12:18 20/10/2016

Ngân hàng lớn ăn đong: Cổ đông Nhà nước, anh là ai?

Minh Đức

Các chỉ báo kém đi thể hiện ở các ngân hàng lớn, nơi cổ đông Nhà nước chi phối

Đầu năm, khi đại hội đồng cổ đông và trình phương
 án tăng vốn, gần 100% biểu quyết thông qua, trong đó có biểu quyết của cổ đông Nhà nước, nhưng sau đó tình huống lại đảo ngược 
hoàn toàn, không thể dùng vốn Nhà nước để thực hiện.
Đầu năm, khi đại hội đồng cổ đông và trình phương án tăng vốn, gần 100% biểu quyết thông qua, trong đó có biểu quyết của cổ đông Nhà nước, nhưng sau đó tình huống lại đảo ngược hoàn toàn, không thể dùng vốn Nhà nước để thực hiện.
Đến thời điểm này, dự báo triển vọng 2017 dần rõ hơn. Tín dụng, lợi nhuận, cổ tức và nộp ngân sách của các ngân hàng thương mại nhà nước có thể kém đi, khi mà yêu cầu trọng yếu vẫn không được giải quyết một cách bền vững.

Triển vọng đó gắn với vai trò của Nhà nước - cổ đông đang nắm tới 65-95% vốn tại Vietcombank, VietinBank và BIDV. Vai trò mà ngân hàng trong cuộc từng đánh giá “có vẻ như đang chưa thực sự chuyên nghiệp và điều này có thể ảnh hưởng đến cổ đông hiện hữu khác”.

Vá víu và ăn đong

Như VnEconomy đề cập ở bài viết gần đây, kế hoạch bán 7,73% cổ phần cho GIC (quỹ đầu tư của Singapore) của Vietcombank có thể phá sản, do đã sắp hết thời hạn thỏa thuận giữa hai bên mà vẫn chưa thấy dấu hiệu phê duyệt từ các đầu mối chức năng.

Giả định, kế hoạch trên bất thành, Vietcombank vuột cơ hội tăng vốn đã dày công chuẩn bị hơn một năm qua, điều gì sẽ xảy ra?

Cuối 2015, hệ số an toàn vốn (CAR) của Vietcombank ở khoảng 11%. Nhưng đến cuối tháng 9/2016 đã giảm chỉ còn hơn 9%. Trong giả định trên, đến cuối năm nay nhiều khả năng đây sẽ là một trường hợp vi phạm quy định an toàn hiện hành. Và nếu áp theo chuẩn Basel 2, thậm chí CAR sẽ chỉ còn 6% mà thôi.

Với ngân hàng, CAR đáng sợ. Vì nó tác động trực tiếp đến khả năng cho vay, mở rộng quy mô tổng tài sản. Tổng tài sản đối với ngân hàng giống như GDP của một quốc gia vậy. Không tăng trưởng hợp lý, thị phần sẽ mất. Kinh doanh, lợi nhuận có thể giảm, nhưng mất thị phần sẽ “đau” hơn nhiều, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng quyết liệt.

Ngoài ra, khi CAR rơi vào tình trạng vi phạm quy định, ngân hàng không thể mở rộng mạng lưới, các nghiệp vụ kinh doanh bị hạn chế…, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Trong tình huống xấu nhất, giả định trên hiện thực, Vietcombank phải buông xuôi?

May mà không. Vì nhìn sang giải pháp dự phòng khác, ngân hàng này đang có kế hoạch phát hành 8.000 tỷ đồng trái phiếu dài hạn; nó được tính vào vốn cấp 2 để cải thiện CAR.

Tuy nhiên, giải pháp dự phòng trên chỉ là tình thế và vá víu, vốn đi vay mượn. Vay thì chịu lãi. Lãi suất có thể bằng lãi suất trái phiếu Chính phủ cùng kỳ hạn, cộng với khoảng 1-1,5%/năm; hoặc bằng bình quân nhóm “Big 4” cộng thêm 1-1,5%/năm; tình huống nào cũng có thể phải trả từ 7,5-8%/năm.

