07:58 28/06/2007

Phát hành cổ phiếu tăng vốn: Chỉ một cửa xét duyệt?

Minh Đức

Các kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn của ngân hàng hiện đang phải đi qua hai "cửa"

ACB là một trong những ngân hàng có phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ trong thời gian qua  - Ảnh: Việt Tuấn.
ACB là một trong những ngân hàng có phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ trong thời gian qua - Ảnh: Việt Tuấn.
Thời gian gần đây, trong khối cơ quan quản lý thị trường có một đề xuất đáng chú ý, đó là chuyển giao quyền xét duyệt kế hoạch phát hành cổ phiếu để tăng vốn của các ngân hàng thương mại cổ phần về một mối là Ủy ban Chứng khoán.

Đề xuất trên xuất phát từ thực tế những vướng mắc trong thời gian qua, khi một số ngân hàng thương mại cổ phần trình và chờ duyệt phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, như kế hoạch phát hành gây nhiều chú ý của Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình (ABBank) mới đây và trước đó là sự cố thay đổi ngày chốt danh sách cổ đông của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á châu (ACB).

Nguyên do là khi Luật Chứng khoán có hiệu lực (từ 1/1/2007), các ngân hàng thương mại cổ phần vừa là công ty đại chúng tuân thủ Luật Chứng khoán, vừa phải thực hiện các hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng. Như vậy, các kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn hiện vừa phải qua Ngân hàng Nhà nước, vừa phải có sự chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán.

Tác giả của đề xuất trên hy vọng rằng sẽ tạo cơ chế một cửa cho các ngân hàng thương mại cổ phần trong kế hoạch này và quy cơ chế xét duyệt và cấp phép về một mối là Ủy ban Chứng khoán.

Quy về một mối

Trao đổi với chúng tôi, ông Kiều Hữu Dũng, Vụ trưởng Vụ Các ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước), cho rằng quan điểm cá nhân ông là nên quy về một mối như trên để tạo điều kiện thống nhất trong quản lý và thuận lợi cho các ngân hàng triển khai. Tất nhiên, thuận lợi không có nghĩa với việc xem nhẹ xét duyệt các phương án.

"Ở Việt Nam, các ngân hàng thương mại cổ phần tăng vốn mới phải xin phép Ngân hàng Nhà nước. Còn ở đa phần các nước, việc tăng vốn ngân hàng đại chúng phải thực hiện theo Luật chứng khoán. Quan điểm của tôi về mặt lâu dài là Ngân hàng Nhà nước cũng nên chuyển giao quyền kiểm sát tăng vốn các ngân hàng thương mại cổ phần, các ngân hàng nên thực hiện việc tăng vốn đó minh bạch hoá theo Luật Chứng khoán.

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đã có hướng dẫn việc tăng vốn này, nhưng cá nhân tôi nghĩ đó là tạm thời. Tôi cũng đã kiến nghị vấn đề này lên Thống đốc nhưng chấp nhận hay không là do lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước”, ông Dũng nói.

Theo quy định của Chính phủ, trong năm 2007, vốn pháp định của các ngân hàng thương mại cổ phần tối thiểu là 1.000 tỷ đồng. Mức vốn này sẽ được nâng lên 3.000 tỷ đồng trong thời gian tiếp theo. Từ đầu năm đến nay, các ngân hàng bắt đầu thực hiện kế hoạch tăng vốn, trong đó phát hành thêm cổ phiếu là phương án phổ biến.

Với đề xuất quy về một mối xét duyệt và cấp phép là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, kế hoạch tăng vốn của các ngân hàng thương mại cổ phần sẽ thuận lợi hơn. Tuy nhiên, đề xuất này hiện còn vấp một số rào cản mang tính kỹ thuật.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thúy, điểm đáng lo ngại là các ngân hàng ồ ạt tăng vốn thông qua phát hành thêm cổ phiếu mà không có phương án sử dụng hiệu quả nguồn vốn huy động, gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng và lợi ích của cổ đông.

“Các ngân hàng không phải muốn tăng vốn lên bao nhiêu cũng được, bởi vì đây là vốn đi huy động ở bên ngoài, không phải do ngân hàng tự bỏ ra, ngân hàng làm không hiệu quả thì lấy đâu ra cổ tức để chia cho cổ đông. Đó là chưa nói đến nếu phát hành, giá cổ phiếu tăng cao mà dần dần kết quả kinh doanh lại kém thì sẽ ảnh hưởng xấu đến thị trường vừa gây bất lợi cho người nắm giữ cổ phiếu.

Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước phải xem xét phương án tăng vốn đó có hiệu quả hay không, có phù hợp với kế hoạch kinh doanh hay không”, Thống đốc nhấn mạnh.

Vẫn còn băn khoăn

Về đề xuất trên, Thống đốc Lê Đức Thúy bày tỏ quan điểm ủng hộ và sẵn sàng hợp tác với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để xem xét việc chuyển giao này.

Ông nói: “Khi xem xét việc phát hành tăng vốn của các ngân hàng thương mại cổ phần dưới hình thức của một công ty đại chúng thì đúng là nên quy về một đầu mối, và Ngân hàng Nhà nước ủng hộ ý kiến chuyển giao việc này cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quyết định, còn lộ trình thế nào chúng tôi đang làm việc với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để thúc đẩy nhanh việc này”.

Tuy nhiên, khó khăn của việc chuyển giao là trách nhiệm trước những sự cố có thể xẩy ra. Theo Thống đốc, vấn đề này cần được xác định rõ vì quyền hạn đi liền với trách nhiệm. Hiện tại, muốn hay không muốn, khi ngân hàng kinh doanh thua lỗ hoặc gặp khó khăn, Ngân hàng Trung ương phải can thiệp và chịu trách nhiệm. Nhưng với sự chuyển giao này, nếu xẩy ra đổ vỡ liên quan thì trách nhiệm cụ thể sẽ thuộc về Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hay Ngân hàng Nhà nước?

Nếu Ngân hàng Nhà nước còn chịu trách nhiệm bắt buộc phải có tiếng nói trong việc thông qua các kế hoạch phát hành tăng vốn của các ngân hàng. Từ vướng mắc này, một số ý kiến đang hướng tới khả năng có thể có một ban liên ngành, vừa quy được cơ chế về một mối, vừa đảm bảo việc quản lý, giám sát chặt chẽ và các ngân hàng cũng “bớt việc” trong các kế hoạch phát hành tăng vốn.

Hiện Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán đang tìm tiếng nói chung trong đề xuất này. Về chủ trương, trước mắt đã có sự ủng hộ từ Ngân hàng Nhà nước. Vấn đề còn lại là sự phối hợp của Ủy ban Chứng khoán và việc xử lý những vướng mắc nói trên.