11:25 04/01/2017

Sắp thực hiện phương án cơ cấu 5 ngân hàng trong 2017

Minh Đức

Bộ Chính trị đã có kết luận, Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị triển khai phương án cụ thể

Ngân hàng Nhà nước đặt trọng tâm tiếp tục xử lý 5 ngân hàng thương mại trong đó có 3 ngân hàng mà Ngân hàng Nhà nước đã mua lại bắt buộc với giá 0 đồng, bao gồm: Xây dựng (CB), Đại Dương (Ocean Bank), Dầu khí Toàn cầu (GP.Bank) - Ảnh: Quang Phúc.<br>
Ngân hàng Nhà nước đặt trọng tâm tiếp tục xử lý 5 ngân hàng thương mại trong đó có 3 ngân hàng mà Ngân hàng Nhà nước đã mua lại bắt buộc với giá 0 đồng, bao gồm: Xây dựng (CB), Đại Dương (Ocean Bank), Dầu khí Toàn cầu (GP.Bank) - Ảnh: Quang Phúc.<br>
Tại buổi họp báo tổng kết năm 2016 sáng 4/1, ông Nguyễn Văn Hưng, Phó chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện đã có phương án cơ cấu 5 ngân hàng thương mại có vấn đề.

Theo ông Hưng, trong giai đoạn 2011-2015, Ngân hàng Nhà nước đã nhận diện được các ngân hàng yếu kém cũng như các vấn đề tại các thành viên để tiến hành xử lý.

Trong năm 2016 và trọng tâm 2017, đại diện Cơ quan Thanh tra giám sát cho biết, Ngân hàng Nhà nước đặt trọng tâm tiếp tục cơ cấu 5 ngân hàng thương mại, trong đó có 3 ngân hàng mà Ngân hàng Nhà nước đã mua lại bắt buộc với giá 0 đồng, bao gồm: Xây dựng (CB), Đại Dương (Ocean Bank), Dầu khí Toàn cầu (GP.Bank).

Cũng theo ông Nguyễn Văn Hưng, trên cơ sở đánh giá toàn bộ tình hình hoạt động, mặc dù đã cải thiện, nhất là vấn đề thanh khoản, không gây ra đổ vỡ, không gây ra tác động ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống, nhưng hiện cần có giải pháp đột phá để xử lý dứt điểm các vấn đề tại những ngân hàng này.

“Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng các phương án cụ thể xử lý ba ngân hàng đã mua lại bắt buộc, cùng DongA Bank và Sacombank sau sáp nhập. 5 ngân hàng trên Ngân hàng Nhà nước đã thừa ủy quyền của Chính phủ, xây dựng phương án báo cáo Bộ Chính trị và Bộ Chính trị đã có kết luận rất cụ thể, chi tiết việc xử lý đối với 5 ngân hàng này. Trên cơ sở kết luận của Bộ Chính trị, Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thiện phương án trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt trước khi Ngân hàng Nhà nước triển khai thực hiện vào đầu năm 2017”, Phó chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước nói.

Về tình hình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu nói chung, đại diện cơ quan chuyên trách này nêu định hướng, từ năm 2016, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tập trung xử lý mô hình tổ chức, năng lực quản lý điều hành, năng lực tài chính và thứ tư là xử lý nợ xấu.

Giai đoạn tái cơ cấu và xử lý nợ xấu 2016-2020 sẽ tập trung triển khai từ 2017, để làm sao xử lý dứt điểm các ngân hàng thương mại yếu kém.

Trong năm 2016, cũng theo vị đại diện trên, ngành ngân hàng đã đạt kết quả tích cực trong xử lý nợ xấu. Tính đến 30/11/2016, tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo của hệ thống đã giảm xuống còn 2,46%.

Ông Hưng cho biết, tỷ lệ nợ xấu giảm được trong năm qua do các tổ chức tín dụng đã tập trung các nguồn lực để tập trung xử lý tài sản đảm bảo, thu hồi nợ, sử dụng nguồn trích lập dự phòng rủi ro. Mặt khác, số nợ xấu bán cho VAMC giảm so với 2015 do nợ xấu phát sinh 2016 nhỏ hơn những năm trước.

Đáng chú ý, mới đây, Vietcombank là ngân hàng thương mại đầu tiên sạch nợ tại VAMC, chỉ sau hai năm tập trung kế hoạch xử lý nợ, sớm trước ba năm so với lộ trình 2020 mà Quốc hội, Chính phủ chủ trương.