15:11 22/02/2014

Nhiều kiến nghị quan trọng liên quan đến ”túi tiền quốc gia”

Hoài Ngân

Bộ Kế hoạch và Đầu tư muốn sửa lại cơ chế phân cấp theo hướng tạo thêm sức mạnh cho ngân sách trung ương

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đối với cơ chế phân cấp ngân sách nhà nước 
hiện nay, việc phân chia nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa trung ương và địa 
phương là chưa hợp lý.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đối với cơ chế phân cấp ngân sách nhà nước hiện nay, việc phân chia nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa trung ương và địa phương là chưa hợp lý.
Một công văn mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Bộ Tài chính góp ý vào dự án Luật Ngân sách Nhà nước sửa đổi đã đưa ra nhiều kiến nghị quan trọng liên quan đến ngân sách nhà nước.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đối với cơ chế phân cấp ngân sách nhà nước hiện nay, việc phân chia nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa trung ương và địa phương là chưa hợp lý.

Việc để lại cho cân đối ngân sách địa phương như hiện nay, nhất là đối với các tỉnh điều tiết về ngân sách trung ương làm nguồn lực ngân sách nhà nước bị phân tán, ngân sách trung ương luôn trong tình trạng khó đảm bảo, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư phát triển.

Hệ quả là Trung ương không có đủ nguồn lực đầu tư cho các dự án kết cấu hạ tầng quy mô lớn, mang tính chất liên vùng, liên ngành và cả nước, các công trình quan trọng có ý nghĩa dẫn dắt, tạo sức đột phá, lan tỏa đến toàn bộ nền kinh tế.

Chính vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị sửa lại cơ chế phân cấp theo hướng tạo thêm sức mạnh cho ngân sách trung ương, đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương.

Liên quan đến nguyên tắc cân đối ngân sách nhà nước, tại điều 7, khoản 2 dự thảo Luật quy định: "Ngân sách nhà nước được cân đối theo nguyên tắc tổng số thu từ thuế, phí, lệ phí phải lớn hơn tổng số chi thường xuyên, góp phần tích lũy ngày càng cao cho chi đầu tư phát triển. Trường hợp còn bội chi thì số bội chi phải nhỏ hơn số chi đầu tư phát triển và chi trả nợ, tiến tới cân bằng thu chi ngân sách nhà nước".

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với quy định nguyên tắc cân đối nêu trên, thì chi đầu tư phát triển là phần còn lại sau khi đã bố trí đủ chi thường xuyên, chi trả nợ. Như vậy, kế hoạch đầu tư phát triển nguồn ngân sách sẽ luôn trong thế bị động và không cân đối được và điều này đã được kiểm chứng trong nhiều năm qua.

Vì vậy, Bộ đề nghị việc cân đối ngân sách nhà nước phải dựa trên cơ sở tổng nguồn, bao gồm: tổng thu ngân sách nhà nước, bội chi và nhu cầu chi được tính toán căn cứ mục tiêu, chính sách và các tiêu chí định mức chi.

Đối với chi đầu tư phát triển, Bộ cho rằng cần quy định rõ: "Giành toàn bộ số bội chi ngân sách nhà nước, tiền thu về sử dụng đất và một phần tiền thu về tài nguyên cho đầu tư phát triển".

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quy định như vậy sẽ bảo đảm cân đối chi ngân sách nhà nước một cách tích cực. Bội chi ngân sách nhà nước là khoản vay của nhà nước; tiền thu về sử dụng đất, thu về tài nguyên không phải là lợi nhuận của nền kinh tế; cho nên cần phải giành để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh; từ đó phát triển được sản xuất, tạo ra nguồn thu lớn hơn đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Công văn của Bộ cũng đề cập đến vấn đề xử lý tăng, giảm thu, chi so dự toán trong quá trình chấp hành ngân sách nhà nước. Theo đó, việc tiếp tục cơ chế thưởng vượt dự toán các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương là cần thiết nhằm khuyến khích, động viên các địa phương phấn đấu, hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách được giao.

Tuy nhiên, những nội dung cụ thể như phương thức thực hiện, tỷ lệ thưởng vượt thu cụ thể nên giao Chính phủ quy định, phù hợp với từng thời kỳ.