09:48 24/01/2017

Ngân hàng tìm lại thời hoàng kim

Minh Đức

Những con số ấn tượng về lợi nhuận 2016 chưa dừng lại ở số thành viên công bố

Tín dụng tiêu dùng đã góp tỷ trọng lớn trong cơ cấu lợi nhuận nhiều ngân hàng trong năm 2016.<br>
Tín dụng tiêu dùng đã góp tỷ trọng lớn trong cơ cấu lợi nhuận nhiều ngân hàng trong năm 2016.<br>
Sau 5 năm, nhiều ngân hàng thương mại bắt đầu tìm lại thời hoàng kim, xét về lợi nhuận, dù áp lực trong xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống nói chung vẫn song hành.

Trong quá trình phát triển hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam, nếu năm 2006 và 2007 đánh dấu sự bùng nổ về số lượng và quy mô hoạt động, thì năm 2011 để lại dấu ấn đỉnh cao về lợi nhuận tại nhiều thành viên.

2011 trở thành năm kỷ lục về lợi nhuận của hầu hết các ngân hàng thương mại, để rồi từ sự đứt gãy 2012 kéo dài đến 2015 vẫn chưa thể tái lập.

Nhưng 2016 vừa qua đã thực sự gợi mở hướng tìm lại thời hoàng kim ở nhiều thành viên.

Nỗ lực tự thân

Do đặc thù và quy mô, khối ngân hàng thương mại có sở hữu Nhà nước chi phối vẫn luôn có con số lợi nhuận lớn theo giá trị tuyệt đối. Nhóm này gồm “Big 4”: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), Ngân hàng Công thương (VietinBank), Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV).

Năm 2016, sự so kè đã thể hiện rõ ở vị trí dẫn đầu lợi nhuận về con số giá trị tuyệt đối, giữa VietinBank và Vietcombank. Dù cả hai đã công bố con số ước tính, nhưng hiện vẫn chưa thể kết luận bên nào cao hơn, nếu tính theo kết quả hợp nhất.

Còn BIDV thấp hơn nhưng quy mô khoảng hơn 7.500 tỷ đồng. Agribank hiện chưa công bố, chỉ tiêu đề ra đầu năm khoảng 4.000 tỷ đồng.

Ngay cả khi Agribank vượt chỉ tiêu 4.000 tỷ đó, nhiều khả năng vẫn sẽ chính thức thua xa một thành viên đến từ khối ngân hàng thương mại cổ phần. Và dự kiến 2016 sẽ là năm đầu tiên ghi nhận lợi nhuận khối “Big 4” đã không còn quá vượt trội so với “khối tự thân” (về con số, không phải về hiệu quả).

Nói là tự thân, vì hầu hết các ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam hiện nay đều không có được lợi thế trong kinh doanh như các ngân hàng thương mại Nhà nước hoặc Nhà nước có sở hữu chi phối. Đó là lợi thế “đặc thù” về nguồn vốn chi phí thấp hơn, cơ hội tiếp cận và nắm bắt kinh doanh nội khối các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước…

Và năm 2016, thị trường ghi nhận sự bứt phá tại nhiều ngân hàng tự thân đó, cũng như hướng tìm lại thời hoàng kim trước đây.

Sẽ không bất ngờ nếu Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) trở thành thành viên có con số lợi nhuận cao nhất về giá trị tuyệt đối, cũng như vượt xa “ông lớn” Agribank. Lợi nhuận hợp nhất của VPBank năm qua dự kiến có thể đạt trên con số 4.800 tỷ đồng.

Trong khi đó, Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) cũng đã thực sự trở lại. Thực sự, vì tại buổi họp báo gần đây, lãnh đạo ngân hàng này khẳng định họ đã khấu hao và xử lý gọn những rủi ro trước đây để hướng đến lợi nhuận bền vững. Ước tính, năm 2016 Techcombank có thể thu về gần 4.000 tỷ đồng lợi nhuận.

Thấp hơn một chút, Ngân hàng Quân đội (MB) dù chưa bứt phá, nhưng tiếp tục có được sự ổn định ở mức cao với lợi nhuận riêng ngân hàng đạt 3.711 tỷ đồng.