Cứ cho Vietcombank vá được CAR bằng giải pháp đó, nhưng trong giả định trên, hoạt động kinh doanh năm 2017 chắc chắn sẽ rơi vào tình trạng ăn đong, khiêng khem hơn về tăng tín dụng và tổng tài sản, liên quan là lợi nhuận, cổ tức và nộp ngân sách.

Đó cũng là tình huống phải ăn đong trong năm 2017 đối với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank), cũng liên quan đến tăng vốn và bảo đảm CAR.

Vậy nên, năm 2017, ở khối đang chiếm khoảng 52% thị phần tín dụng toàn hệ thống này, nếu vốn đẩy ra kém đi, doanh nghiệp khó vay hơn thì cũng đã có một phần lý giải từ lúc này.

Vừa rồi, BIDV lần lượt công bố hai đợt phát hành trái phiếu dài hạn. Lượng phát hành không lớn. Mặt khác, dù được tính vào vốn cấp 2 để cải thiện CAR, nhưng không được quá 50% vốn cấp 1. Giới hạn này cả ở BIDV và VietinBank đều đã lấp gần đầy.

Vai trò cổ đông Nhà nước?

Như trên, Vietcombank tưởng như nắm chắc kế hoạch bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài, nhưng cũng có thể bất thành. Tỷ lệ sở hữu khối ngoại tại VietinBank thì đã kín. BIDV cũng có định hướng bán cho nước ngoài, nhưng khó.

Theo tìm hiểu của VnEconomy, từ đầu năm đến nay, các kế hoạch ra nước ngoài tìm cơ hội bán vốn của các ngân hàng Việt Nam gần như không nhận được sự quan tâm thực sự của giới đầu tư tổ chức quốc tế, đặc biệt tại Mỹ, châu Âu và Nhật.

Gọi vốn bên ngoài không được, các ngân hàng lớn này tìm về hậu phương. Và như phản ánh thời gian qua, các kế hoạch tăng vốn từ huy động nguồn lực của cổ đông hiện hữu, tranh thủ từ lợi nhuận có được qua cổ tức bằng cổ phiếu đều đang ở thế kẹt.

Có một điểm nhìn lại: đầu năm nay, khi các ngân hàng trên đại hội đồng cổ đông và trình phương án tăng vốn, gần 100% cổ đông biểu quyết thông qua, trong đó có tỷ lệ biểu quyết của cổ đông Nhà nước, nhưng sau đó tình huống lại đảo ngược hoàn toàn, không thể dùng vốn Nhà nước để thực hiện.

Vậy, cổ đông Nhà nước trong thực tế trên là ai, như thế nào? Cũng như việc xét duyệt bán vốn của Vietcombank, đâu là vai trò của quản lý Nhà nước, đâu là vai trò của cổ đông Nhà nước? Và trong yêu cầu cải thiện năng lực tài chính của những ngân hàng này, cổ đông Nhà nước đang ở đâu?

Như trên, trong báo cáo liên quan đến vấn đề này giữa năm nay, BIDV từng có nhìn nhận: “Có vẻ như vai trò cổ đông của Nhà nước tại các ngân hàng thương mại nhà nước đang chưa thực sự chuyên nghiệp và điều này có thể ảnh hưởng đến cổ đông hiện hữu khác cũng như việc thu hút cổ đông mới trong tương lai”.

Cũng trong báo cáo đó, gắn với triển vọng phải ăn đong nói trên, BIDV tính toán rằng, việc tăng trưởng tín dụng giảm so với yêu cầu ở mức 5-10% trong vòng 5 năm (2016-2020) từ khối ngân hàng này sẽ làm giảm khoản thu của ngân sách Nhà nước khoảng 1.800 - 5.000 tỷ đồng tiền thuế.