09:16 31/05/2010

“Sẽ làm nghiêm với huy động 12%/năm!”

Nguyễn Hoài

Thị trường gần đây đón nhận thông tin một số ngân hàng thương mại nâng lãi suất huy động trên mức 12%/năm

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu.
Thị trường gần đây đón nhận thông tin một số ngân hàng thương mại nâng lãi suất huy động trên mức 12%/năm, bằng nhiều cách khác nhau. Điều này đang đi ngược với định hướng “vào 10 ra 12” của Chính phủ.

Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu.

Dư luận đang cho rằng, vì Ngân hàng Nhà nước “thắt chặt” nên một số ngân hàng thương mại mới tăng lãi suất huy động lên 12%/năm. Thống đốc lý giải như thế nào?

Tôi khẳng định, hoạt động của Ngân hàng Trung ương vẫn nhịp nhàng, giữ vững khả năng điều tiết dòng tiền vào ra một cách hợp lý. Kể cả thời điểm khó khăn nhất là cận kề Tết Nguyên đán, các tổ chức rút ra 70 nghìn tỷ đồng (trong đó: tổ chức kinh tế rút 40 nghìn tỷ đồng, kho bạc rút 20 nghìn tỷ đồng, bảo hiểm rút 10 nghìn tỷ đồng), chúng tôi vẫn đảm bảo khả năng thanh khoản cho nền kinh tế.

Và bây giờ, tăng trưởng tín dụng đã lấy lại nhịp độ bình thường: tháng 1 tăng 0,26%; tháng 2 tăng 2,09%, tháng 3 tăng 2,26%, tháng 4 tăng 1,64%, tháng 5 tăng cao nhất là 1,7%, cộng dồn lại mức tăng khoảng 8%.

So với chỉ tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm là 25% có vẻ hơi thấp nhưng Ngân hàng Trung ương luôn có những biện pháp kỹ thuật để đảm bảo ổn định vốn cho sản xuất kinh doanh.

Điều hành chính sách tiền tệ đang đúng hướng và góp phần lớn vào việc ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô. Cụ thể, trong khi tăng trưởng kinh tế quý 1 đạt 5,83% (dự báo 6 tháng tăng trưởng trên 6%) thì so 5 tháng đầu năm với cùng kỳ, CPI tăng 8,76% còn so với 31/12/2009 thì CPI 5 tháng tăng 4,55%.

Nhưng một thực tế là có ngân hàng đang nhích lãi suất huy động quá 12%/năm, trái với định hướng “vào 10, ra 12” của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước sẽ xử lý như thế nào?

Khi mới bắt đầu triển khai Nghị quyết 18, tôi đã yêu cầu các ngân hàng thương mại nhà nước không được cho vay quá 14%/năm, sau đó, Chính phủ có chủ trương hạ thấp hơn, tôi đã động viên các ngân hàng thương mại cho vay ở mức 13%/năm.

Lúc đó, khá nhiều phản ứng từ phía họ rằng, nếu hạ nữa, khách hàng tốt đi hết, chỉ còn khách hàng xấu thì sẽ rất nguy hiểm nhưng tôi vẫn động viên họ tiếp tục hạ, nếu cần Ngân hàng Nhà nước sẽ hỗ trợ và Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ thật.

Đến giữa tháng 5/2010, chúng tôi tổng hợp lãi suất bình quân của 12 ngân hàng lớn chỉ còn 13,3%/năm. Nhưng mới đây, Chính phủ ra Nghị quyết 23, định hướng lãi suất tiếp tục xuống đến mức “vào 10, ra 12”, với mức này, chúng ta phải chấp nhận một thời gian mới hạ được.

Hiện tại, đã có khá nhiều khách hàng vay được với mức lãi suất này, tương đương 1%/tháng, bằng năm 2007. Khi các ngân hàng thương mại lớn cho vay 12%/năm thì dần dần, họ sẽ lấy lại được khách hàng tốt, còn ngân hàng nhỏ nếu còn tăng một chút thì vì họ còn yếu, cũng nên để cho họ duy trì hoạt động.

Vấn đề ở đây là làm sao kiềm chế chỉ số tăng giá tiêu dùng giảm xuống thì lãi suất tiền gửi sẽ giảm theo và nhờ đó, lãi suất cho vay sẽ giảm. Vĩ mô tốt lên thì người gửi sẽ yên tâm.

Nhưng có một điều tôi muốn nói thêm là sự lộn xộn trên thị trường lãi suất chủ yếu xuất phát từ một số ngân hàng thương mại nhỏ, trước đây từ mô hình nông thôn chuyển đổi lên đô thị.

Xin Thống đốc nói rõ hơn về kế hoạch Ngân hàng Nhà nước sẽ làm gì để thực hiện chủ trương tiếp tục giảm lãi suất của Chính phủ?

Trong Nghị quyết 18, Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải đảm bảo an toàn hệ thống. Hiện nay, Hiệp hội ngân hàng đang tích cực vận động các ngân hàng thương mại giữ ổn định mặt bằng lãi suất, còn tôi đã ra lệnh yêu cầu kiểm tra tất cả những ngân hàng nào huy động 12%/năm.

Vì đó là chống lại chỉ đạo của Chính phủ.

