15:45 13/12/2007

Tham khảo chống lạm phát ở Đức

Ở ta, lạm phát hiện đã ra ngoài quy luật chung, nên các công cụ tiền tệ ứng phó rất khó mang lại kết quả mong muốn

Mùa mua sắm dịp cuối năm đang đến - Ảnh: Việt Tuấn.
Mùa mua sắm dịp cuối năm đang đến - Ảnh: Việt Tuấn.
Bài viết của TS. Nguyễn Sỹ Phương - CHLB Đức.

Đối chiếu với những chính sách kiềm chế lạm phát ở các nước, nhất là ở Đức, có thể thấy diễn biến lạm phát ở Việt Nam đã ra ngoài quy luật chung do nước ta chưa có nền kinh tế thị trường đầy đủ, thiếu minh bạch, lại bị vấn nạn tham nhũng chi phối.

Không có một nền kinh tế tăng trưởng lành mạnh nào không kéo theo tăng giá, ngoại trừ nền kinh tế quản lý tập trung, tuy chỉ mang tính giai đoạn. Bởi giá cả, một mặt xuất phát từ giá thành và trên cơ sở giá trị, luôn tăng (sản phẩm của nền kinh tế đang tăng trưởng), mặt khác phụ thuộc sức mua được quyết định bởi phần tiền dành mua sắm của các cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp và dân chúng có xu hướng tăng (do tăng trưởng kinh tế), tạo nên hai mặt trong quan hệ cung cầu hàng hóa, cùng đẩy giá lên.

Tuy nhiên, chỉ số tăng giá cao vượt quá chỉ số GDP như ở ta hiện nay, đã không nằm trong quy luật chung đó.

Giá tăng ở khắp nơi

Thời điểm hiện tại, không riêng gì ta, nhiều nước trong EU cũng đang lạm phát không thấp. Ở Đức, theo Hiệp hội các ngành hàng thực phẩm, giá cả nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm, đồ uống từ hai tháng trước đã tăng chóng mặt. So với cùng kỳ năm ngoái, sữa và các sản phẩm sữa tăng tới 50%, thịt 30%, đường kẹo 10%. Giá xuất xưởng các sản phẩm nông nghiệp (giá cơ sở sản xuất bán cho thương nghiệp) sáu tháng đầu năm tăng bình quân 9,7%.

Tuy vậy, mức tăng giá bán lẻ lương thực thực phẩm đồ uống Đức cuối năm nay dự kiến không quá 3% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi các chuyên gia nông nghiệp EU cho rằng, giá ngũ cốc và thịt trên thị trường EU còn tiếp tục tăng mạnh.

Sở dĩ Chính phủ Đức kìm được giá cả ở mức trên là nhờ sự cạnh tranh gay gắt về giá lương thực, thực phẩm, đồ uống ở nước này, nơi có nhiều nhất các siêu thị hàng thực phẩm giá rẻ. Riêng hai hãng thực phẩm giá rẻ Aldi và Lidl đã chiếm tới 42% thị phần. Trong năm 2007, nước Đức có thêm tới 800 siêu thị thực phẩm giá rẻ. Nhờ thế, so với giá lương thực, thực phẩm, đồ uống bình quân khối EU, giá cả ở Đức vẫn rẻ hơn tới 6%.

Cách nhìn nhận giá tăng ở họ, được phân tích trên bình diện toàn cầu, xuất phát từ giá năng lượng thế giới tăng, nhu cầu thế giới về sản phẩm bổ dưỡng an toàn ngày một cao, cách ăn uống kiểu công nghiệp của phương Tây ngày một phổ biến. Dân số thế giới lại bùng nổ, trong khi đất đai nông nghiệp có hạn. (Các yếu tố toàn cầu trên cũng đúng cho nước ta).

Trước áp lực tăng giá trên, phản ứng của Chính phủ Đức là lập tức đệ trình Quốc hội ban hành Luật Kiểm soát giá cả (đây cũng là cách điều hành nhà nước theo pháp luật). Theo đó, luật sẽ đặt các tập đoàn năng lượng vốn ảnh hưởng đến giá thành của cả nền kinh tế quốc dân dưới sự kiểm soát giá cả gắt gao của nhà nước, nhưng vẫn bảo đảm tính độc lập của họ, do Cơ quan kiểm tra liên minh kinh tế (Kartellbehôrde) chuyên năng thực hiện.

