09:27 28/01/2013

Ngoại tệ chảy mạnh từ dân cư

Minh Đức

Chưa bao giờ Ngân hàng Nhà nước ròng rã mua ngoại tệ và với số lượng nhiều như vậy

Một lượng lớn ngoại tệ đã được bán ra, khi người dân tính toán thiệt hơn để nắm giữ.
Một lượng lớn ngoại tệ đã được bán ra, khi người dân tính toán thiệt hơn để nắm giữ.
Chưa bao giờ Ngân hàng Nhà nước ròng rã mua ngoại tệ và với số lượng nhiều như vậy; dự trữ ngoại hối theo đó ước tính cũng lên mức cao nhất từ trước tới nay. Một nguồn cung lớn chảy từ dân cư, thay vì “đóng băng” căng thẳng những năm trước.

Cận Tết Nguyên đán năm ngoái, tỷ giá USD/VND biến động rất mạnh, theo chiều xuống. Các ngân hàng hạ giá mua vào thấp hơn bán ra tới 300 VND - chênh lệch hiếm thấy. Thị trường đón nguồn cung ngoại tệ lớn, dù xu hướng bán ra đã thể hiện từ giữa năm 2011; trong đó, nổi bật là nhu cầu chuyển đổi để đáp ứng thanh khoản VND dịp chi trả cuối năm.

Cận Tết Nguyên đán năm nay, diễn biến đó có lặp lại? Câu trả lời chỉ độ vài tuần nữa. Còn suốt thời gian qua cung ngoại tệ luôn dồi dào. Dù không nêu cụ thể, song báo cáo cập nhật hàng tuần của Ngân hàng Nhà nước luôn thể hiện điều đó: “Các tổ chức tín dụng tiếp tục mua ròng ngoại tệ từ khách hàng”.

Theo tìm hiểu của VnEconomy từ nguồn có thẩm quyền, lượng mua ròng đó là liên tục thể hiện suốt năm 2012 và đầu năm 2013. Chưa bao giờ Ngân hàng Nhà nước mua vào ngoại tệ ròng rã và với số lượng nhiều như vậy.

Cuối tháng 10/2012, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã mua vào khoảng 10 tỷ USD tính từ đầu năm. Con số mua vào tổng thể chốt lại năm qua theo VnEconomy tìm hiểu là khoảng 15 tỷ USD. Và chưa đầy tháng đầu tiên của năm 2013, lượng mua vào là khoảng 2 tỷ USD.

Thứ nhất, trên cơ sở dữ liệu và thời gian nói trên, lượng mua vào hai tháng cuối 2012 và đầu 2013 là khá đều. Xét cả quá trình, hoạt động mua vào khá liền mạch trong hơn một năm qua.

Trong lịch sử, cung ngoại tệ từng thể hiện mạnh nhất vào năm 2007, thời điểm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) với làn sóng đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài. Song, dòng chảy quy mô lớn này khá chóng vánh, thể hiện ở sự đảo chiều ngay từ năm 2008.

Nay, điểm nổi bật là một nguồn cung lớn góp phần từ dân cư. Hay nói cách khác, Ngân hàng Nhà nước đã “phá băng” được phần nào đó tình trạng găm giữ nhiều năm trước đây, mức độ đôla hóa trong dân cư, trong nền kinh tế được giảm bớt.

Nguồn cung từ dân cư được nhìn nhận ở các dữ liệu cụ thể. Năm 2012, cán cân thanh toán tổng thể thặng dư kỷ lục với hơn 10 tỷ USD, trong khi lượng Ngân hàng Nhà nước mua vào ước khoảng 15 tỷ USD; khoảng 5 tỷ USD có thêm trong cách tính tương đối này chủ yếu do người dân bán ra.

Một dữ liệu khác, như VnEconomy từng đề cập ở bài viết trước đây, là lượng tiền gửi ngoại tệ của dân cư đã liên tục giảm mạnh, trong khi lượng tiền gửi bằng VND tăng rất cao. Cụ thể, đến cuối năm 2012, tiền gửi ngoại tệ của dân cư giảm hơn 13% so với cuối năm 2011 trong khi tiền gửi bằng VND của nhóm này tăng tới 36%.