Mới đây thôi, tổng giám đốc một ngân hàng phân bua với tôi rằng “báo chí đưa tin làm anh hiểu nhầm em”. Theo giải trình của ngân hàng này thì họ có tăng lãi suất một số kỳ hạn và việc báo chí thông tin nhầm lẫn. Nhưng “nhầm” hay không “nhầm” tôi cũng cho thanh tra “lội” vào sổ sách và kiểm tra tận nơi.

Vấn đề ở đây, Ngân hàng Nhà nước không chỉ kiểm tra lãi suất mà còn phải xem xét kỹ “họ làm cái gì trong đấy”, hay là làm mất hết tiền rồi nên mới vậy.

Như vậy, phải chăng làm mất ổn định lãi suất chính là do các ngân hàng thương mại nhỏ?

Nói vậy cũng không sai. Ngân hàng Nhà nước hiện gặp rất nhiều khó khăn trong điều hành vì thực tế này. Khi chuyển đổi 13 ngân hàng nông thôn thành đô thị, cho đến nay quy mô hoạt động của họ vẫn còn nhỏ, định hình chưa rõ nét.

Nếu tính chung cả hệ thống hiện nay, Việt Nam có 37 ngân hàng thương mại cổ phần, 5 ngân hàng thương mại nhà nước, 50 ngân hàng nước ngoài, 2 ngân hàng chính sách, 22 công ty tài chính, 5 ngân hàng liên doanh.

Trong khi đó, nhìn qua một số nước sẽ thấy có sự khác biệt rất lớn đối với Việt Nam. Malaysia có 43 ngân hàng nhưng có 21 ngân hàng hồi giáo hoạt động không lãi thì coi như không có. Còn 22 ngân hàng thương mại thì trong nước chỉ có 9, phần còn lại là ngân hàng nước ngoài.

Nền kinh tế Thái Lan lớn hơn Việt Nam nhưng chỉ có 32 ngân hàng, ngân hàng trong nước chiếm 16, còn lại là nước ngoài.

Đặc biệt, chiến lược phát triển ngân hàng Trung Quốc lại rất thận trọng. Cả nước có cả trăm ngân hàng nhưng họ cho phép có 5 ngân hàng lớn được hoạt động mở rộng trong ngoài nước, 12 ngân hàng được hoạt động toàn quốc, 136 ngân hàng chỉ được hoạt động thành phố và 22 ngân hàng hoạt động ở nông thôn.

Một người bạn ở quê tôi hỏi rằng: “Sao hệ thống ngân hàng của ông nhiều cá lòng tong đến vậy?” Cá lòng tong là loại cá thường xuyên quẫy đục nước, làm cho cá lớn không thể bơi. Mặc dù quy luật cạnh tranh cá lớn nuốt cá bé nhưng đến giờ đã có ngân hàng lớn nào thâu tóm được ngân hàng nhỏ?

Chính các ngân hàng nhỏ này do tiềm lực tài chính yếu, dự trữ “lương khô” thấp nên hoạt động chủ yếu dựa vào huy động - cho vay trên thị trường 1. Gặp khi thị trường khó khăn, họ phải đẩy lãi suất huy động lên, làm rối loạn thị trường.

Đó là một bất cập mà Ngân hàng Nhà nước không thể giải quyết trong một sớm, một chiều. Tôi cũng rất mong xã hội chia sẻ khó khăn này với chúng tôi.

Gần đây, có ý kiến rằng, tăng trưởng tín dụng khu vực phi sản xuất chiếm tỷ trọng khá lớn, Thống đốc nói gì về vấn đề này?

Điều này là võ đoán, tăng trưởng tín dụng hiện đang đi đúng quy luật. Tính đến hết tháng 5/2010, mức tăng trưởng tín dụng khu vực phi sản xuất (bao gồm cho vay kinh doanh chứng khoán, cho vay bất động sản, cho vay tiêu dùng…) chỉ tăng 1,89% và chiếm 17 – 18% tổng dư nợ. Đó là điều hoàn toàn bình thường.

Trong đó, dư nợ cho vay bất động sản là 192 nghìn tỷ đồng, tăng so với đầu năm là 4,54%; cho vay kinh doanh chứng khoán đến nay là 14 nghìn tỷ đồng, tăng 13,6%.

Tôi xin nói thêm, có một báo cáo của một cơ quan cho rằng dư nợ cho vay kinh doanh chứng khoán từ đầu năm đến nay tăng 14 nghìn tỷ đồng là không chính xác.

Khi tôi mới tiếp nhận chức vụ Thống đốc, dư nợ cho vay kinh doanh chứng khoán là 26 nghìn tỷ đồng, sau đó tôi kéo xuống còn 10,3 nghìn tỷ đồng, có lúc xuống còn 6,9 nghìn tỷ đồng và bây giờ nhích lên 14 nghìn tỷ đồng. Và điều quan trọng là bây giờ, các ngân hàng thương mại cho vay kinh doanh chứng khoán không còn làm ăn bậy bạ như trước.

Còn cho vay tiêu dùng đến nay dư nợ là 122 nghìn tỷ đồng, so với đầu năm không tăng. Lý do không tăng là tiền gửi dân cư đã tăng 17% thì họ sẽ hạn chế tiêu dùng để phòng xa. Tiết kiệm là quốc sách mà! Như vậy, có phải cơ cấu tăng trưởng tín dụng đang bất bình thường?