10:25 25/09/2008

Nợ công vẫn trong giới hạn an toàn

Xuân Vũ

Tính đến hết 31/12/2007, nợ công của nước ta vẫn nằm trong giới hạn an toàn, tỷ lệ 40,7% so với GDP

Về phạm vi đối tượng của nợ công, dự thảo quy định nợ công gồm: nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ chính quyền địa phương và không bao gồm nợ của khối doanh nghiệp Nhà nước.
Về phạm vi đối tượng của nợ công, dự thảo quy định nợ công gồm: nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ chính quyền địa phương và không bao gồm nợ của khối doanh nghiệp Nhà nước.
Tính đến hết 31/12/2007, nợ công của nước ta vẫn nằm trong giới hạn an toàn, tỷ lệ 40,7% so với GDP (ngưỡng an toàn là 50%).

Đây là báo cáo của Bộ Tài chính trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiến tới hoàn thiện Luật Quản lý nợ công, nhằm hạn chế rủi ro, tăng tính hiệu quả trong công tác quản lý nợ của Nhà nước, vốn chỉ được quy định phân tán tại các văn bản dưới luật hiện nay.

An toàn, nhưng vẫn nhiều... tồn tại

Điểm đáng chú ý nhất của dự thảo Luật Quản lý nợ công là việc có đưa doanh nghiệp Nhà nước vào phạm vi điều chỉnh của luật hay không. Vấn đề này hiện đang có hai luồng ý kiến trái chiều tại Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.

Thứ nhất, nếu luật không quy định doanh nghiệp Nhà nước nằm trong nợ công sẽ tạo "khoảng trống" pháp lý khá lớn đối với quản lý nợ khu vực này. Thứ hai, nếu quy định thì sẽ khó cho cơ quan quản lý, làm phát sinh nghĩa vụ trả nợ của nhà nước trong trường hợp doanh nghiệp Nhà nước không có khả năng thanh toán.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, trong thời gian qua thông qua hoạt động vay nợ, Nhà nước đã huy động được nguồn vốn khá lớn cho ngân sách Nhà nước và cho đầu tư phát triển, đồng thời vẫn đảm bảo quản lý tốt khối nợ trong các giới hạn an toàn. Kết quả công tác xử lý nợ cũ trong các năm 1993-2000 đã đưa Việt Nam từ nước mắc nợ nước ngoài trầm trọng (trên 90% so với GDP) trở thành nước có mức nợ an toàn và đủ tiêu chuẩn để được nhận được các nguồn tài trợ mới.

Cụ thể, nợ nước ngoài của quốc gia, tính đến 31/12/2007, tỷ lệ tương đương 32,75% GDP và 42,96% kim ngạch xuất khẩu. Theo quy chế xây dựng và quản lý hệ thống chỉ tiêu đánh giá, giám sát tình trạng nợ nước ngoài của quốc gia (231/2006/QĐ-TTg) thì các tỷ lệ này cũng nằm trong giới hạn an toàn. Tỷ lệ nước ngoài của quốc gia nói chung và của khu vực công nói riêng so với GDP có xu hướng ổn định và giảm dần trong trung hạn.

Tuy nhiên, mặc dù vẫn nằm trong giới hạn an toàn nhưng công tác quản lý nợ thời gian qua cũng đã bộc lộ nhiều tồn tại. Về tổ chức quản lý nợ, việc phân công phân nhiệm và ủy quyền trong quản lý nợ Chính phủ vẫn còn chồng chéo, không tập trung.

Hiện vẫn có hai cơ quan thay mặt Chính phủ ký kết và thực hiện các hiệp định vay nợ nước ngoài của Chính phủ là Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước. Ngoài ra, có nhiều chủ thể được phát hành trái phiếu chính phủ trong nước. Do phân tán các đầu mối nên việc tổng hợp các thông tin về nợ thiếu chính xác và không kịp thời.

Theo ông Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng Bộ Tài chính, hiện nay, do chưa có Luật Quản lý nợ công nên việc phân loại, tổng hợp nợ chưa theo các chuẩn mực quốc tế. Hơn nữa, nguyên tắc Chính phủ thống nhất quản lý nợ đã được nêu trong Luật Ngân sách Nhà nước, tuy nhiên chưa được cụ thể hóa và chưa được quán triệt trên thực tế, vì vậy chưa có sự kết hợp giữa quản lý nợ trong nước và nợ ngoài nước. Mức độ hoàn thiện về khuôn khổ pháp lý của hai lĩnh vực quản lý này cũng có những khoảng cách khá xa.

Không quy định nợ của doanh nghiệp Nhà nước vào phạm vi điều chỉnh?

Vì những tồn tại nêu trên, mới đây Bộ Tài chính đã chính thức gửi tờ trình dự thảo Luật Quản lý nợ công lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, Luật sẽ bao gồm 8 chương, 53 điều quy định về Quản lý nợ Chính phủ, bảo lãnh chính phủ, nợ chính quyền địa phương, quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ... về quản lý nợ công.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, dự thảo luật chưa đảm bảo được tính cụ thể, nhiều vấn đề mới chỉ được thể hiện dưới dạng nguyên tắc chung, không quy định nội dung cụ thể hoạch quy định quá giản đơn như: điều kiện được vay, được bảo lãnh; việc sử dụng tiền vay... Đó là những vấn đề vô cùng nhạy cảm liên quan trực tiếp đến việc huy động, quản lý sử dụng các nguồn lực, đến an ninh tài chính quốc gia và đến thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành trong xét duyệt cho vay, quyền được vay, sử dụng quản lý và trả nợ vốn vay...

Về phạm vi đối tượng của nợ công, dự thảo quy định nợ công gồm: nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ chính quyền địa phương và không bao gồm nợ của khối doanh nghiệp Nhà nước.

Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho biết, đa phần các ý kiến đều ủng hộ việc không quy định nợ của doanh nghiệp Nhà nước vào phạm vi điều chỉnh, vì nếu quy định sẽ gây phức tạp cho công tác quản lý, có nguy cơ làm phát sinh nghĩa vụ trả nợ của Nhà nước khi doanh nghiệp Nhà nước mất khả năng thanh toán.

Hơn nữa, theo ông, việc doanh nghiệp Nhà nước tự vay, tự trả thuộc quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp. Trong trường hợp doanh nghiệp không đủ khả năng trả nợ thì sẽ thực hiện thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản.

Ủy ban cũng đánh giá, cần phải quy định rõ ràng hơn về nguyên tắc quản lý nợ, trách nhiệm của các cơ quan quyết định cho vay, trách nhiệm của tổ chức thẩm định; trách nhiệm, nghĩa vụ trả nợ của người vay vốn; thẩm quyền quyết định trả nợ. Còn về bộ máy tổ chức quản lý, trước kia Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước cùng quản lý thì nay đồng ý quy về một đầu mối là Bộ Tài chính.