08:38 23/03/2016

ODA: Sắp phải trả nợ nhanh gấp đôi, lãi tăng gấp ba

Hồng Vân

Có thể Việt Nam sẽ không được vay theo điều kiện ODA và chủ yếu chuyển sang vay theo điều kiện thị trường từ tháng 7/2017

<b> </b>Ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại trao đổi với báo giới tại trụ sở Bộ Tài chính hôm 22/3.<b><br></b>
<b> </b>Ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại trao đổi với báo giới tại trụ sở Bộ Tài chính hôm 22/3.<b><br></b>
Có thể Việt Nam sẽ không còn được vay theo điều kiện ODA và chủ yếu chuyển sang sử dụng nguồn vay ưu đãi, vay theo điều kiện thị trường từ tháng 7/2017. Việt Nam sẽ phải thực hiện điều khoản trả nợ nhanh gấp đôi hoặc tăng lãi suất từ 2% - 3,5%, ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại  (Bộ Tài chính), cho biết.

Theo đó, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) đã vay sẽ phải rút thời hạn trả nợ từ 35 - 40 năm xuống còn 15 - 20 năm, đồng thời tăng lãi suất lên 2% - 3,5% thay vì trước đây là dưới 1%.

Cụ thể, giai đoạn trước năm 2010, thời hạn vay vốn ODA bình quân khoảng từ 30-40 năm, với chi phí vay khoảng 0,7-0,8%/năm.

Còn giai đoạn từ 2011-2015, thời hạn vay bình quân chỉ còn từ 10-25 năm, tùy theo từng đối tác và từng loại vay với chi phí vay khoảng 2%/năm trở lên.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, trong 10 năm trở lại đây, tổng số vốn ODA, vay ưu đãi được ký kết vào khoảng 45 tỷ USD, trong đó 1/3 chia cho ngân sách trung ương để cấp phát cho các chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương; 1/3 dành cho các chương trình, dự án của địa phương và 1/3 để cho vay lại các dự án trọng điểm của Nhà nước.

Trong tổng số vốn dành cho chương trình, dự án của địa phương, tỷ trọng vốn cấp phát chiếm 92,2% (khoảng 13,83 tỷ USD), cho vay lại chỉ chiếm 7,8% (khoảng 1,17 tỷ USD).

Theo ông Long, việc duy trì cơ chế mang tính bao cấp từ phía Trung ương trong thời gian dài đã tạo ra tâm thế ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước, chưa thực sự khuyến khích các chủ đầu tư sử dụng vốn tiết kiệm, có hiệu quả.

Hiện nay cơ chế thương mại đang dần được thực hiện ở chỗ để dự án có tính hiệu quả, khả thi, các ngân hàng được tiếp cận dự án ngay từ ban đầu.

Trong Nghị định 38/2013/NĐ-CP về Ban hành quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, báo cáo Chính phủ có nêu cơ chế tài chính được xác định ngay với chủ dự án, chủ dự án có thể xây dựng dự án phù hợp với điều kiện hiện nay.

“Do vậy,  quyền của ngân hàng thương mại đang được nâng tầm, đó là cơ chế chúng tôi đang áp dụng”, ông Long cho biết.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang chỉ đạo Bộ Tài chính và các ban ngành liên quan trước hết là đàm phán với Ngân hàng Thế giới (WB) về lộ trình hạn chế một cách tối đa tác động của việc trả nợ nhanh tới ngân sách Nhà nước cũng như là tới chủ dự án, chủ đầu tư.

Được biết, WB đã cam kết tính toán phương án cho phù hợp để không ảnh hưởng nhiều đến Việt Nam về thương mại kể cả trước mắt và lâu dài.

“Chúng ta đang phải xử lý hậu quả của việc huy động vốn ngắn hạn quá nhiều trong những năm 2011 - 2013, tương ứng với đó chúng ta phải trả nợ nhiều vào năm 2015-2016 nhưng trong năm 2017 các khoản phải trả nợ sẽ giảm”, ông Long cho biết.