08:28 09/05/2016

Nhà băng lách trần lãi USD: “Phép thử” chờ Ngân hàng Nhà nước

Nguyễn Hoài

Ngân hàng Nhà nước phải làm gì để cân bằng giữa tiếng nói của thị trường và một phần của câu chuyện chống “đô la hóa”?

Nếu tổ chức tín dụng vẫn mong muốn khách hàng tiếp tục gửi ngoại tệ, đặc
 biệt là USD thì việc “tri ân”, bù đắp lợi ích cho khách hàng là điều dễ
 hiểu.
Nếu tổ chức tín dụng vẫn mong muốn khách hàng tiếp tục gửi ngoại tệ, đặc biệt là USD thì việc “tri ân”, bù đắp lợi ích cho khách hàng là điều dễ hiểu.
Chính sách lãi suất tiền gửi USD với tổ chức và cá nhân được Ngân hàng Nhà nước đưa về 0%/năm một thời gian đã phát sinh tình trạng một số ngân hàng lách luật: nhận USD, quy ra VND để trả lãi.

Ngân hàng Nhà nước phải làm gì để cân bằng giữa tiếng nói của thị trường và một phần của câu chuyện chống “đô la hóa”?

Ngân hàng Nhà nước không lùi bước?

Trả lời câu hỏi Ngân hàng Nhà nước có ý kiến gì về việc một số ngân hàng thương mại dùng kỹ thuật lách trần lãi suất tiền gửi USD 0% như nói trên, đại diện Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng: cơ quan quản lý đã chỉ đạo hệ thống thực hiện nghiêm quy định này.

Theo Vụ Chính sách tiền tệ, chính sách lãi suất 0%/năm đối với tiền gửi bằng USD của tổ chức, cá nhân tại các tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước áp dụng từ cuối tháng 9/2015 và giữa tháng 12/2015.

Đây là chính sách nằm trong đồng bộ các giải pháp của Ngân hàng Nhà nước, nhằm hỗ trợ hạn chế tình trạng “đô la hóa”, góp phần ổn định thị trường ngoại tệ và tỷ giá.

Kết quả việc thực hiện chính sách trên cùng các quy định về quản lý ngoại hối và điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, Ngân hàng Nhà nước đã đạt được nhiều kết quả khả quan trong việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết thêm, qua một thời gian thực hiện, phần lớn các tổ chức tín dụng chấp hành nghiêm các quy định của Ngân hàng Nhà nước, trong đó có quy định về lãi suất tiền gửi USD.

Nhưng mới đây, thông qua phản ánh của một số phương tiện truyền thông về tình trạng lách luật nói trên, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo ngay các tổ chức tín dụng thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về lãi suất của Ngân hàng Nhà nước.

“Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ thị chỉ đạo hệ thống ngân hàng tuân thủ nghiêm các quy định của Ngân hàng Nhà nước về lãi suất. Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát và nếu phát hiện tổ chức tín dụng vi phạm, Ngân hàng Nhà nước sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”, đại diện Vụ Chính sách tiền tệ cho biết.

Theo phân tích của các chuyên gia, quy định lãi suất tiền gửi bằng 0%/năm đối với tiền gửi USD nằm trong một bộ giải pháp, trong đó, ngoài điểm nhấn là Đề án chống “đô la hóa” ra đời cách đây 15 năm thì từ 2011 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã tìm mọi cách kiểm soát lạm phát.

Nhờ vào yếu tố chi phí đẩy thuận lợi (giá xăng dầu giảm gần 50% so với 2 năm trước) và quá trình điều hành chính sách tiền tệ, ngoại hối linh hoạt như tạo sự hấp dẫn với VND dưới góc độ kiểm soát lạm phát và chênh lệch lãi suất “đô đồng”, đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã tiến một bước dài trong việc hiện thực hóa mục tiêu giảm “đô la hóa” và nâng vị thế VND.

Tuy nhiên, khi lãi suất tiền gửi USD trở về 0%, đã làm biến mất kỳ hạn của tiền gửi ngoại tệ, thay vào đó là một dạng tiền gửi thanh toán, tiền gửi không kỳ hạn, gửi vào rút ra bất kỳ lúc nào.

Do không cố định được kỳ hạn của tiền gửi ngoại tệ, trong khi các tổ chức tín dụng vẫn có nhu cầu cấp tín dụng ngoại tệ. Sự không khớp nhau giữa kỳ hạn đầu vào và đầu ra, đã khiến cho nhiều ngân hàng phải tìm cách lách luật như nói trên, nhằm cố định kỳ hạn tiền gửi ngoại tệ để cấp tín dụng.

Cân nhắc lại chính sách lãi suất tiền gửi USD?

Ông Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia phân tích, Việt Nam đang thực hiện đề án từng bước hạn chế tình trạng “đô la hóa”. Muốn thế, phải làm cho sức hấp dẫn của ngoại tệ nói chung, USD nói riêng ngày một kém đi.

Và, đó là lý do để Ngân hàng Nhà nước đưa ra quy định lãi suất tiền gửi USD với tổ chức và cá nhân xuống 0%/năm từ cuối 2015.
 
“Quá trình chống “đô la hóa” đã kéo dài trên 15 năm và phải có lộ trình. Tôi cho rằng, lộ trình này phải kéo dài thêm 5 - 7 năm, thậm chí là 10 năm nữa mới có thể khép lại”, ông Phước đánh giá.

Theo ông, trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn vay ngoại tệ với quy mô tương đối lớn thì các ngân hàng thương mại vẫn phải duy trì tài khoản tiền gửi, tiền vay ngoại tệ, khi mà pháp luật vẫn cho phép.  

Đương nhiên, ngoại tệ dù là đồng Yên, Euro hay USD thì đó là một nguồn lực của quốc gia. Nếu tổ chức tín dụng vẫn mong muốn khách hàng tiếp tục gửi ngoại tệ, đặc biệt là USD thì việc “tri ân”, bù đắp lợi ích cho khách hàng là điều dễ hiểu.

“Việc đưa chi phí đó vào trong lãi suất tiền đồng là vấn đề mới, cần hết sức xem xét, không máy móc. Cũng chưa nên cực đoan sớm loại bỏ ngoại tệ ra khỏi hệ thống ngân hàng.

Thay vào đó, cần bình tĩnh xem xét, đặt vấn đề trên trong bối cảnh nền kinh tế vẫn cần đến nguồn lực ngoại tệ, trong khi, vẫn phải tiếp tục lộ trình chống đô la hóa, Ngân hàng Nhà nước cần xem xét một cách cẩn trọng, thấu tình đạt lý”, ông Phước nói thêm.

Như vậy, có 3 lợi ích ở đây mà cơ quan quản lý cần phải xem xét: người gửi tiền, người vay tiền và Nhà nước.

Một chuyên gia khác cũng cho biết thêm, trong mấy năm gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã đạt được thành công trong việc từng bước hạn chế “đô la hóa” trong nền kinh tế. Từ chỗ “đô la hóa” ở mức 18% cách đây 5 năm, đã giảm còn 11% vào thời điểm hiện nay.

Theo ông, vào cuối 2015, vị thế đồng USD lên quá cao thì phải duy trì lãi suất tiền gửi USD 0% để góp phần giảm sự hấp dẫn của chúng.

Nhưng ở thời điểm hiện tại, các đồng tiền Yên Nhật, EUR, đô Úc, đô Singapore... đang lên giá mạnh so với USD thì cần phải cân nhắc lại chính sách lãi suất tiền gửi USD hiện hành.