Cũng trong “khối tự thân”, sự bứt phá về lợi nhuận bước đầu đã có ở một số thành viên có quy mô nhỏ hơn.

Như tại Ngân hàng Phương Đông (OCB), mức lãi vừa công bố đạt 484 tỷ đồng vượt tới 108% kế hoạch năm, gần gấp đôi năm trước (bằng 181%).

Tại Ngân hàng Phát triển Tp.HCM (HDBank), tăng trưởng lợi nhuận riêng ngân hàng đạt tới 66% so với năm 2015, đạt 833 tỷ đồng, trong khi chưa hợp nhất với công ty tài chính tiêu dùng - mũi nhọn sinh lời đáng chú ý tại một số ngân hàng năm 2016.

Lực đẩy từ “bạc cắc”

Thời hoàng kim trước đây bắt đầu từ 2007 đến đỉnh cao 2011. Giai đoạn đó, một cấu phần quan trọng tạo nên những con số lợi nhuận lớn tại nhiều ngân hàng là đầu tư chứng khoán, rồi đến kinh doanh vàng. Nhưng đây cũng là hai trong những yếu tố dẫn đến đà suy giảm sau đó.

Còn nay, gợi mở từ 2015, định hình rõ hơn trong 2016, hướng tìm lại thời hoàng kim tại một số ngân hàng thương mại có lợi nhuận cao bắt đầu khẳng định đóng góp lớn của mảng tín dụng tiêu dùng.

Không phải đến thời điểm này họ mới nhận ra miếng đất màu mỡ tín dụng tiêu dùng, mà thực tế kỹ thuật gieo trồng trước đây quá khó khăn. Bởi trong nhiều năm trước, cơ chế trần lãi suất cho vay đã siết chặt tiềm năng đó, cũng như cơ cấu nguồn vốn chưa có sự dịch chuyển thuận lợi cho yêu cầu sử dụng như vài năm gần đây.

Đến nay, cơ chế pháp lý thuận lợi hơn, tiềm năng tín dụng tiêu dùng mới thực sự được khai thác. Và không còn là tiềm năng nữa, nó cụ thể ở đóng góp rất lớn tại những điển hình lợi nhuận 2016, như tại VPBank, Techcombank, HDBank và ngay cả Vietcombank.

Trong những lần trò chuyện bên lề với VnEconomy, cả lãnh đạo Vietcombank hay VPBank đều cho biết, họ chủ động giảm bớt tốc độ hoặc dư nợ tại những “khách hàng bạc tỷ” là tập đoàn, tổng công ty lớn, doanh nghiệp lớn, để dịch chuyển sang khối “khách hàng bạc cắc” là cá nhân vay tiêu dùng.

Đó chỉ là những món vay cỡ vài chục triệu đồng, đến món lớn cũng khoảng vài tỷ đồng, nhưng lượng khách hàng lớn và nhu cầu lớn, gom bạc cắc thành bạc tỷ. Tỷ lệ lãi biên ở đây cũng cao hơn hẳn, góp phần tạo lợi nhuận cao cho các ngân hàng có quản trị rủi ro tốt, phát triển nhanh và chặt chẽ ở mảng này.

Thực tế 2016, tỷ trọng và tăng trưởng tín dụng cho khối khách hàng cá nhân, chủ yếu cho tiêu dùng, tại Techcombank hay Vietcombank đều ở mức cao, thậm chí vượt trội về tăng trưởng. Hay thành quả rõ rệt cũng ghi nhận ở hai thành viên đã triển khai mạnh là VPBank và HDBank…

Theo hướng đó, dự báo trong năm 2017, lợi nhuận của nhiều ngân hàng thương mại sẽ tiếp tục có ghi nhận lớn, cả khả năng có bứt phá ở thành viên đã và đang sẵn sàng nhập cuộc mạnh mảng “khách hàng bạc cắc”, như MB và SHB, với công ty tài chính tiêu dùng chuyên biệt chính thức hoạt động.