Một lượng lớn ngoại tệ đã được bán ra, khi người dân tính toán thiệt hơn để nắm giữ. Lãi suất gửi USD tối đa chỉ 2%/năm, kỳ vọng tăng tỷ giá trong năm đã được “neo” trong khoảng 2 - 3% (theo định hướng Thống đốc Nguyễn Văn Bình công bố từ trước). Còn gửi bằng VND, lãi suất có từ 14%/năm, thậm chí có thể cao hơn nếu có vượt trần hồi đầu năm 2012, và sau đó cho đến nay có từ 8 - 12%/năm. Thiệt hơn là rõ ràng, thậm chí tính bình quân trong năm 2012 tỷ giá USD/VND còn giảm 0,96% so với cuối năm 2011, tức VND lên giá.

Như vậy, cùng lúc Ngân hàng Nhà nước mua vào được lượng lớn ngoại tệ, giải phóng được lượng đáng kể từng găm giữ căng thẳng trước đây, vừa giảm được lãi suất nhưng vẫn tạo giá trị hấp dẫn cho VND, vừa góp phần kiềm chế lạm phát thành công.

Có một điểm kỹ thuật được chú ý, thời gian qua và hiện nay Ngân hàng Nhà nước chỉ chọn mua từ các tổ chức tín dụng có trạng thái ngoại tệ dương, và lượng bán ra không dẫn đến trạng thái âm. Như vậy để hạn chế yếu tố cung ảo, giảm thiểu áp lực mua bù trạng thái về sau do họ chuyển đổi tìm vốn rẻ, hoặc do áp lực thanh khoản VND.

Vấn đề đặt ra là, với lượng mua vào khoảng 15 tỷ USD nói trên đi cùng với cung ra khoảng hơn 300 nghìn tỷ đồng, áp lực đối với lạm phát sẽ như thế nào, liệu đã được trung hòa hay một độ trễ tác động đã và đang rút ngắn? Một tham khảo liên quan, hoạt động mua vào ngoại tệ rõ nét từ giữa năm 2011, sát hơn là vài tháng sau bước tăng tỷ 9,3% giá bình quân liên ngân hàng ngày 11/2/2011, tức là đã rải ra trong một thời gian dài.

Trả lời VnEconomy tại thời điểm đề cập đến lượng mua vào 10 tỷ USD cuối tháng 10/2012, Thống đốc Nguyễn Văn Bình giải thích ngắn gọn rằng, Ngân hàng Nhà nước có các công cụ để điều hòa nguồn tiền này cũng như tác động của nó. Lạm phát 2012 ở mức thấp là bước đầu, mục tiêu tiếp tục kiềm chế trong 2013 (thậm chí thấp hơn năm qua) hẳn cũng đã được tính kỹ…

Còn một biểu hiện có thể xem xét là lượng cung tiền, dù thấp hơn mức trên dưới 30% nhiều năm trước, đã tăng khá cao với 22,4% trong năm 2012.

Một câu hỏi nữa được quan tâm là liệu người dân và doanh nghiệp có tiếp tục bán ra ngoại tệ trong thời gian tới hay không, hay Ngân hàng Nhà nước có tiếp tục “phá băng” găm giữ được nữa hay không?

Hơn hai mươi ngày đầu tháng 1/2013 mua vào khoảng 2 tỷ USD là khởi đầu nối tiếp. Còn phía trước, những yếu tố cần thiết vẫn là lạm phát được kiếm chế, chênh lệch lãi suất VND so với USD tiếp tục hấp dẫn và tỷ giá được giữ ổn định.

Sau loạt cắt giảm trong năm 2012, dư địa để giảm tiếp lãi suất VND đã hạn hẹp, chênh lệch vẫn khá hấp dẫn. Còn biến động tỷ giá, năm nay Ngân hàng Nhà nước không công bố khoảng giao động định hướng; nhưng, chia sẻ bên lề với VnEconomy gần đây, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói rằng “sẽ vẫn như năm trước…”.