Theo luật mới, các tập đoàn năng lượng không được phép tăng giá đối với khách hàng của họ, vượt quá mức giá được tính dựa trên giá thành cộng tỷ suất lãi ròng đang có. Khi Cơ quan kiểm tra liên minh kinh tế, nghi ngờ giá cao quá mức, tập đoàn phải trình bảng thống kê chi phí và hạch toán giá thành. Nếu quả đúng giá cao quá mức, nhà nước buộc tập đoàn phải hạ giá. (Biện pháp này không có nghĩa nhà nước quyết định giá cả mà chỉ nhằm chống doanh nghiệp lũng đoạn thị trường, nâng giá bán quá trị giá thực, thu siêu lợi nhuận).

Ngược hẳn các tập đoàn năng lượng, với các tập đoàn bán thực phẩm giá rẻ, luật mới lại cấm họ bán giá thấp hơn giá thành, ngoại trừ khi bán tống hàng hóa để đóng cửa chi nhánh, hay thay đổi mặt hàng, hay hàng sắp quá hạn. Mục đích của quy định này nhằm bảo đảm cạnh tranh lành mạnh giữa tập đoàn thực phẩm giá rẻ với các cửa hàng thực phẩm tiểu thương, không để các hãng lớn thao túng giá cả làm phá sản các cửa hàng nhỏ, bảo đảm cho thị trường bán lẻ luôn mang thuộc tính đầy đủ “trăm người bán vạn người mua”, nhờ đó giá cả sẽ tự điều tiết theo quy luật cung cầu.

Cố gắng trên của họ rốt cuộc chỉ để giá cả thị trường đúng với giá thực do quy luật cung cầu điều chỉnh (chứ nhà nước không được phép và không đủ tài lực để áp đặt, thay đổi giá thực, như trong nền kinh tế quản lý tập trung).

Việt Nam ra khỏi quy luật chung

Trở lại nước ta, do lạm phát hiện đã ra ngoài quy luật chung, nên các công cụ tiền tệ ứng phó như lãi suất ngân hàng, tỷ giá hối đoái, thuế suất, tài trợ, trợ giá... rút ra từ nguyên lý chung, rất khó mang lại kết quả mong muốn. Lý do là vì nước ta chưa có nền kinh tế thị trường đầy đủ, thiếu minh bạch, lại bị vấn nạn tham nhũng chi phối, nên khi tiền đổ vào càng nhiều, tác dụng phụ càng nan giải. Để điều tiết giá cả, nhà nước phải nắm được cung và cầu, nhưng đến nay vẫn chưa làm được.

Thu nhập đẻ ra cầu, nhưng ở ta Chính phủ không thể kiểm soát được thu nhập. Lương chỉ chiếm một phần ba tổng thu nhập, hai phần ba không thể minh bạch, chưa nói đến thu nhập từ kinh doanh, bán nhà đất, chứng khoán, tiết kiệm, hiện chưa biết kiểm soát được ở mức độ nào. Trong khi đó ở Đức người ta tính được nhu cầu tiêu dùng của một người chính xác tới đơn vị Euro.

Về cung, yếu tố nền tảng quyết định giá cả, phụ thuộc vào lực lượng doanh nghiệp. Ở Việt Nam, khu vực doanh nghiệp nhà nước, chiếm tỷ trọng cao nhưng hiệu quả kém, khó có thể hạ giá thành, để giảm giá bán ra. Khu vực doanh nghiệp dân doanh hiệu quả cao thì tỷ trọng khiêm tốn, ít lợi thế về thủ tục, chế độ chính sách, về thu hút nhân tài, vật lực, tiền vốn... khó đủ lực cạnh tranh để kéo giá thị trường xuống. Bên cạnh đó, mối liên thông hàng hóa ra thế giới ở ta lại chưa ở mức dễ dàng như các nước đã phát triển để bù đắp kịp thời hàng hóa thiếu hụt trong nước. Vì vậy, nguồn cung hạn chế khó theo kịp sự phát triển tăng tốc của cầu, vốn không thể kiểm soát hết.

Như vậy, hệ quả chỉ số giá cả vượt chỉ số GDP là khó tránh, có thể xuất hiện ở bất cứ giai đoạn nào, nếu không nhanh chóng bảo đảm tính đầy đủ, minh bạch của nền kinh tế thị trường và hội nhập hoàn toàn vào nền kinh tế thế giới!