07:29 09/12/2015

Sắp giảm dự trữ bắt buộc cho nhiều ngân hàng?

Minh Đức

Dự kiến sau 28/1/2016, nhiều ngân hàng có thể được giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc

Một phần vốn từ dự trữ bắt buộc có thể được "thả" ra thị trường, với loạt ngân hàng thương mại trong diện được xem xét.<br>
Một phần vốn từ dự trữ bắt buộc có thể được "thả" ra thị trường, với loạt ngân hàng thương mại trong diện được xem xét.<br>
Ngày 4/12/2015, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 23/2015/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế dự trữ bắt buộc đối với các tổ chức tín dụng.

Có nhiều điểm sửa đổi, bổ sung, trong đó nổi bật nhất là việc mở rộng đối tượng được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc so với quy định chung.

Theo quy định trước đó, trường hợp tổ chức tín dụng bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét quyết định giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho các tổ chức tín dụng đến mức tối thiểu 0%.

Thông tư 23 vừa ban hành tiếp tục kế thừa cơ chế trên, đồng thời mở rộng với quy định: đối với tổ chức tín dụng đang thực hiện phương án cơ cấu lại đã được phê duyệt, tổ chức tín dụng tham gia cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém theo chỉ định, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét quyết định giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cụ thể cho từng tổ chức tín dụng.

Với quy định trên, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có thêm cơ chế tạo khả năng hỗ trợ cho các tổ chức tín dụng thực hiện tái cơ cấu, đặc biệt là với những trường hợp nhận hoặc được chỉ định tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém thời gian qua.

Thông tư 23 có hiệu lực từ ngày 28/1/2016.

Hiện tại, hệ thống các tổ chức tín dụng đang thực hiện các mức tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi bằng VND theo Quyết định 379/QĐ-NHNN ngày 24/2/2009, đối với tiền gửi bằng USD theo Quyết định 1925/QĐ-NHNN ngày 26/8/2011. Tức là đã nhiều năm qua các tỷ lệ quy định chưa có thay đổi, ngoại trừ một số trường hợp được giảm nếu có tỷ trọng cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn từ 40% trở lên.

Đối với tiền gửi VND loại không kỳ hạn và dưới 12 tháng hiện có tỷ lệ dự trữ bắt buộc là 3%, loại từ 12 tháng trở lên là 1%; đối với tiền gửi ngoại tệ tương ứng là 8% và 6%. Riêng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) và một số tổ chức tín dụng đặc thù… được áp thấp hơn.

Từ năm 2012 đến nay, nhiều ngân hàng thương mại đã tham gia quá trình tái cơ cấu, xử lý các ngân hàng yếu kém. Theo đó, cơ chế trên mở ra khả năng nhiều thành viên có thể được giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong thời gian tới.

Với cơ chế mở rộng nói trên, sau thời điểm 28/1/2016, nhiều ngân hàng thuộc diện quy định mới có thể được giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, vì đây là lợi ích sát sườn của họ.

Với thị trường, khả năng một nguồn vốn từ dự trữ bắt buộc sẽ được “thả” ra. Tuy nhiên, tác động của nó (trực tiếp nhất là với lãi suất) còn tùy thuộc vào mức độ quyết định giảm của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Nếu có quyết định giảm theo chính sách mới này, độ rộng ảnh hưởng là đáng kể, khi nhiều thành viên có thị phần lớn hoặc quy mô lớn như Vietcombank, VietinBank, BIDV, Sacombank, PVcomBank, SHB… hay cả những trường hợp Ngân hàng Nhà nước vừa mua lại bắt buộc.