạo thêm lợi ích cho khách hàng, nhưng cũng tạo công bằng cho những khoản tiền gửi có giá trị lớn, bởi biểu lãi suất thông thường vẫn được áp dụng cho đại trà cho các khoản lớn nhỏ.

“Việc đưa ra những chính sách đó vừa góp phần tạo thêm lựa chọn và khuyến khích người gửi tiền, vừa tăng thêm sức cạnh tranh huy động trên thị trường cho ngân hàng. Nếu cách đây dăm năm, yếu tố uy tín, thâm niên của ngân hàng có sức chi phối lớn tới quyết định của người gửi tiền, thì nay, khi nhiều ngân hàng cổ phần đã và đang lớn mạnh, khẳng định uy tín thì cạnh tranh về lãi suất và các chính sách liên quan đến lợi ích đang có sức chi phối mạnh hơn”, chuyên viên này phân tích thêm.

Và cũng không bất ngờ khi nhiều người gửi tiền chọn cách xé lẻ khoản tiền gửi thành nhiều món để có thêm cơ hội đón “vận may mỉm cười”. Bởi trên thực tế, có những trường hợp chỉ với khoản tiết kiệm 10 triệu đồng cũng đã ẵm về giải thưởng gấp 4 - 5 lần. Điều này cũng cho thấy một phần tác động của các chương trình khuyến mại.

Còn theo lãnh đạo của Ngân hàng Đại Dương (OecanBank), khuyến mại là một công cụ để gia tăng lợi ích cho cả hai phía, ngân hàng và khách hàng. Với ngân hàng, trong từng thời điểm, công cụ này góp phần quan trọng để đảm bảo các kế hoạch kinh doanh, hỗ trợ thêm cho sự chủ động về nguồn vốn. Như tại OceanBank, gần 1 tỷ đồng được đầu tư cho chương trình khuyến mại trong gần 3 tháng vừa qua để gọi hơn 55 tỷ đồng và 1,4 triệu USD vốn. Và từ 20/8 tới, ngân hàng này tiếp tục mở thêm chương trình mới, bên cạnh mức lãi suất cao nhất lên tới 9,4%/năm…

Đến thời điểm này, hầu hết các ngân hàng thương mại đều có các chương trình khuyến mại, ở các dịch vụ, sản phẩm khác nhau. Và có lẽ là bất thường nếu một thành viên nào đó vẫn đang ngoài cuộc?